Đạo diễn Trần Anh Hùng: Diễn viên nam cần có cả tính nữ

05/08/2018 21:20 GMT+7

Rất đông các đạo diễn trẻ, người quan tâm đến điện ảnh đã tham dự buổi trò chuyện của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng, nghe anh chia sẻ những câu chuyện thú vị quanh 2 chữ: làm phim.

Buổi trò chuyện cùng đạo diễn Trần Anh Hùng sáng 5.8 tại  không gian Cà phê thứ bảy trẻ (TP.HCM) là dịp hiếm hoi để các bạn trẻ làm phim, người yêu thích điện ảnh và đặc biệt là “fan” của Trần Anh Hùng gặp gỡ và đối thoại cùng anh. Bởi theo nhạc sĩ Dương Thụ, người sáng lập và điều hành không gian sáng tạo Cà phê thứ bảy, cũng là MC chương trình, đạo diễn Trần Anh Hùng hiếm khi tâm sự hay có buổi chia sẻ như vậy trong những lần về Việt Nam của anh.
"Công việc của người làm nghệ thuật không phải là lặp lại sự trải nghiệm để thành tác phẩm" ẢNH: Thiên Anh

Nghệ thuật là một ngôn ngữ, muốn thưởng thức thì phải học

Trần Anh Hùng đã mở đầu bằng cuộc gặp gỡ bằng việc kể 2 giai thoại về những tác phẩm danh họa Picasso: một là người xem tranh dù rất thích tranh ông nhưng không hiểu ông vẽ gì; hai là tranh ông vẽ về một nhân vật nhưng người quen của nhân vật đó cũng không nhận ra, và đã được Picasso giải thích rằng không sao, sau này người đó sẽ giống chân dung ông ta vẽ.
Dẫn 2 chuyện này, đạo diễn sinh năm 1962 cho rằng, chuyện đầu tiên, đề cập đến việc nếu muốn thưởng thức nghệ thuật thì phải học chứ không lấy cảm hứng, cảm nhận để có thể đến với nó. Dù cảm nhận hay cảm xúc vẫn có thể đến được nếu mình có bản năng tốt, nhưng cần phải nuôi dưỡng bản năng ấy để có thể cảm nhận tác phẩm nghệ thuật hay, có giá trị. Chuyện thứ 2, là muốn nói lên sức mạnh của một tác phẩm nghệ thuật, có khả năng thay đổi cái nhìn của con người.
Bộ phim đầu tay Mùi đu đủ xanh đưa tên tuổi Trần Anh Hùng đến tầm quốc tế ẢNH: Tư liệu
  Trần Anh Hùng chia sẻ, anh từng trải qua cảm xúc, sau khi xem một cuốn phim 6 tháng mới khóc. “Lúc đó mình mới hiểu, nhận ra được đó là điều gì…Nhưng cũng có phim mới theo dõi 15 phút, chưa có gì mà mình đã khóc. Là vì nghệ thuật nó như thế. Nó phải có ý nghĩa. Mình phải hiểu được, đi được trong đầu người làm ra phim, viết ra sách , tất nhiên có khi chỉ đi dạo thôi (cười), thì mình mới có thể xúc động mạnh, có thể khóc được”, anh dẫn giải.
Anh cũng nói vui rằng, có những lúc anh khóc nhầm, nhưng không phải nhầm vì ngôn ngữ điện ảnh tưởng hay mà cuối cùng lại không hay, mà nhầm trong hoàn cảnh khác. “ Sau khi có đứa con đầu tiên (vợ anh là diễn viên Trần Nữ Yên Khê – PV), Hùng hay khóc nhiều lắm mỗi khi mình căng thẳng. Lúc đó thấy cuộc sống của mình trở nên quan trọng, mình không thể chết được, kiểu như thế. Những khi lên máy bay thì luôn thấy cái gì đó nguy hiểm lắm, vì thế Hùng phải xem phim để quên nó đi. Thể loại mình hay xem trên máy bay là phim hành động, dù có khi phim buồn cười lắm, mà mình vẫn khóc. Hoặc chẳng hạn xem cảnh một người cứu không được người kia, là mình khóc. Là khóc nhầm đấy”, anh hài hước kể lại.
"Mùa hè chiều thẳng đứng", tác phẩm vào vòng tuyển chọn chính thức của LHP Cannes ẢNH: Tư liệu
Đạo diễn Mùi đu đủ xanh cho rằng, những người có bản năng tốt sẽ làm nghệ thuật rất hay, nhưng có thể được 1, 2 phim. Nếu sau đó họ không suy nghĩ chính xác cái họ đã làm, hoặc cái họ đã nhìn thấy trong tác phẩm của người khác… thì đến một lúc nào đó bản năng họ không đủ để làm được phim hay.

