Đạo diễn Lê Văn Duy và những kỷ niệm với bạn học Hai Nghĩa Trương Vĩnh Trọng

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
21/02/2021 18:13 GMT+7

Sáng 21.2, lễ tang nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng diễn ra theo nghi thức cấp Nhà nước. Nhiều người bạn của ông Hai Nghĩa, trong đó có đạo diễn Lê Văn Duy đã chia sẻ nhiều kỷ niệm không thể nào quên với người đã khuất.

Nhớ về người bạn lớn Trương Vĩnh Trọng, đạo diễn – nhà văn Lê Văn Duy xúc động: “Hai anh em tôi Lê Văn Duy và Lê Văn Thảo lên rừng Miền Đông, công tác ở Tiểu ban Giáo dục thuộc Ban Tuyên Huấn R. Vài tháng sau Tiểu ban Giáo dục do cha tôi, ông Dương Văn Diêu làm Trưởng tiểu ban mở trường Giáo dục Tháng Tám triệu tập cán bộ giáo dục từ khắp các tỉnh thành miền Nam, từ phân khu 6 đến tận Cà Mau lên học. Ngồi chung bàn tôi là Hai Nghĩa, người gầy gò, nước da đen sạm, dân Bến Tre. Dạo đó tôi là sinh viên Sài Gòn mới thoát ly lên R, người còn trắng trẻo, hồng hào, mới vào Đoàn, trong khi Nghĩa trạc tuổi tôi nhưng là cán bộ hoạt động trong phong trào học sinh tỉnh Bến Tre. Chữ viết Nghĩa khá đẹp, bạn rất khiêm tốn, thường hỏi tôi về môn khoa học, triết học. Thế nhưng trong những môn học liên hệ từ lý thuyết đến thực tế cuộc sống đồng bào, nhân dân địa phương thì Nghĩa hướng dẫn tôi. Nhờ vậy mà hai anh em khá thân nhau”.

Đạo diễn - nhà văn Lê Văn Duy

Ảnh: NVCC

Sự cố của hai đồng môn khi trong thời gian đang học thì xảy ra cuộc đảo chánh Ngô Đình Diệm của Dương Văn Minh. Nhà văn – đạo diễn Lê Văn Duy kể tiếp: “Nghĩ rằng thời cơ đã tới nên Ban giám hiệu và cả lớp học được lệnh xuống đường, cấp tốc hành quân về vùng ven đô. Thế là Nghĩa trở thành một trong những tổ phó tích cực của tổ tôi. Kỷ niệm tôi nhớ nhất là khi đi qua cách đồng chó ngáp đang mùa mưa, nước ngập mấp mé lưng quần, người đi bộ tay cầm nhánh cây tràm gió tránh máy bay trực thăng, suốt ngày đêm ngâm chân trong nước, mỏi nhừ tê chân. Dân thành thị và anh chị em các tỉnh miền Đông, khu Nam Tây nguyên không quen lội nước dễ bị lạc hướng. Các anh chị em quê miền sông nước, miền Tây đã tận tình đi tới đi lui hướng dẫn chúng tôi. Nghĩa là người đã dạy tôi câu thiệu: "Đêm tránh đen, nắng tránh trắng". Có nghĩa là cứ nhìn theo khoảng nước đục trước mặt mà lần bước tới. Do mang bồng, gạo, muối và có thể là vũ khí nữa. Tôi là quần chúng nên chỉ mang những thứ cần thiết. Nghĩa có súng ngắn nên phải quàng súng trên lưng bồng tránh nước. Vậy mà Nghĩa vẫn tới lui kiềm cặp tôi”.

Linh cữu nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đặt tại hội trường UBND tỉnh Bến Tre

