>> Nguyên Vân

Gặp đạo diễn Việt Linh trong thời điểm chị cùng ê kíp vở kịch Tấm và hoàng hậu chuẩn bị tái diễn ở Nhà hát TP.HCM (hợp tác giữa Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh TP.HCM cùng sân khấu kịch Hồng Hạc), chị cho biết: “Rất mừng vì cả hai vở vừa diễn tháng 6 vừa qua ở Nhà hát TP.HCM là Thiên thần nhỏ của tôi, Eugénie Grandet đều kín rạp”. Chị cũng nói vui: “Tôi chọc các diễn viên rằng mình đang ở làng - biểu diễn ở sân khấu thể nghiệm của Trường Múa TP.HCM từ năm 2015, rồi ra xã - được mời diễn bế mạc Liên hoan văn hóa Việt - Pháp tại sân khấu IDECAF cuối năm 2018, nay thì bò ra thị trấn (cười). Đổi địa điểm, sân khấu rộng hơn, các động tác di chuyển nhiều hơn nên diễn viên phải tập thêm nhiều. Nhưng cảm xúc rõ nhất là sự hưng phấn của toàn ê kíp, ngay cả các bé cũng diễn sung hơn”.

Tạo hình nhân vật chính trong vở Tấm và hoàng hậu sắp biểu diễn tại Nhà hát TP.HCM vào ngày 8.9

Sân khấu Hồng Hạc sẽ hoạt động thế nào sau khi hợp tác biểu diễn tại Nhà hát TP.HCM, thưa chị?

Từ tháng 11.2018, chúng tôi không diễn định kỳ nữa mà diễn theo dự án và theo yêu cầu của khán giả. Chẳng hạn có đơn vị/cá nhân nào mua show thì chúng tôi diễn. Sắp tới, sân khấu Hồng Hạc sẽ dời về Nhà thiếu nhi Quận 4 (TP.HCM) và ra mắt vở mới cho mùa trung thu với nội dung về gia đình - một liên phẩm có nhạc - xiếc - kịch gắn kết nhau bởi các nhân vật xuyên tâm.

Nói về đề tài gia đình, chị có xem hay nghe nhắc đến bộ phim Về nhà đi con đang được công chúng quan tâm, bình luận sôi nổi?

Có. Tôi có xem vì tò mò và quan tâm các dự án có đề tài gia đình. Tôi thích phim này. Đó là bộ phim có kịch bản, đạo diễn và diễn viên tốt; mọi khâu đều rất tốt so với chuẩn truyền hình. Thậm chí nhiều chỗ cho ta cảm giác đang xem phim điện ảnh. Nhược điểm nho nhỏ nằm ở chỗ giải pháp nghe lén, nhìn lén… ngẫu nhiên được thường xuyên lặp lại để phát triển câu chuyện. Thủ pháp này, vài lần sẽ dễ chịu trong một phim ngắn, nhưng trong phim dài tập thì hơi gợn chút.

Trừ điểm gợn nhỏ đó thì phim thật sự chỉn chu, giàu cảm xúc. Kịch bản chặt chẽ, cấu trúc mạch lạc. Đối thoại trau chuốt, sâu sắc nhưng tự nhiên, gần gũi. Diễn viên phần lớn diễn hay, đặc biệt Bảo Hân (Dương) là hiện tượng. Quay phim đẹp, đạo diễn làm chủ tiết tấu phim - điều đánh giá tay nghề cao: cắt đốt giai đoạn nhanh và kéo dài những nơi cần cảm xúc. Tựa phim cũng rất duyên, ấm áp.

Trong phim, có diễn viên đóng hàng chục phim truyền hình, nhưng phải đến Về nhà đi con mới thật sự tỏa sáng. Phải chăng sự tỏa sáng của diễn viên còn cần đến bàn tay đạo diễn?

Đạo diễn Việt Linh giao lưu với khán giả ở sân khấu Hồng Hạc

Người diễn viên muốn đóng hay, đầu tiên phải có năng khiếu thiên bẩm. Kế tiếp là kịch bản có lôi cuốn không. Và then chốt vẫn là đạo diễn. Diễn viên chỉ nghĩ về nhân vật đến đó, nhưng đạo diễn phân tích/khai thác tâm lý sâu hơn thì diễn viên sẽ bộc lộ nhiều hơn. Tôi cho rằng bộ phim Về nhà đi con của VFC là cú hích để các đài truyền hình khác suy nghĩ lại cách làm phim. Không chỉ phim truyền hình, mà cả phim chiếu rạp.

Đạo diễn Việt Linh và áp phích phim Mê Thảo - Thời vang bóng ở rạp Reflet Medicis, Paris

Chị có ấn tượng với ai trong lớp đạo diễn, diễn viên sau này, nhất là các bạn trẻ?

Rất nhiều. Các bạn trẻ bây giờ giỏi mà cơ hội không cùng nhịp. Tôi làm sân khấu Hồng Hạc, lập CLB điện ảnh Hồng Hạc cũng là để góp phần nhỏ tạo môi trường cho các bạn trẻ thể nghiệm, phát huy năng lực.

Nhưng cũng có nhiều đạo diễn “lờ nhờ”? Thế hệ nghệ sĩ của chị và lớp trẻ có khác nhau không?

