Đàn Nam Giao đầu tiên của triều Tây Sơn nay ở đâu?

Nguyễn Thanh Quang
Nguyễn Thanh Quang
30/01/2021 15:00 GMT+7

Đàn Nam Giao đầu tiên của nhà Tây Sơn là Đàn Nam Giao của Hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc, tọa lạc trên một ngọn núi đất, đá ong, tục danh là Hòn Chùa (nay thuộc Bình Định).

Đàn Nam Giao là di tích quan trọng, gắn liền với việc lên ngôi của Hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc. Lâu nay, chúng ta chỉ hình dung kinh thành Hoàng Đế của Thái Đức-– Nguyễn Nhạc qua khảo tả của tác giả Đồ Bàn thành ký Nguyễn Văn Hiển, nên việc hiểu biết về thành Hoàng Đế còn rất hạn chế. Bởi vì, tất cả các công trình kiến trúc đều bị chôn vùi trong lòng đất và nhà Nguyễn lại cho xây mộ Võ Tánh và đền Song Trung (Võ Tánh và Ngô Tùng Châu) ngay trên chính điện Bát Giác của Tử thành Hoàng Đế. Mặt khác, di tích được xây dựng đan xen qua nhiều giai đoạn lịch sử từ thành Đồ Bàn của người Chăm (thế kỷ 11-15) đến thành Hoàng Đế (1776), thành Bình Định của nhà Nguyễn (1802), rồi Đền Song Trung (1813).

Khám phá Đàn Nam Giao đầu tiên nhà Tây Sơn

Các nhà khảo cổ đã lần theo thông tin báo dẫn ban đầu của tác giả Nguyễn Văn Hiển trong Đồ Bàn thành ký: “Đồ Bàn có từ lâu đời, khắc phục tự nhà Trần, bị phá vỡ tự thời nhà Lê. Khôi phục được từ nhà Tây Sơn, sau dần dần phá bỏ mà nay nền cũ vẫn còn... Phía tây thành có đắp con đê Đỉnh Nhĩ để phòng nước lụt; phía tây nam có Đàn Nam Giao để tế trời đất...”.
Qua khảo sát, điều tra thực tế và nghiên cứu các dấu vết hiện còn, các nhà khảo cổ đã phát hiện Đàn Nam Giao đầu tiên của nhà Tây Sơn, đó là Đàn Nam Giao của Hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc. Đàn Nam Giao tọa lạc trên một ngọn núi đất - đá ong, tục danh là Hòn Chùa, ngày nay thuộc thôn Nam Tân, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn (Bình Định). Vị trí Đàn Nam Giao nằm ở phía ngoài góc tây nam thành nội và bên trong thành ngoại.

Song Trung miếu trong thành Hoàng Đế

ẢNH: NGUYỄN THANH QUANG

Có lẽ công lao và vai trò của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ quá lớn so với “Tây Sơn Tam Kiệt” trong công cuộc đánh Nam dẹp Bắc, thống nhất đất nước và chống giặc ngoại xâm nên người ta thường quan tâm nhiều hơn đối với Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ và đã có không ít công trình nghiên cứu, bài viết về Đàn Nam Giao ở núi Bân (Huế), nơi lên ngôi của Hoàng đế Quang Trung. Còn Đàn Nam Giao đầu tiên của triều Tây Sơn, nơi lên ngôi của Hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc chưa được quan tâm đúng mực, mặc dù nơi đây di tích còn để lại dấu vết khá rõ nét.
Chữ Nam Giao có nghĩa là ngoại ô phía Nam, Đàn Nam Giao là đàn thiêng để thiên tử tế trời. Đàn Nam Giao thành Hoàng Đế hiện vẫn còn địa hình cấu trúc 3 tầng, có chiều cao toàn bộ khoảng 8 m. Toàn bộ 3 tầng từ 4 hướng đều có dấu vết hệ thống bậc cấp lên xuống. Tầng trên cùng hình tròn gọi là Viên Đàn, có đường kính khoảng 35 m, đá ong và gạch được xây bó xung quanh, một số chỗ xói lở để lộ ra đá ong và gạch.
Lễ tế Nam Giao là nghi lễ quan trọng bậc nhất dưới chế độ quân chủ vì chỉ nhà vua mới có quyền làm lễ tế Giao, tức là tế Trời Đất, nhằm khẳng định tính chính thống của triều đại, uy quyền của Hoàng đế tuân theo mệnh trời mà cai trị dân chúng. Do vậy, hầu như các triều đại phong kiến Việt Nam đều tổ chức lễ tế Giao và cho xây dựng Đàn Nam Giao.
Đàn Nam Giao ở thôn Nam Tân, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn là một bộ phận quan trọng cấu thành kinh đô của vương triều Hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc. Do vậy, trong kế hoạch nghiên cứu trùng tu, tôn tạo di tích thành Hoàng Đế, cần tiếp tục khai quật khảo cổ nghiên cứu di tích Đàn Nam Giao, tổ chức hội thảo tìm giải pháp phục hồi, tôn tạo, phát huy di tích thành Hoàng Đế và Đàn Nam Giao.
Đàn Nam Giao là một điển hình về di tích tín ngưỡng của vương triều dưới thời phong kiến. Tế Giao là một lễ hội cung đình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mà trên hết là tinh thần hòa ái với thiên nhiên, với ước nguyện mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình. Từ triều Lý Anh Tông về sau, triều nào cũng lập Đàn Nam Giao, với quy mô và quy định khác nhau. Có triều quy định mỗi năm Tế Giao một lần vào tháng hai âm lịch, có triều quy định 3 năm tổ chức một lần. Cuộc lễ Tế Giao lần cuối cùng ở Việt Nam vào thời Nguyễn, diễn ra dưới triều vua Bảo Đại (3.1945).
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.