Đàng ngoài qua ghi chép của Alexandre De Rhodes: Đưa người về thế giới bên kia

26/05/2016 06:56 GMT+7

Trong khắp cõi đất có người ở này, có lẽ không có nước nào trọng kính và tôn sùng hồn và xác người quá cố bằng dân nước Annam.

Khi người nào vừa tắt thở thì họ giữ ba điều này để tôn kính người chết:
Thứ nhất, họ kiếm một quan tài lộng lẫy nhất có thể có được theo khả năng của họ để liệm xác. Những người giàu có thì sắm rất đắt tiền một cỗ quan tài chạm trổ, sơn son thếp vàng rất tinh xảo.
Thứ hai, họ lo cho có thật nhiều người đi theo đám tang. Gia quyến, thông gia, bạn bè không bao giờ thiếu, còn mời tất cả cư dân sở tại trong số đó thường có quan tòa, ông có mặt trong tất cả những đám người sinh quán ở đó. Nếu người quá cố thuộc hàng quý tộc thì có cả dân cư miền lân cận. Nếu là một quan tòa hay một tướng lãnh thì có đội quân binh đi theo đám tang với cờ xí và đồ võ trang như khi đi trận. Hầu hết trong các đám tang, họ có thói quen mở đầu đám bằng một tấm trướng lụa cao khoảng năm mươi gang tay, có bốn người khỏe mạnh cầm, trên đó viết bằng chữ vàng tên người quá cố, những chức sắc và chức vụ lúc sinh thời và mấy lời khen ngợi công lao hiển hách. Con cái, nếu còn sống và vợ thì đi trước linh cữu, mặc áo tang, thảm thiết rêu rao những việc tốt và những ân cần săn sóc mình đã nhận được ở người quá cố. Họ làm vẻ buồn rầu và giọng thương xót, họ rên rỉ, khóc lóc làm cho mọi người động lòng thương. Có khi họ quay về linh cữu, lăn xuống đất để cho người khiêng giẫm chân lên. Theo cách thức tôi đã nói, tất cả đám tang tiến tới nơi chôn cất thường xa thành phố chừng mấy dặm.
Điều thứ ba, hết các dân ở nước Annam đều tin dị đoan và không sợ tổn phí chọn nơi thuận lợi để chôn xác cha mẹ. Họ điên rồ tin rằng tất cả vận tốt của gia đình về của cải, danh vọng, cả sức khỏe đều phụ thuộc vào việc chọn đất để mả. Để làm việc này họ dùng một số người gian dối biết thuật xem đất cát gọi là thầy địa lý. Thầy đem địa bàn xoay xở trong cánh đồng và dùng một ít dụng cụ toán học khác, chăm chỉ làm như thể tìm vàng, sau cùng vờ như tìm được chỗ thuận tiện để chôn xác, dĩ nhiên những người thừa kế trả công họ khá hậu hĩ và tức khắc làm nhiệm vụ sửa soạn và thu xếp chỗ đặt theo lệnh và chỉ thị của kẻ gian xảo đã kiếm được đất tốt. Hoặc (để nâng cao giá trị nghề mình) ông sử dụng một đồ nghề chỉ định đâu là chỗ đặt đầu, đâu là nơi chân mình tới, để cho người quá cố nghỉ yên và không về quấy rối con cháu. Thực ra, thường dân không lo để mồ để mả cha mẹ ở những nơi bí ẩn và xa đường cái quan, trái lại người giàu sang rất cẩn thận vì sợ có kẻ thù phạm đến mồ mả cha mẹ và cha mẹ oán phạt con cháu đã không săn sóc bảo đảm an toàn cho mình.
Nếu ai phạm tới mồ mả bất cứ bằng cách nào, mặc dầu mộ đó ở nơi công cộng, đều bị phạt rất nặng.
“Thời tang tóc”
Theo tập quán bất khả xâm phạm ở dân nước này thì con cái để tang cha mẹ, vợ để tang chồng ba năm. Về cách để tang thì có sự khác nhau và kỳ dị về áo mặc; cách thông thường và chung cho mọi người là tóc. Phái nam không có tang thì để tóc phía trước cắt nửa vòng tròn trên trán, khi có tang thì để tóc dài xuống tới mắt, khá vướng. Trái lại phái nữ có tang thì cắt một phần tóc không cho dài ra, suốt ba năm tang nếu là người góa bụa thì cấm và bị phạt nặng nếu tái giá trong thời gian này, gọi là thời tang tóc.
Hết tang thì họ bốc mộ và sau khi đã tẩm hương thơm xương cốt và bọc trong vải trắng thì họ đặt vào một cái tiểu, đậy lại như trước. Hoặc nếu người quá cố chết ở ngoài quê quán thì họ đưa về chôn ở nơi sinh trưởng. Nếu sau đó xảy ra tai họa gì cho bản thân họ hay con cháu họ và các thầy pháp, như đã nói ở trên, bảo phải cất mộ hay dời mộ thì họ lại đào lên và đem tiểu chứa hài cốt, thu xếp chôn cất chu đáo ở nơi khác, để các người được nghỉ ngơi an toàn hơn, nhìn đồng ruộng thảnh thơi không có hòn đá nào làm mất an tĩnh và do đó không còn phá hoại con cháu.
Bà đồng
Thật là sửng sốt khi thấy người Đàng Ngoài khờ dại để cho các thầy pháp lợi dụng chữa chạy cho cha mẹ họ hàng và con cái đau yếu, khi họ chết lại còn dùng chúng. Sau khi người ốm tắt thở thì thầy pháp cùng gia đình buồn sầu của người chết đi tới nhà một bà đồng được người ta trọng nể. Bà này khấn phái ma thuật gọi hồn dưới danh hiệu người qua đời để tới nhận và yên ủi gia đình mình vừa gây nên tang tóc. Hồn tức thì nhập vào thân xác bà đồng và lay động rất dữ dội, trên khuôn mặt lúc thì đỏ như sắt nung, khi thì nhợt và tựa như màu mỡ gà rồi đen đáng ghê sợ, để tỏ ra có người dữ dằn nhập vào bà. Sau đó bà đồng làm giả tiếng người chết, gọi tên một người trong gia đình và bàn về một công việc trước đây cả hai đã làm chung với nhau, lại còn quả quyết về cảm tưởng của mình hay đưa ra những cảm nghĩ mới để thi hành. Điều này làm cho cả gia đình khóc lóc và cảm phục, quỳ xuống đất để tôn kính hồn người họ đã nghe và thấy mới đây, lúc này họ tin là đang hiện diện. Thế rồi họ hỏi mấy câu và hồn trả lời không rõ, với những lời lẽ hai nghĩa làm cho họ rất khổ tâm.
(Trích từ Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Nguyễn Khắc Xuyên dịch, NXB Khoa học xã hội và nhà sách Dân Trí tái bản năm 2016)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.