Đạo diễn Phạm Ngọc Lân: Lặng lẽ làm phim âm thầm nhận giải

15/07/2019 11:46 GMT+7

Đạo diễn Phạm Ngọc Lân làm phim nào cũng có giải thưởng. Tuy nhiên, anh kín tiếng, cũng như không chủ động truyền thông rộng rãi khi tác phẩm được giải. Anh mong muốn được tập trung làm phim, và ở đó, có được cách làm riêng của mình.

Ngay ở phim ngắn thứ hai Một thành phố khác, đạo diễn Phạm Ngọc Lân đã được các liên hoan phim (LHP) quốc tế chào đón nồng hậu. Nhà phê bình Marcus Mạnh Cường Vũ cho biết, việc phim này được chiếu 8 buổi tại LHP Berlin (Đức, năm 2016) là một kỷ lục của phim ngắn. Tháng 6 năm nay lại đánh dấu son cho Một khu đất tốt với giải cao nhất hạng mục Phim ngắn nước ngoài tại LHP ngắn quốc tế Vienna (Áo), đủ điều kiện để tranh giải Oscar phim ngắn vào năm 2020.
Tuy nhiên, anh kín tiếng trong suốt quá trình làm phim. “Tôi không hứng thú đi nhiều LHP hay các lab phim đâu. Vì đi nhiều thì toàn gặp người cũng quen, rồi nói chuyện lại nói chuyện cũ”, anh chia sẻ.

Rời kiến trúc để làm phim

Từ bao giờ anh phát hiện ra mình thích điện ảnh?
Tôi đến với phim muộn.
Hồi 3 tuổi, học mầm non, tôi đã được cô giáo chia vào nhóm xây dựng để cùng các bạn xây thành phố. Tới khi thi đại học, tôi vẫn nghĩ mình thích xây như vậy và tôi thi kiến trúc.
Tôi vào khoa quy hoạch trường kiến trúc, ra trường cũng đi làm 2 năm. Hồi học kiến trúc, thấy ở VN học đại học nhàn, tôi tò mò đi học chụp ảnh. Rồi khi ra trường thì tôi thử thêm về video.
Tôi đi làm quy hoạch đến năm 2011 và bắt đầu thấy những dự án quy hoạch bị “đổ”. Nghề quy hoạch làm cho mình phải dự đoán 5 năm, 10 năm, 20 năm. Nhưng khi làm ra, rất nhiều quy hoạch không dùng được. Tôi nghĩ mình tạm dừng lại, nhìn ra xung quanh để xem có gì hợp cho mình, chứ không phải cho mọi người.
Đạo diễn Phạm Ngọc Lân: Lặng lẽ làm phim âm thầm nhận giải1

