Danh ca Ukraine gây tranh cãi khi đoạt giải nhất Eurovision 2016

15/05/2016 12:49 GMT+7

Chiến thắng của nữ ca sĩ tới từ Ukraine Jamala với ca khúc 1944 được cho là vi phạm quy định cấm hát các bài hát mang màu sắc chính trị và trở thành quán quân bị phản đối nhất từ trước đến nay, theo Reuters.

Tối 14.5 tại nhà thi đấu Globa Arena, thành phố Stockholm (Thụy Điển), Susana Jamaladinova - nghệ sĩ opera 32 tuổi người Ukraine có nghệ danh "Jamala", đã vượt qua 26 đối thủ đến từ các nước để bước lên bục cao nhất của cuộc thi Eurovision.
Trong đêm chung kết, Jamala trình diễn ca khúc 1944 kể về sự kiện nhà lãnh đạo Xô Viết Joseph Stalin ra lệnh trục xuất một tộc người Hồi giáo có tên Tatar ở bán đảo Crimea tới Trung Á vì cho rằng những người này có mối liên hệ mật thiết với Đức Quốc xã. Điều này đã khiến cho nhiều cư dân của tộc Tatar thiệt mạng trên đường lưu vong.
Tuy nhiên, theo quy định đã có từ lâu của Eurovision, các ca khúc dự thi không được nhuốm màu đảng phái, chính trị giữa các nước. Một số khán giả, đặc biệt là các khán giả đến từ Nga cho rằng bài hát của đại diện Ukraine đã vi phạm nặng nề nguyên tắc cuộc thi.
Về phía Jamala, cô khẳng định không có một phát ngôn chính trị nào khi thể hiện bài hát này. Đây đơn giản chỉ là ca khúc cô dành tặng cho người bà yêu quý, một người Tatar phải rời bỏ Crimea để tha hương nơi đất khách. Ban tổ chức cũng tán đồng quan điểm trên của nữ ca sĩ và quyết định trao cho cô giải nhất.
Đây là lần thứ hai đại diện của Ukraine chiến thắng tại Eurovision. Trước đó, một nghệ sĩ khác là Ruslana cũng từng gặt hái giải thưởng danh giá này vào năm 2004.
Eurovision Song Contest là một cuộc thi về các ca khúc được tổ chức luân phiên hằng năm giữa các nước thành viên Liên hiệp Phát sóng châu Âu (European Broadcasting Union). Nước chiến thắng cuộc thi trước sẽ giành quyền đăng cai cuộc thi kế tiếp. Hiện Eurovision Song Contest đang là một trong những chương trình truyền hình lâu đời trên thế giới và cũng là một trong những sự kiện phi thể thao được xem nhiều nhất trên thế giới, với số khán giả theo dõi trực tiếp trong những năm gần đây là khoảng 200 triệu người trên toàn cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.