Ảnh: B.B
Một kỷ niệm mà nhà văn – diễn Lê Văn Duy nhớ mãi là tại lớp giáo dục tháng Tám khoá một của ông và Nghĩa. Câu chuyện nghe hấp dẫn như nhiều trang tiểu thuyết ghép lại: “Đường về Sài Gòn đã bị chặn lại. Lớp học chia làm nhiều tổ tỏa ra nhiều nơi bên này bên kia quốc lộ 1A đi vận động quần chúng đấu tranh chính trị. Cũng may là khi đó quân ta đánh chiếm đồn Hiệp Hoà, bắt sống 4 cố vấn Mỹ. Vậy nên máy bay, pháo binh Mỹ không bắn phá cả vùng xung quanh đồn Hiệp Hoà mà cho máy bay trực thăng phát loa kêu gọi dân chúng ai phát hiện chỗ tù binh Mỹ sẽ được trọng thưởng số tiền lớn.Thông thạo tình hình, Nghĩa rủ tôi ra ngoài ruộng mía, ngồi trên bờ mẫu nhìn trực thăng lồng kẽm bay tít trên cao rải truyền đơn và kêu gọi đồng bào phát hiện nơi giấu tù binh Mỹ. Nhìn mãi cảnh máy bay phát loa cũng chán, bỗng thấy đám trẻ con chạy rần rần, Nghĩa hỏi: Chạy đi đâu vậy, mấy cháu. Coi tù binh.Tôi lao theo Nghĩa. Ngay bên kia ngọn rạch, bộ đội đang dắt hai tù binh Mỹ da đen đưa xuống xuồng, cũng vừa bơi khuất sau ruộng mía đang trổ cờ cao khỏi đầu. Tôi chỉ thấy 2 tù binh da đen nhưng nghe bà con nói còn có 2 tù binh Mỹ da trắng nữa. Mãi đến sau này, khi làm phim tài liệu: “Những người gặp may” về tù binh Mỹ, tôi mới biết đó là những tù binh Mỹ đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam. Giữa đạn bom, chuyện còn sống hay đã mất xem như bình thường, tuy chúng tôi vẫn hỏi thăm tin tức của nhau. Tôi nghe tin nhiều bạn cùng lớp từ các tỉnh nhưng hiếm khi biết tin Nghĩa. Có lẽ do Nghĩa và tôi đều chuyển ngành. Tôi sang Điện ảnh, làm nghề sáng tác. Nghĩa vẫn ở ngành giáo dục Giồng Trôm, Mỏ Cày rồi sau đó đi đâu, tôi bặt tin".
Những ngày hòa bình, đạo diễn Lê Văn Duy đi làm phim khắp nơi nơi, đến cả Bắc, Trung, Nam vào đến Chủ tịch phủ, gặp gỡ nhiều lãnh tụ cao cấp nhất, nhưng chưa lần nào ông gặp lại anh bạn cũ Hai Nghĩa. "Bỗng nhớ cuối năm 1975 tôi về Bến Tre làm phim, gặp nhiều người mà sao không thấy Hai Nghĩa. Thì ra Nghĩa đã chuyển sang ngành Công an rồi từ đó chuyển sang công tác cấp ủy. Từ lúc đó, tôi mới biết Nghĩa với cái tên Trương Vĩnh Trọng. Chỉ biết vậy thôi, để tự hào. Là vì cho đến khi đó tôi chỉ thấy Nghĩa trên truyền hình và báo chí.”, đạo diễn Lê Văn Duy nhắc lại.
Một lần vợ chồng ông Phạm Chánh Trực mời vợ chồng đạo diễn Lê Văn Duy về quê ăn Tết có ghé nhà thăm ông Trương Vĩnh Trọng. "Lần đầu tiên ông Hai Nghĩa dẫn vợ chồng tôi ra sau vườn bưởi, vườn rau, vườn hoa lá cây kiểng giới thiệu các ụ phân bò, phân xanh, chiếc xe cút kít chính tay Nghĩa kéo đi bón phân: "Tôi tập thể dục đó, ông Duy" - Hai Nghĩa nói. Buổi trưa chúng tôi được chủ nhà đãi nồi cháo rắn và bánh xèo Sài Gòn. Biết tánh Phạm Chánh Trực, gia chủ đãi thêm món bắp vườn mới hái sau nhà”, đạo diễn Lê Văn Duy kể về kỷ niệm không quên với người bạn lớn của mình.

Ông Hai Nghĩa Trương Vĩnh Trọng (đứng) thường tiếp đãi bạn bè món bánh xèo dân dã mang đậm hồn quê Việt tại nhà riêng mỗi khi khách đến chơi nhà

Ảnh: Quân Trọng Vũ

Khi ông Hai Nghĩa Trương Vĩnh Trọng mất, rất nhiều bài viết của các báo nói nhiều về người con trung kiên, tài đức vẹn toàn. Thế nhưng theo đạo diễn Lê Văn Duy, ông muốn thấy những bài viết nào phân tích, lý giải những lớp con cháu kế tục, nối tiếp con đường đi của Bác Hồ vĩ đại.
“Hai Nghĩa tức Trương Vĩnh Trọng chưa hề gặp Bác Hồ như tôi và thế hệ chúng tôi ở miền Nam. Nhưng chúng tôi đã trọn đời sống trong dân, dân nuôi dưỡng, sống chết nhờ dân, chiến đấu vì dân. Chỉ như thế thôi, họ đã trọn đời thủy chung với Chủ tịch Hồ Chí Minh”, đạo diễn Lê Văn Duy bộc bạch.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.