'Đàn bà hư ảo': Không chỉ kể chuyện đàn bà

12/12/2016 13:05 GMT+7

Tôi sẽ gọi Đàn bà hư ảo như câu chuyện về nỗi đau và sự bất hạnh rất con người, nhiều hơn là những phù phiếm đàn bà nông nổi.

Tôi đoán rằng thời nay sex, đàn bà, phù phiếm và sự hư hỏng bán chạy hơn nỗi bất hạnh nhiều. Khi đọc qua một vài giới thiệu về Đàn bà hư ảo, tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Khắc Ngân Vi, tôi trông đợi một quyển tiểu thuyết tương tự như dòng Linglei ở Trung Quốc. Tôi hình dung trong đầu, sẽ là một Điên cuồng như Vệ Tuệ phiên bản Việt Nam.
Nhưng không, Đàn bà hư ảo không phải câu chuyện về tình dục, của sự thời thượng, phù phiếm của đô thị, cũng không phải của sự cô đơn quẩn quanh thị dân đã được khai thác đến bạc màu trong văn chương trẻ. Ở quyển sách này, có sự can đảm nhìn thẳng vào nỗi bất hạnh. Tôi sẽ gọi Đàn bà hư ảo như câu chuyện về nỗi đau và sự bất hạnh rất con người, nhiều hơn là những phù phiếm đàn bà nông nổi.
Tôi cho dám nhìn thẳng và mổ xẻ nỗi bất hạnh như Đàn bà hư ảo đã làm đòi hỏi một sự can đảm và dám đi đến tận cùng. Với nỗi đau, điều dễ nhất chúng ta có thể làm là cố gắng lờ nó đi, xấu hổ về nó, cố chôn nó thật kín trong ký ức và tốt nhất là quên nó đi. Câu chuyện bắt đầu thật giản dị: cô An, một cô gái thị dân tại Sài Gòn, với cuộc sống bình thường của một nhân viên văn phòng. Cô sống cùng bạn trai, đi làm, gặp bạn bè, shopping, uống bia, làm tóc, gặp một nhà tâm lý để chữa trị những giấc mơ mệt mỏi. Nhưng song song đó, quyển sách dắt người đọc đi vào một thế giới nội tâm.
An chất vất, lần theo những đầu mối của hành xử, những cơn bốc đồng đưa đến những hành vi hủy hoại bản thân, như uống rượu mạnh, cắt tay.... cùng với nhà tâm lý của cô. Những bất an, những cơn ác mộng, những lần An "lên cơn" từ đâu mà có? An đập phá đồ đạc, quẳng cả miếng thịt gà nhễu mỡ trên đèn, cắt tay và đòi nhảy lầu tự vẫn, để cho bạn trai phải dỗ dành. Không phải vì An chỉ muốn sự chú ý, muốn được "phù phiếm" (Cho dù cô tự nhủ, từ khi cô phù phiếm, cô được đàn ông yêu hơn). Cô đổ những cư xử cho những lần hành kinh, một lý do đàn bà và dễ dãi. Nhưng tính phù phiếm đàn bà, dù như tựa đề cố gợi ý, là "hư ảo", không đủ để lý giải cho nỗi đau của An. An không hành xử như một đứa trẻ hư, luôn vòi vĩnh sự chú ý, để khác biệt với những người đàn bà khác.
Dù khoác lên những hành xử “điên khùng” (như lời Huyền, một nhân vật nữ khác trong câu chuyện nhận xét) của An lý do gì, thì ở thẳm sâu, đó là sự bộc lộ ra của một vết thương chưa lành, một lời kêu cứu. An cho rằng mình ổn, cả với người chữa trị tâm lý, cả khi tự nhủ với mình, chỉ là có “một quá khứ lộn xộn” mà cô không nhớ rõ mà thôi. Nhưng người đọc không nên tin lời cô, mà phải nhìn những gì cô làm.
An có cái tôi nhỏ bé và dễ bị tổn thương. Khi người bạn tưởng chừng thân thiết, Huyền, chỉ nói một câu: “Nhưng có bao giờ An tự hỏi anh ấy chịu đựng mọi thứ điên khùng ở An là do anh ấy muốn làm thế, hay anh ấy phải làm thế không? Huyền nhìn anh ấy nhiều tháng trở lại đây, và Huyền không thấy khuôn mặt Nhai hạnh phúc”. Và thế là, đột ngột tình bạn của họ chấm dứt, qua một lần An làm mình làm mẩy. An mơ hồ, yếu đuối và cần Nhai (người bạn trai) để có một cuộc sống bình thường, một bàn tay để kéo cô lên. Mọi nghi ngờ, từ bất kỳ ai, cả cô bạn thân thiết nhất cũng sẽ khiến An bùng lên như một quả bóng, và muốn tung hê tất cả. Cô