Đạo diễn Phạm Ngọc Lân (bìa trái) trong thời kỳ đầu làm phim

Ảnh: NVCC

Sau đó, tôi đi học làm phim ở Doclab. Thời gian đó cũng có nhiều trung tâm văn hóa nước ngoài mang tới nhiều hoạt động: phim, triển lãm. Tôi tới xem và rồi chất điện ảnh ngấm dần. Sau này, khi có thời gian tĩnh lại, tôi nghĩ thời kỳ đó mang tới nhiều chất liệu ấn tượng và quan trọng cho cách nhìn của tôi. Chẳng hạn, có bộ phim về một Robinhood trộm đồng hồ để chia cho người nghèo. Sau vụ trộm lớn, một cô gái rất xinh hỏi nhân vật, mấy giờ rồi. Cậu đưa Rolex lên nhìn và nói: “Chín viên kim cương một phần ba”. Tức là khoe ta có nhiều tiền. Sau đó, tôi hiểu những chất như thế thì sẽ tạo ra bộ phim có chất thoại rất thông minh. Hoặc giả có một bộ phim khác, tôi nhớ cảm giác về một nhân vật người mẹ cứ trợn mắt, hét lên và mang tới cảm xúc rất lạ. Đó chính là cô Minh Châu. Sau này, tôi mời cô tham gia phim của mình như Một thành phố khác, Một khu đất tốt.
Sắp tới làm phim Dòng sông không nhìn thấy cũng có một nhân vật tôi mời cô. Có những điều như vậy.
Làm phim độc lập như anh chủ yếu là kiếm tiền rồi để làm phim. Anh có làm thêm việc gì nữa?
Thực ra giờ tôi vẫn làm phim riêng và làm những việc khác liên quan đến media để kiếm tiền. Chẳng hạn quay tài liệu, hoặc làm thuê các việc khác liên quan đến phim. Tôi chưa có công ty riêng, tôi nhận việc qua các công ty của bạn bè. Hồi trước, trước khi tôi bắt đầu phim truyện thì việc nhiều, cũng ổn. Nhưng sau này khi tôi đi lại giữa VN và Mỹ nhiều, dạng việc như vậy cũng mất nhiều.
Tôi cũng muốn khi việc làm phim của mình ổn định rồi thì sẽ chuyển sang làm phim thôi. Bây giờ, người làm phim nếu biết cách có thể làm tốt được cả nghề và thương mại. Sắp tới các dạng trình chiếu mạng sẽ nhiều hơn. Nó mang lại những việc về phim, rồi đạo diễn như việc thương mại, đạo diễn như là một nghề. Như thế sẽ có nhiều việc để làm hơn. Nhưng những việc đó với tôi chắc phải sau khi làm phim dài.
Đạo diễn Phạm Ngọc Lân: Lặng lẽ làm phim âm thầm nhận giải

Đạo diễn Phạm Ngọc Lân cùng những người làm phim VN được mời tới LHP Berlin năm 2019

Ảnh: NVCC

Giải thưởng quốc tế với anh có ngoài dự kiến?
Tôi làm phim không nghĩ nhiều đến phim đi đâu và giải thưởng. Vì khi mình đi nhiều liên hoan rồi thì thấy gu điện ảnh còn chán, ít đa dạng. Có những phong trào tại các LHP, chẳng hạn gần đây là phong trào tân hiện thực mới. Mọi người muốn làm theo cách đó để gần với người xem và cuộc sống. Nhưng điều đó theo tôi cũng làm mất đi những giá trị riêng của điện ảnh. Chẳng hạn, ẩn dụ kém đi, hay mình không thể lùi xa và nhìn bộ phim như một trải nghiệm về đời sống và cuộc đời. Khi mình càng gần nhân vật thì càng mất đi sự đánh giá, kéo theo là mất đi tính biểu tượng. Những cái đó nhiều người làm, thì đối với tôi nó không hấp dẫn.

Điện ảnh sẽ ngắn lại cùng phim ngắn

Theo anh, thời gian tới phim ngắn có lên ngôi?
Mọi người hay so sánh phim ngắn là truyện ngắn còn phim dài là tiểu thuyết. Bây giờ không còn thế nữa
Có. Bây giờ có những LHP họ nói là Make cinema short again. Những phim đầu tiên của điện ảnh là phim ngắn, chẳng hạn chỉ là chân dung, rồi quay một chuyến xe lửa... Guồng quay bây giờ lại chuyển điện ảnh về dạng thức rất ngắn. Trước đây, người ta làm phim, xem phim 90 phút, còn giờ có nhiều người chỉ xem phim 3 - 5 phút.
Anh thấy sàn chung của phim ngắn VN hiện nay như thế nào?
Tôi thấy thể loại giờ còn chưa đa dạng. Mọi người chỉ coi đó là một bước đệm cho phim dài thôi. Mà cái đó thì quá là khác. Phim ngắn đã không bị coi là một phần của điện ảnh nữa. Chẳng hạn, giữa điện ảnh và nghệ thuật đương đại có những chỗ chồng vào với nhau, và phim ngắn nằm ở trong khoảng đó. Chưa nói về thể loại, có những dạng phim ngắn chiếu trong rạp chiếu nhỏ, trong viện bảo tàng hoặc cho online. Nó không thực sự là yếu kém hơn so với phim dài. Mọi người hay so sánh phim ngắn là truyện ngắn còn phim dài là tiểu thuyết. Với thế kỷ 20 thì phim dài quá mạnh, họ kiếm được tiền từ phim dài, giải trí bằng phim dài. Các trường phim hầu như chỉ đào tạo ra để làm phim dài nên những phim từ trường phim đều là phim dài. Bây giờ không còn thế nữa. Và bây giờ loại hình về phim nhiều người tiếp cận được.
Đạo diễn Phạm Ngọc Lân: Lặng lẽ làm phim âm thầm nhận giải3

