Dâng bánh dày 2 tấn để làm gì?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
26/02/2018 06:53 GMT+7

TP.Sầm Sơn (Thanh Hóa) muốn dâng lên đền Hùng (Phú Thọ) chiếc bánh dày 'khủng' nặng 2 tấn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và ngành văn hóa không đồng ý.

Bánh “khủng” từng bị tai tiếng
GS-TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, phản đối đề nghị dâng bánh dày nặng 2 tấn lên đền Hùng dịp giỗ Tổ. “Tôi không ủng hộ việc dâng cúng bánh 2 tấn như thế. Anh định đưa lên đền Hùng, leo từng đó bậc thang bằng cách nào? Không gian tiếp nhận ở đền Hùng không phù hợp. Nếu Phú Thọ có hỏi ý kiến thì tôi cũng sẽ nói là không nên nhận”, ông Bền nói.
Về khả năng nếu không được dâng cúng tại đền Hùng, TP.Sầm Sơn có thể dâng cúng ngay tại địa phương, ông Bền nói: “Ngay cả cúng tại địa phương cũng không nên làm. Muốn làm thành vật thiêng thì phải có chỗ bày. Không gian của các di tích hiện tại cũng không chứa nổi cái bánh như thế. Chỉ có để ngoài sân mưa nắng thôi, nên không thể kiểm soát được chất lượng. Và về văn hóa, cũng không nên hình dung tổ tiên sẽ “mê” những thứ như thế”.
Còn nhớ, giỗ Tổ Hùng Vương 2008 đã có một cặp bánh chưng, bánh dày khổng lồ được dâng cúng. Sau đó, khi hạ lễ chia lộc, người dân phát hiện bánh chưng bị vữa và lên men, còn bánh dày hóa ra được độn xốp bên trong! Ông Nguyễn Hữu Trung, Phó giám đốc Công viên văn hóa Đầm Sen (TP.HCM), đơn vị dâng cúng, đã phải nhận lỗi. Bánh chưng khi đó bị thiu do thời tiết và vận chuyển. Bánh dày buộc phải độn xốp để đạt chiều cao 1,8 m tượng trưng cho 18 đời vua Hùng. Ông Trung còn cho biết đã thông báo với ban tổ chức không nên cắt bánh chia cho du khách.
Chuyên gia ẩm thực Nguyễn Quang Việt cho rằng dâng bánh dày 2 tấn là một tư duy ẩm thực khó chấp nhận. “Tất cả các loại bánh khổng lồ như thế đều hầu như không thể ăn được. Sau đó sẽ là sự phí phạm. Bánh chưng, bánh dày khổng lồ vừa tốn kém vừa chẳng giải quyết vấn đề gì”, ông nói.
Phô trương hình thức
Dân thì đói như thế, bánh làm ra để làm gì hay chỉ để phô trương hình thức
Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở
Trong khi đó, cách đây 2 năm, Ban tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương công bố không nhận lễ vật “khủng”. Ông Hà Kế San, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, công bố trong buổi họp báo ban tổ chức không nhận cung tiến bánh chưng, bánh dày hay chai rượu khổng lồ như trước đây từng có, và chỉ chấp nhận những hiện vật đúng theo thuần phong mỹ tục. “Theo kế hoạch, các tỉnh về dự giỗ Tổ cũng sẽ có mâm lễ cung tiến. Mâm lễ gồm hoa trái và các sản vật của địa phương mang về”, ông San nói.
Cũng dịp đầu năm 2018, ở Nghệ An đã không còn việc dâng bánh chưng 700 kg lên mộ thân mẫu Bác Hồ. Từ năm 2012, việc dâng bánh chưng khổng lồ trên mộ bà Hoàng Thị Loan ở núi Động Tranh, xã Nam Giang, H.Nam Đàn là hoạt động thường niên của Hiệp hội Du lịch Nghệ An. Mặc dù vậy, năm nay hiệp hội đã chuyển hoạt động này thành dâng hương hoa. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nghệ An, ông Nguyễn Đức Hiển cho biết thay đổi này do tiếp thu ý kiến từ phía lãnh đạo tỉnh, ngành văn hóa và của người dân.
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL), cho biết đã liên lạc với Sở VH-TT-DL Thanh Hóa về việc dâng bánh dày 2 tấn này. “Đấy mới là đề xuất của TP.Sầm Sơn. Được giao việc tham mưu, Sở cho biết họ không đồng ý với đề xuất dâng cúng bánh dày khổng lồ như vậy. Vì thế, Sở sẽ tham mưu và trình UBND tỉnh phương án không cho phép làm bánh khổng lồ dâng cúng”, bà Hương nói.
Theo bà Hương, Bộ VH-TT-DL không đồng ý việc làm và dâng cúng bánh dày 2 tấn do không phù hợp với thực tiễn của địa phương và đất nước nói chung. “Cái gì làm quá tốn kém lãng phí thì không nên làm, nhất là khi người dân còn đang đói kém. Thanh Hóa năm nào cũng xin cứu trợ khó khăn từ Chính phủ, rồi lại vừa bão lũ. Thêm nữa, Chính phủ cũng vừa yêu cầu cắt giảm 15% kinh phí cho hội nghị lễ hội, sự kiện khai trương... Những gì không phục vụ thiết thực cho nhân dân, cho kinh tế xã hội địa phương thì không làm. Năm nay 2 tấn, sang năm 3 tấn, rồi 4 tấn, 5 tấn mà dân thì đói như thế, bánh làm ra để làm gì hay chỉ để phô trương hình thức. Nếu gọi là nghi lễ truyền thống thì một ly một lai cũng là lòng thành”, bà Hương nói.
400 - 500 người làm bánh liên tục trong 3 ngày
Bà Đàm Thị Thái, Trưởng phòng VH-TT TP.Sầm Sơn, cho biết TP có văn bản xin làm bánh dày kỷ lục dâng lên đền Hùng nhân dịp giỗ Tổ Hùng Vương năm 2018 (ngày 10.3 âm lịch).
Dự kiến bánh nặng 2 tấn, đường kính 2 m, làm từ gạo nếp. Khoảng 400 - 500 người sẽ làm bánh liên tục trong 3 ngày. Sau khi dâng cúng sẽ cắt phát luôn cho người dân để bảo đảm vệ sinh. Chi phí vận động xã hội hóa.
Nhận được văn bản, UBND tỉnh đã giao Sở VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu để tham mưu có nên quyết định làm bánh hay không.
Làm bánh dày là phong tục truyền thống của người dân TP.Sầm Sơn. Lễ hội đền Độc Cước hằng năm (ngày 16.2 âm lịch) người dân tổ chức hội thi nấu bánh chưng, bánh dày để dâng cúng. Những năm gần đây địa phương thường tổ chức làm bánh dày cỡ lớn. Lễ hội làm bánh chưng, bánh dày đang được làm hồ sơ đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Minh Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.