Đúng, trong giới truyền hình, điện ảnh Việt lâu nay có nhiều đạo diễn làm rất nhiều phim mà cái tên vẫn không đứng được. Thiếu cá tính, thiếu chuyên môn, thiếu nghiêm túc thì sản phẩm sẽ trôi tuột. Nghề nào cũng có giá trị riêng, thay vì mê đắm hào quang của nó, nên tỉnh táo xem mình có năng khiếu hay không, tâm cảm có thuộc về nó không, có đủ say sưa để dấn thân và xả thân đến tận cùng không. Nghệ sĩ thực sự, dù thế hệ nào căn bản cũng như vậy.

Nói đến chữ xả thân, theo chị, đạo diễn nữ có thiệt thòi hơn đạo diễn nam nếu muốn tận cùng với nghề ?

Tôi cho là không. Đạo diễn nam và nữ chỉ khác nhau ở chỗ sức khỏe và gia cảnh. Còn xả thân thì ai cũng vậy, quan trọng là có đủ tâm sức và kỹ năng phân bổ thời gian dành cho tác phẩm và gia đình. Hầu như ai muốn làm phim đều phải có người bên cạnh (bạn đời/cha mẹ…) ủng hộ mới toàn tâm toàn ý được.

Nhưng vì sao thời gian làm nghề của đạo diễn nữ thường ngắn hơn nam?

Vì phụ nữ không đủ ích kỷ để lo cho bản thân mình. Bị ràng buộc trong suy nghĩ phương Đông, họ khó có khả năng dứt bỏ gia đình một cách dễ dãi. Đó là lý do đạo diễn nữ bỏ nghề sớm vì không cân bằng được giữa nghề nghiệp và cuộc sống.

Giữa lúc đỉnh cao của sự nghiệp, cơn bạo bệnh năm 2005 đã khiến chị phải chuyển nghề, vẫn làm nghệ thuật nhưng không ra phim trường nữa. Cũng từ sau cơn tai biến, nhiều đồng nghiệp cho biết rất ngưỡng mộ tinh thần “chiến binh” của chị…

Ai cũng nghĩ sau bạo bệnh, người bệnh thường buông xuôi, khó trở lại làm việc được. Tôi thì suy nghĩ về nguyên nhân gây bệnh. Nguyên nhân bệnh của tôi là do hút thuốc, do làm việc quá sức… Chính vì vậy bài viết đầu tiên sau bình phục của tôi là bài Xin lỗi bản thân, nói về việc đã không tử tế với bản thân. Với ý nghĩ không thể vừa sống vừa chết, tôi đã cố gắng “sống lại” một cách lành mạnh nhất, trong đó lao động yêu thích là dược liệu.

Các ấn phẩm của đạo diễn Việt Linh

Cũng từ đó chị bắt đầu viết nhiều hơn?

Việc nhìn khác đi ấy có làm thay đổi quan điểm trong nghệ thuật của chị không, khi trở lại với sân khấu?

Thay đổi góc nhìn tác động lên mọi việc, cách ứng xử ở đời. Sau bạo bệnh, tôi nhận ra có những chuyện không phải do mình muốn mà do não, hormone gì đó “đẩy” ta đi. Từ đó tôi không quy chiếu mọi thứ về đạo đức, nghĩ/kết luận về con người nhiều chiều, bao dung, cẩn trọng hơn.

Và từ những góc nhìn mà đẻ ra ngôn ngữ ?

Đúng là có những từ ngữ tôi dùng không nằm trong từ điển, vì tôi thường hay tìm/chế ra từ nào đó đáp ứng được xúc cảm của mình, về thanh âm, hình ảnh, ý nghĩa, thậm chí mùi vị… Một số nhà văn trẻ sau này từ ngữ còn uyển hoạt hơn tôi, rất lý thú. Từ ngữ có đời sống riêng của nó, ví như chữ của Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy… luôn buộc ta phải đọc chậm để nhấm nháp.

Đạo diễn Việt Linh trong buổi ra mắt sách Soi gương bằng người

Trau chuốt, chắt lọc từng khuôn hình khi làm phim, bây giờ là từng câu chữ trong cách viết, có phải chị được thừa hưởng từ bố chị - nhà biên kịch, quay phim Nguyễn Việt Tân?

Tôi thích chữ từ nhỏ, 12-13 tuổi đã viết rồi. Má tôi còn giữ quyển “truyện” ngây ngô đó, và bây giờ con gái tôi cất giữ. Khi theo ba tôi vào  chiến khu, tôi mới bắt đầu thích và lưu ý hình ảnh, âm thanh. Nếu để ý bạn sẽ thấy những câu chữ tôi viết thường có thanh, có ảnh. Tôi không chủ tâm tính toán nhưng có lưu tâm và có thể đã trở thành bản năng (cười).

Trong buổi ra mắt sách Soi gương bằng người, chị có nói tinh thần công dân của chị rất mạnh trong tác phẩm, rằng chị chú tâm bênh vực những người thấp bé, thiệt thòi trong cuộc sống…

Từ nhỏ, ông bà, cha mẹ đã dạy tôi như thế. Truyền thống xa xưa của gia đình đã biến thành tâm thức, căn tính của tôi chăng?

Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: NSCC, VH-VN, Ngọc Dương


Báo Thanh Niên
18.08.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.