'Đám ma tôi’ - chuyện về sống, chết của thi sĩ Đinh Hùng tái ngộ sau 81 năm

Nguyễn Quang Diệu
Nguyễn Quang Diệu
04/09/2021 11:04 GMT+7

Tập văn xuôi Đám ma tôi của tác giả Hoài Điệp (thi sĩ Đinh Hùng), quan niệm về sự sống, cái chết do Tân Việt ấn hành lần thứ nhất năm 1940, vừa được Thư Books và NXB Phụ nữ cho tái ngộ độc giả sau 81 năm.

Thi sĩ Đinh Hùng thể hiện câu chuyện người con trai 17 tuổi kể trong lúc cậu đang nằm chết, cậu chết đi trong một buổi chiều khi còn là đứa trẻ ngây thơ: " Tôi chết nằm im trên giường, hai tay buông xuôi, mắt nhắm nghiền, ngực không còn thoi thóp.” Chết là việc thản nhiên với cậu bởi có sống ắt sẽ có chết, điều đáng mừng là cậu không phải sống đến tám mươi năm trời ngục thất như lời của ông thầy tướng năm xưa.

Chân dung thi sĩ Đinh Hùng qua nét vẽ của họa sĩ Trần Thế Vĩnh

Ảnh: T.L

Cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay trong một hoàng hôn nắng tắt, từng chứng kiến nhiều cuộc sinh ly tử biệt, từng khóc cho những người đi mãi không về nhưng cậu vẫn chưa thể lý giải được ý nghĩa của sự ly trần. Những trăn trở của cậu được thể hiện qua ngòi bút tài hoa của thi sĩ Đinh Hùng.
Đám ma tôi ra mắt độc giả năm 1940, khi Đinh Hùng vừa mới 20 tuổi, cũng có thể được viết sớm hơn khi ông mới 16 - 17 tuổi, thể hiện cách nghĩ của chàng trai trẻ đối với đời sống xung quanh, về quan niệm sống-chết ở đời. Thay vì chọn làm người sống để nói về kẻ chết như cách tư duy thông thường, Đinh Hùng chọn làm người chết để nói đến “từng những đời sống rải rác ở đây, ở đó, từng những cuộc đời chiêm bao”.

Tập văn xuôi tràn ngập chất thơ, định danh một “thi sĩ Đinh Hùng”

