Danh hài cũng khóc

20/04/2017 10:16 GMT+7

Trong một chương trình hài lớn tại Hà Nội mới đây, trước khi diễn tiểu phẩm Đồng nghiệp, nghệ sĩ hài Xuân Bắc đã yêu cầu khán giả không ghi hình, không thực hiện live stream. Một số khán giả đồng ý, nhưng cũng không ít người phản đối.

Ngoài Xuân Bắc, chương trình nói trên còn có sự tham gia của nhiều cây hài được yêu thích như: Công Lý, Vân Dung, Chí Trung, Ngọc Huyền... Trong khi nghệ sĩ đang diễn, rất nhiều khán giả đã lấy điện thoại quay phim, thậm chí “live stream” trên Facebook.
Trước đây, ở một số chương trình ca nhạc có ghi hình để phát hành băng đĩa, ban tổ chức đã ráo riết ngăn chặn các hành động ghi hình, live stream, song ở các sô hài, những hành động này chỉ bị nhắc nhở qua loa. Do đó, trước yêu cầu của Xuân Bắc, một số khán giả bực dọc cho rằng họ đã bỏ tiền mua vé, do đó muốn làm gì thì làm. “Trong các tiểu phẩm hài, yếu tố bất ngờ và lời thoại dí dỏm là hết sức quan trọng để thu hút khán giả. Nếu tiểu phẩm bị ghi hình và phát tán rộng rãi thì dù chúng tôi diễn lại ở một sân khấu khác, những yếu tố này sẽ không còn nữa”, Xuân Bắc bức xúc. Theo anh, các hành vi nói trên đã gây thiệt hại lớn cho nghệ sĩ hài.
Tiểu phẩm hài bị “xài chùa”
Thời gian vừa qua, nghệ sĩ hài Anh Vũ tốn rất nhiều công sức để khiếu nại một nhãn hiệu nước uống “xài chùa” tiểu phẩm của anh. Anh kể: “Trước đây tôi nhận lời diễn tiểu phẩm Tối lửa tắt đèn (cùng nghệ sĩ Kiều Mai Lý) trong sự kiện của nhãn hiệu nước uống này. Tôi chỉ ký hợp đồng và nhận cát sê cho phần trình diễn sân khấu. Nhưng ban tổ chức đã ghi hình và lấy một phần tiểu phẩm của tôi phát trên website của họ trong thời gian khá lâu. Điều đáng nói là họ còn lồng ghép kiểu như nhờ uống nước ấy mà căn bệnh ung thư của tôi (Anh Vũ bị ung thư trực tràng đến nay đã đỡ, vẫn hoạt động hài bình thường - NV) giảm đi nhiều”. Sau khi bị Anh Vũ khiếu nại, nhãn hiệu nước uống kia đã gỡ tiểu phẩm của nghệ sĩ này khỏi website. Tuy nhiên Anh Vũ vẫn chưa hài lòng: “Nếu có sử dụng tiểu phẩm của tôi cho mục đích quảng cáo trên mạng thì phải báo cho nghệ sĩ và tính toán sòng phẳng lại cát sê”, anh nói.
Anh Vũ nói thêm, việc một số đài truyền hình sau khi ghi hình tiểu phẩm hài đã “nhường” lại tiểu phẩm cho vài kênh truyền hình nhỏ, hay truyền hình cáp khác phát sóng xảy ra thường xuyên, làm ảnh hưởng không nhỏ đến “nồi cơm” của nghệ sĩ hài. “Chúng tôi đâu có làm khó dễ gì. Nếu có đưa, sang lại cho bên đài khác thì nên nói cho nghệ sĩ và cho nghệ sĩ hài thêm ít thù lao để họ sống. Vì khi một tiểu phẩm được phát sóng tràn lan thì chúng tôi rất khó diễn lại tiểu phẩm ấy trên sân khấu”, anh nói. Một tiểu phẩm khác của Anh Vũ là Bác thần bần - Thần lưu linh còn bị đưa lên kênh YouTube với chất lượng âm thanh và hình ảnh cực kỳ kém, làm ảnh hưởng tới nghệ sĩ. Tiểu phẩm Ngày xưa vui cưới của anh cũng bị đưa lên mạng mà không xin phép, khi anh phản ứng người đưa lên mới gỡ xuống.