Poster dự thi ở nước ngoài của phim Một khu đất tốt

Khi viết, khó khăn nhất với anh là gì?
Mỗi dự án tôi lại tìm ra một cách thử riêng. Chẳng hạn phim Chuyện mọi nhà thì chỉ một mình với máy, cảm giác là một điều gì đó. Với Một thành phố khác thì mình viết kịch bản rất tự nhiên, hết cảnh này thì đến cảnh khác như thế nào. Rồi đến cảnh cuối sau khi đã nhảy hết việc cỏn con của đời sống thì tôi nghĩ cần một cảm giác giật ra rất xa để nhìn thấy toàn cảnh. Mình viết hồn nhiên theo thứ tự đó.
Còn Một khu đất tốt thì viết theo kiểu bản đồ tư duy, cần thứ tự gì, cảnh gì, sau đó mới quay lại viết thoại. Tiền cho phim này rất thấp nên sau mỗi tập lại có thử thách kiểu khác. Cảnh này cảnh kia phải ráp vào nhau như thế nào. Tưởng tượng đó cũng là thử thách. Còn phim sắp tới thì lại viết thoại trước, rất dài. Rồi sau đó quay lại làm từng cảnh và cắt bớt thoại đi.

Bắt đầu học làm phim với trung tâm dạy làm phim tài liệu là Doclab.

Điều đó ảnh hưởng tới anh như thế nào?
Chuyện mọi nhà là phim lần đầu tiên tôi làm ở đó, nó cũng không hẳn là tài liệu. Tôi muốn có khoảng riêng chứ không chỉ ngồi nhìn. Tôi muốn “táy máy” về chất liệu của điện ảnh, chất cảm của âm thanh. Nhân vật nói mà không biết thật hay là bịa, có sự lấp lửng ở đó, không phải mọi thứ đều phô ra hết, là tôi đang kể cái này.
Phim mà tôi muốn làm không có nhiều tính tài liệu. Nhưng cái tôi học được, ứng dụng được từ làm tài liệu thì có. Ví dụ trong Một thành phố khác, thoại của nhân vật bác sĩ thật ra lại là thật, tôi nhờ một người vào phòng khám phụ khoa ghi âm lại. Nó là một dạng làm nghiên cứu và thay đổi dựa trên nghiên cứu thực tế đó. Nó không hẳn là tài liệu nhưng có chất mình khảo sát theo cách tài liệu, và khi dùng mình có thay đổi. Hoặc kiến thức nền của các phim về sau đều dùng cách khảo sát cho phim tài liệu nhiều.
Anh có nghĩ mình bị ảnh hưởng bởi đạo diễn nào, tác giả viết nào không?
Về ngôn ngữ, tôi muốn xây được một triết lý riêng cho mình, thế nào là điện ảnh của mình, thế nào là thế giới của mình. Chẳng hạn, tôi muốn xây dựng cách mường tượng về thời gian trong phim. Như Một thành phố khác, mọi người xem sẽ thấy hơi trừu tượng hoặc hơi khó. Nó không phải tuyến tính. Một cảm giác thời gian có thể sắp xếp được vị trí bất kỳ nhưng nó không ảnh hưởng. Phim bây giờ theo hướng nhân quả. Sau cảnh này thì nhận được cái gì. Nhân quả cũng hay nhưng lại bắt là phải theo tuyến tính. Tôi muốn phát triển một kiểu thời gian như thế trong phim vì khi mình trải qua rất nhiều vấn đề và nhìn lại mình gần như, hoặc kể cả tỉnh táo nhớ lại ngày trước thì nó rất lộn xộn. Thậm chí, mình không nhớ cái nào trước cái nào sau. Mình quan tâm đến một cái tổng thể nó đem lại cho mình.
Xin cảm ơn đạo diễn!
Đạo diễn Phạm Ngọc Lân sinh năm 1986.
Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 2009,
Khoa Quy hoạch đô thị. Sau khi ra trường 2 năm,
Phạm Ngọc Lân học làm phim rồi trở thành một nhà làm phim độc lập.
Năm 2012, bộ phim tài liệu Chuyện mọi nhà của anh dự tranh giải Tiệc phim YxineFF 2012 và tham dự các LHP quốc tế như Visions du Réel (Thụy Sĩ), CPH-DOX (Đan Mạch).
Năm 2016, phim ngắn Một thành phố khác của anh là đại diện VN duy nhất trong 15 phim tham dự phần tranh giải chính thức dành cho phim ngắn tại LHP Berlin. Phim này sau đó còn giành giải Chú ý đặc biệt trong hạng mục phim ngắn của LHP quốc tế phim độc lập IndieLisboa tại thủ đô Lisbon (Bồ Đào Nha) và giải thưởng Tưởng niệm Ingmar Bergman tại LHP ngắn Uppsala Thụy Điển năm 2016.
Năm 2019, Một khu đất tốt được LHP Berlin 2019 chọn vào hạng mục phim ngắn, tranh giải Gấu vàng, Gấu bạc, giải Phim ngắn Audi (phần thưởng 20.000 euro).
Tháng 6.2019, Một khu đất tốt giành giải cao nhất hạng mục Phim ngắn nước ngoài tại LHP ngắn quốc tế Vienna (Áo), đủ điều kiện để tranh giải Oscar phim ngắn vào năm 2020.
Phạm Ngọc Lân hiện đứng lớp giảng dạy về nghiệp vụ đạo diễn.
Một người khiến tôi kính trọng
Đạo diễn Phan Đăng Di