Trong câu chuyện của thi sĩ Đinh Hùng, nhân vật của ông sao nhiều nước mắt quá, nào là mẹ góa, chị gái, anh trai… ai cũng nức nở, sụt sùi, mắt đỏ hoe. Với cậu con trai, chết là sự sung sướng, giản dị hơn cả việc làm quan hay lấy vợ đẹp. Thân xác bất động trên giường kia được mặc cho áo đẹp, chỉnh tề, hương trầm bay nghi ngút, tiếc là không thể lượn lờ đi chơi với bộ cánh người ta mặc cho. Cậu bất lực nhìn người thân họ hàng chọn cho mình nào quan tài, xe ngựa, nơi chôn cất…
Khi mặt trời ló dạng, mọi người đều thức giấc, riêng cậu vẫn thờ ơ với buổi bình minh “vì đã đi hết cuộc đời, sang đến hoàng hôn”. Cậu nằm đó, chứng kiến “tình thương” của người thân và những cuộc “thương vay” của hàng xóm láng giềng, bạn bè của họ và của cậu.
Cậu trai mới mấy ngày trước còn chơi bời vui vẻ nay tỏ ra giác ngộ, “có chết đi mới biết rằng người ta yêu nhau!”. Nếu không nằm bất động, e là cậu không có dịp chứng kiến bạn bè mình tập trung lại đông đủ cùng một lúc như thế, chuyện có lẽ chỉ xảy ra khi cậu nảy ra ý định cưới vợ nếu còn sống thêm, nhưng lúc này cậu đã chết rồi, mang theo những món nợ trần gian, tiền bạc chưa kịp trả.
Cậu nằm đó, lắng nghe những cuộc đối đáp, than van, Đinh Hùng viết: “người nào cũng tìm được câu để nói, nhưng người nào giỏi thì tìm được thêm nguồn sầu để khóc, và khóc với đủ tự do cá nhân”. Cái bản mặt cậu dưới tờ giấy bản có lẽ là sự hiếu kỳ lớn đối với người đến thăm viếng, ai cũng muốn nhìn mặt người chết lần cuối, dù đã nhẵn mặt, với vẻ kính cẩn lạ kỳ. “Chết đi, bạn ạ, chết đi để được hưởng những thú vị quái lạ”.
Một cái xác bất động, tưởng như bỏ đi, sai khiến cùng lúc mọi người làm những việc khác nhau, hoặc nằm nghe tiếng não nùng của con gà tận số nào đó vừa bị cắt tiết. Vì không có việc gì làm, cậu trở nên triết lý: “Thì ra cũng có cái chết nầy và cái chết khác, nếu không sao lại có khi hàng vạn con người chết chôn một lúc mà chẳng lôi theo được một mạng con gà?”
Cái “tôi” nằm đó với hai bàn tay trắng nhận lấy tặng phẩm của đời lần cuối, chết đi để lại niềm tiếc thương trong lòng người ở lại trần gian và cả những lời tán thưởng không đáng có, không bao giờ có khi còn sống…
Chết với cậu là hết, không lời trối trăng bởi lúc sống đâu có ai nghe tiếng lòng cậu nói, không vướng víu nợ đời như những người đang vây quanh cậu lúc này. Người sống tỏ ra thương hại người chết, người chết thì thương hại người sống một cách thành thực.
Cỗ quan tài bắt đầu rời nhà cậu, đi vào một con đường thanh vắng, “hai bên đường có cây xanh. Đằng xa là dáng buồn lả lướt của những cánh đồng lúa non”. Nơi cậu nhập tịch thật tịch mịch, xa tiếng ngựa xe thành thị. Những đôi mắt không hẹn cùng trào lệ, những lời sau cuối được thốt ra trước khi hạ huyệt.
“Ở đây ai khóc thương được hãy cứ khóc thương, ai thản nhiên được hãy cứ thản nhiên cho nhiều”, linh hồn cậu bâng quơ nghĩ ngợi khi người phu đào huyệt đắp đất lên cỗ quan tài đang nằm sâu dưới lòng đất. Người sống từ giã người chết lần cuối, một lần trong muôn thuở.

Bản in năm 1940 do Tân Việt ấn hành

Ảnh: Thư viện Quốc gia Pháp

Khi họ rời đi, linh hồn cậu rồi sẽ bắt đầu những chuỗi ngày lưu lạc, linh hồn ấy không vội rời đi liền theo gót chân đoàn người đưa tang để lại cái xác đơn chiếc làm gì. Một ngày gần nào đó, linh hồn cậu sẽ “đi đây, đi đó, ra ngoài đất khách, ra ngoài quan san… Rồi mùa đông sau biết đâu nó chẳng trở về nhìn cuộc điêu tàn đời nầy kết liễu?”
Tấm linh hồn lưu lạc viễn xứ để lại cái xác dưới hố sâu cô đơn khinh đời nằm vắt từ bình minh này sang đến hoàng hôn khác, để lại dưới huyệt sâu cái thân xác trong lòng đất ẩm thấp, “cái xác khô có rùng mình hay không, nào ai được biết?” Xác thân cậu nằm đó, ngày này qua tháng nọ, “ngày xưa trong cái vô tình của lòng người sống, ngày nay trong cõi lạnh lùng của đất thờ ơ”. Như một lẽ tự nhiên, rồi sẽ có lúc người ta cũng thờ ơ với những dòng chữ đìu hiu khắc mờ trên mộ chí.
Tập văn xuôi về sự chết nhưng tràn ngập chất thơ, chất thơ về sau định danh một “thi sĩ Đinh Hùng” lừng danh trên thi đàn muôn thuở. Qua Đám ma tôi, qua giọng văn giễu cợt mọi thứ không chút kiêng kỵ, Đinh Hùng đã sáng tác một bài thơ chia ly “để thấy lòng mình đơn chiếc”, “vẽ phác bóng một rừng người qua mắt để trông, nhìn vài cảnh tượng hay hay… Tôi sống trước để mà cảm trước, tôi chết từ khi đang sống để hiểu thêm ý nghĩa đời này”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.