sẵn sàng làm tổn thương Huyền và lập tức đưa Huyền, từ bên đây chiến tuyến, một người đàn bà hấp dẫn, dám sống, dám khác, thành ra một người tầm thường, ghen tị, chỉ biết có cuộc sống gia đình. An không thể chịu bất kỳ sự nghi ngờ, chỉ trích nào dù là nhỏ nhất. Vì dù mặt ngoài, cô tự trấn an mình, “đã sống tích cực, có một công việc tốt, có những sở thích lành mạnh, và những mối quan hệ ổn định”, thì cái tôi dễ bị tổn thương và ngờ vực cũng sẽ bị khuấy đảo dễ dàng, chỉ bởi một lời bâng quơ như vậy.
Tôi đồng ý với cách Trang, nhân vật nhà tâm lý trong câu chuyện, để gợi mở, lý giải cho những vướng mắc của An, chỉ có một con đường: quá khứ. Theo tôi, đây cũng là phần phân tích xuất sắc nhất của quyển sách. Trừ Kafka, trong Thư gửi bố và cả một phần của Hóa thân, tôi chưa từng đọc được một tác phẩm nào nói về tuổi thơ nói về ảnh hưởng của bất hạnh tuổi thơ đến hiện tại sống động và rõ ràng đến thế. Hóa thân khiến tôi nhớ hoài hình ảnh người bố quẳng trái táo lạnh lùng, xua đuổi vào cậu con trai đã hóa thân thành côn trùng. Quả táo mắc kẹt trong người con côn trùng - chàng trai K., và từ đó, anh từ chối ăn uống, khép kín cửa phòng, nhốt mình trong khổ sở. Quả táo, đòn thù từ người bố đã mắc kẹt trong người anh, giết lần giết mòn anh. An cũng bị rút cạn vì ký ức, hay cô hay gọi là “đứa bé”, ký sinh trong ký ức cô. Đứa bé - hiện thân quá khứ của An - có thể bất thần “lao ra khỏi nơi nó ở bao năm nay, vòi vĩnh và phá hoại”. Và người bố nghiện rượu, bất đắc chí của An là nhân vật trung tâm đã tạo nên vết thương trong An, vết thương vẫn chưa được chữa lành.
Tôi xin được trích nguyên văn chân dung người bố từ sách “Ông ấy đã để mọi thứ, cuộc đời, mơ ước, và cả phần linh hồn lành lặn của mình ở lại những khu rừng ông ấy đi qua. Mảnh linh hồn khuyết tật ông ấy đem về chỉ đầy đau khổ và hằn học. Nó không cho phép ông ta được hạnh phúc. Và nó hành hạ mọi người xung quanh, kéo họ xuống cái vực sâu bất hạnh”. Một mô tả khéo, đầy đặn, vừa đủ và rõ mồn một trước mắt! Tôi đã nói, một trong những điểm sáng nhất của quyển sách là mô tả tâm lý chưa nhỉ? Còn khéo như thế nào, mời các bạn đọc trọn vẹn câu chuyện, vì tôi kể lại thì câu chuyện sẽ hết hay ngay.
Đã nhiều lời khen dành cho sách, còn góp ý? Tôi tiếc là câu chuyện không được đẩy lên xa hơn. Tôi ước gì An đã confront với quá khứ, như Amir trong Người đua diều (Khaled Hosseini), với niềm tin “luôn có một con đường để tốt lành trở lại”, để chữa lành cho linh hồn vẫn tổn thương và bơ vơ đến cuối truyện. Hoặc giả tác giả đẩy hẳn An xuống vực sâu như Kafka đã làm với K. Thú thật, phần 2 của câu chuyện khiến tôi hụt hẫng. Nhai bỏ đi có thể là một khởi đầu thú vị, để đẩy câu chuyện lên cao, đưa sự bất an về bị bỏ rơi của An lên cao nhất. Nhưng kết thúc cùng những hình ảnh con cá vàng, câu chuyện dường như cũng thành ra “lửng lơ con cá vàng”.
Thế nhưng, đây mới chỉ là quyển sách đầu tay của Nguyễn Khắc Ngân Vi, còn tôi là một độc giả khá nghiêm khắc. Thật tình, ban đầu tôi là một độc giả dễ dãi, đọc sách như một trải nghiệm của người trẻ cùng thời mà thôi. Nhưng rồi tôi ngạc nhiên về độ sâu của sách, và cuối cùng thì thành ra độc giả nghiêm khắc, xem xét sách ở góc độ văn chương thật sự. Với nghĩa đó, Đàn bà hư ảo đã đi được một chặng đường dài, nhất là với quyển sách đầu tay. Chúc mừng Ngân Vi!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.