Nghệ sĩ hài Tấn Beo kể, tiểu phẩm Lên chùa bán nhang của anh hơn 10 năm qua đã bị phát liên tục trên một vài kênh truyền hình cáp. “Tôi chỉ đồng ý diễn tiểu phẩm ấy trong Gala cười của VTV. Sau đó VTV phát lại nhiều lần và các đơn vị khác đã copy lại để “xài chùa”. Giờ nhiều đơn vị phát quá tôi không nhớ cụ thể. Họ còn gắn logo thương hiệu lên quảng cáo suốt trong tiểu phẩm của tôi mà không trả cho tôi đồng nào”, anh nói.
Cần có hiệp hội bảo vệ bản quyền sân khấu
“Chúng tôi bức xúc lắm nhưng chẳng biết trông cậy vào đâu… Thấy bên âm nhạc có hiệp hội bảo vệ quyền tác giả âm nhạc đã bảo vệ quyền lợi cho nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn âm nhạc rất tốt, chúng tôi cũng mong có một hiệp hội như thế bảo vệ quyền lợi cho nghệ sĩ sân khấu”, Anh Vũ nói.
Năm 2016, Bộ Nội vụ đã ra quyết định thành lập Hiệp hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc VN (gọi tắt APPA) với mục đích chính là bảo vệ quyền tác giả cho nhạc sĩ, ca sĩ. Hiệp hội này đã hoạt động hiệu quả mấy năm nay. Tuy nhiên, về phía sân khấu chưa có hiệp hội tương tự.
Trước tình trạng này, bà Thu Dung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN (đơn vị bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người sản xuất, biểu diễn, sáng tác trong lĩnh vực băng đĩa, ghi âm, ghi hình...), cho rằng trước hết nghệ sĩ phải làm đơn gửi ngay đến đơn vị đang vi phạm. Sau khi hai bên thương lượng, nếu giải quyết không ổn thỏa nghệ sĩ cần nhờ luật sư làm đơn để pháp luật can thiệp. Trong quá trình này, các nghệ sĩ rất cần được hội sân khấu lên tiếng bảo vệ. Tuy nhiên, về lâu về dài, theo bà: “Các nghệ sĩ hài cần phải có một đơn vị tư vấn. Đơn vị này sẽ làm đề án trình lên Bộ VH-TT-DL, trình lên Bộ Nội vụ xem xét về việc thành lập hiệp hội bảo vệ bản quyền tác phẩm sân khấu, trong đó có tác phẩm hài”.
Gala nhạc Việt ra “tối hậu thư”
Danh hài cũng khóc1
Ảnh: Tiến Trần
Ông Trần Thành Trung, Giám đốc T Production & Gala nhạc Việt, nhà sản xuất chương trình Gala nhạc Việt (ảnh) gồm nhiều số phát hành trong 4 năm gần đây và chương trình nghệ sĩ quảng bá du lịch Việt Nam tươi đẹp, cho biết hai chương trình này đang bị ăn cắp bản quyền trắng trợn. Không chỉ gặp khó khăn vì bị in sang đĩa lậu bán tràn lan, chương trình còn bị nhiều đài truyền hình ngang nhiên phát sóng không xin phép. Ông Trung cho biết công ty đã chi cả trăm tỉ đồng để sản xuất hai chương trình nói trên, do đó việc bị các đơn vị phát sóng mà không xin phép, không trả tiền đã gây thiệt hại lớn cho công ty. Ông Trung nói đã gửi công văn nhắc nhở đến các đơn vị vi phạm bản quyền và đang chờ đợi phản hồi của các đơn vị này. Nếu không có hồi đáp thỏa đáng ông sẽ nộp đơn ra tòa án kiện chính thức.
Phan Cao Tùng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.