Không chọn diễn viên nam chỉ có nam tính

Trần Anh Hùng thừa nhận, tính nữ có trong bản năng của anh. “Tức là lúc đầu Hùng là nữ, không phải nam (cười). Hùng tiết lộ một bí mật quan trọng, khi Hùng làm phim Mùi đu đủ xanh, chiếu ở LHP Cannes, lúc đó tên mình Trần Anh Hùng chẳng ai biết nam hay nữ. Nhưng các nhà báo, người làm phim xem xong phim tưởng mình là nữ. Nên khi gặp mình, họ tỏ ra ngạc nhiên: ối, anh là đàn ông à. Mình hiểu ngay rằng trước đó đối với họ, mình đã được nghĩ là nữ rồi (cười)”.
Anh cho rằng: “Tính nữ rất quan trọng. Đó là sự mềm dẻo, là cái mình cho phép tất cả những gì có thể xuyên qua người mình. Ví như khi quay, mình tập trung vào diễn viên, ánh sáng, máy móc nhưng vẫn cảm nhận được có gió bay vào phòng như thế nào. Là vì mình biết, một lúc nào đó gió sẽ đẩy rèm cửa lên ra sao. Thì sau này khi quay ở góc khác thì sẽ cần máy quạt để có gió thổi rèm cửa lên. Đó là cái chất mà Hùng nghĩ rất nữ tính”.
Anh nói thêm, khi chọn diễn viên cũng thế, anh “không bao giờ chọn diễn viên nam mà chỉ có nam tính thôi. Cần phải có nữ tính trong đó thì Hùng mới làm việc với họ được. Nếu họ hoàn toàn là nam và luôn luôn thể hiện sự mạnh mẽ của nam tính thì sẽ không làm việc với họ được”.
Khi làm việc với diễn viên, Trần Anh Hùng không có quy tắc nào cả. Anh bảo “Quan trọng nhất là khả năng thưởng thức cái đang hiện ra. Điều này dựa vào chất nhạy cảm mà mình đã xây dựng nó từ lâu trong con người mình. Chất nhạy cảm đó từ những gì mình thấy mà nó hay và mình hiểu được nó, mình có khả năng nói nó ra thành lời. Mà cái đó mỗi người sẽ khác nhau vì họ đã xây dựng sự nhạy của của họ một cách rất cá nhân”.
“Không có diễn viên nào giống diễn viên nào, nên mình không thể có tiêu chuẩn nào khi làm việc với họ. Có khi mình làm việc với cả diễn viên chuyên nghiệp và người mới đóng phim lần đầu trong cùng một phim, thì mình càng không có tiêu chuẩn nào cả. Mình phải hiểu họ, thương họ, yêu họ như thế nào đó để dẫn họ đến cái hiệu quả mà mình muốn. Đó là điều rất tinh tế", anh nói.

Ngôn ngữ điện ảnh không có quốc tịch

Với Trần Anh Hùng, ngôn ngữ điện ảnh không có quốc tịch. “Quốc tịch của nó là điện ảnh. Hùng nghĩ, khi mình làm phim có ngôn ngữ điện ảnh thì người nào trên thế giới này xem cũng cảm được, cũng hiểu được. Đó là cái cần làm. Còn những lời diễn viên nói ra là chuyện khác”.
Tuy nhiên, anh cũng cho rằng, ngôn ngữ điện ảnh, cái làm cho phim có giá trị thì mình có thể nhìn được trong phim của người khác, nhưng cần cả cuộc đời đạo diễn để tiếp tục thắc mắc về nó, trong tác phẩm của mình.
"Rừng Na Uy", tác phẩm tranh giải chính thức tại LHP Venice 2010 ẢNH: Tư liệu
“Hùng không muốn chỉ lặp lại đời sống, lặp lại sự tự nhiên của đời sống. Nghệ thuật phải khác đi. Cũng như lời thoại, phải là dài hơn lời mình cần nói trong đời sống. Vì sao? Hùng muốn khi diễn viên nói ra lời thoại phải có nhịp điệu, có chất nhạc trong đó. Câu văn vì thế phải hơi phức tạp, nó không giống đời sống mà sẽ tạo ra điệu nhạc, làm người xem sẽ nhớ đến nhiều hơn. Khi làm việc với diễn viên, Hùng nói đây không phải là lời nói bạn nói ra cho khán giả họ hiểu câu chuyện, hiểu bạn nói gì, mà những lời này bạn phải để nó trong miệng, nhai nó một chút, cảm thấy vị của nó ngon như thế nào, lúc nói ra phải có độ hồi hộp của nó, để khi người ta nghe bạn trên màn hình, người ta sẽ tập trung vào đôi môi của bạn và sẽ thèm cắn vào đó, muốn hôn đôi môi đó. Muốn như vậy thì những lời nói của bạn khi nói phải có độ ngon của nó, chứ không chỉ là ý nghĩa”, anh giải thích.
Trần Anh Hùng nói trung bình khoảng 5 năm, anh có một tác phẩm điện ảnh. Và, việc mình giỏi hơn ra sao hay tác phẩm hay hơn thế nào không quan trọng với anh. Mà “Quan trọng là mình làm được gì, nó có đưa đến những thử thách cho mình hay không. Ở đây là mình muốn đào sâu ngôn ngữ điện ảnh, đó là thử thách, nó đưa ra những xu hướng mà mình chưa nhìn thấy, đó là cái mình cần làm, chứ không nghĩ làm cái đó sẽ hay hơn cái trước. Bởi vì cái trước vẫn ở đó, có giá trị riêng của nó”.

Trần Anh Hùng sinh năm 1962 tại Việt Nam và sống tại Pháp từ 1975. Anh học làm phim ở trường l’École Nationale Louis Lumière, Paris từ 1985-1987.
Tên tuổi của đạo diễn Trần Anh Hùng được biết đến nhiều nhất qua các tác phẩm về chủ đề Việt Nam với phong cách thực hiện đương đại. Anh là đạo diễn của Mùi đu đủ xanh (L'Odeur de la papaye verte, 1993), bộ phim duy nhất của điện ảnh Việt Nam, đến thời điểm này, lọt vào danh sách đề cử vòng cuối cùng của Giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất.

Một số tác phẩm khác của anh gồm:  Xích lô (1995): Giải Sư tử vàng LHP Venice; Mùa hè chiều thẳng đứng (2000): Vào vòng tuyển chọn chính thức của LHP Cannes; Tôi đến cùng cơn mưa (2008); Rừng Na Uy (2010): Tranh giải chính thức tại LHP Venice; Vĩnh cửu (2016)…



 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.