ẢNH: NvCC

       
Phạm Ngọc Lân là một đạo diễn giỏi, xét về nghề nghiệp đạo diễn, đó là một người khiến tôi kính trọng. Tôi chọn Lân là người cùng đứng lớp đào tạo đạo diễn vì một người giỏi, ngoài làm chuyên môn thì rất nên đi dạy. Kiến thức, quan điểm nghề nghiệp và kinh nghiệm của họ hẳn là thứ cần được chia sẻ cho nhiều người, nó giúp làm phong phú thêm những hiểu biết và thực hành về điện ảnh vốn đang không đa dạng và phong phú mấy của nền điện ảnh chúng ta.
Phim của Lân hiện đại và trí tuệ nhờ một xử lý khác về tự sự, về không gian/thời gian và diễn xuất hiếm thấy trước đó trong các bộ phim VN. Các phim của Lân thuộc vào dòng chảy những tác phẩm đặt mục tiêu và có khát khao đổi mới ngôn ngữ điện ảnh, đồng thời cũng mang một cảm thức hài hước và u buồn rất hiện đại, bởi vậy nó dễ dàng được đồng cảm và đánh giá cao tại các LHP quan trọng.
Đạo diễn Phan Đăng Di
NSND Minh Châu

ẢNH: NvCC

       
Tôi thích làm việc với Lân
Phạm Ngọc Lân rất kỹ trong các cảnh quay. Thường thì tôi chỉ diễn 2 - 3 đúp thôi, nhưng có phim tôi phải diễn tới 20 đúp. Nhiều khi cứ xong một đúp thì bạn lại nghĩ ra một sơ suất gì đó, có thể không phải do diễn viên. Nhưng tôi rất thích làm việc với Lân. Những dự án của Lân bao giờ tôi cũng hứng thú từ lúc đọc kịch bản. Đó là những kịch bản rất ít thoại và đòi hỏi trí tưởng tượng của diễn viên, cũng đòi hỏi họ phải diễn bằng mắt rất nhiều.
NSND Minh Châu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.