Đám cưới sang chảnh của Bà Tùng Long với chủ bút ‘Sài thành nhật báo’

14/03/2021 09:00 GMT+7

Nhà văn nữ Bà Tùng Long (1915-2006) quen thuộc với độc giả, nhất là độc giả trong Nam từ những năm 1950 với nhiều tiểu thuyết tâm lý xã hội. Nhưng đời riêng của bà, trong đó có cuộc hôn nhân với nhà báo Hồng Tiêu (Nguyễn Đức Huy), thì có lẽ không mấy ai được tỏ.

Nhớ về “người tình trăm năm” Hồng Tiêu cùng cuộc hôn nhân phải vượt qua bao khó khăn, trở ngại từ cha mẹ, từ đời riêng Hồng Tiêu, Bà Tùng Long đã dành rất nhiều trang viết trong hồi ký Viết là niềm vui muôn thuở của tôi… để “ôn cố tri tân”.

Cuộc tình duyên đầy trắc trở

Đối với Bà Tùng Long (tên thật là Lê Thị Bạch Vân), Sài Thành nhật báo chắc chắn in đậm trong ký ức của nữ nhà văn, bởi qua tờ báo này mà tác giả của những Bóng người xưa, Lầu tỉnh mộng, Chúa tiền chúa bạc, Còn vương tơ lòng, Đời con gái, Một vụ án tình… mới nên mối lương duyên tơ tóc trăm năm cùng người chồng Như Hoa. Ta đừng thấy cái tên nữ tính mà hoảng hốt, vì thực ra tác giả Như Hoa chuyên trị mục “Tranh xã hội” chỉ là một bút danh của Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy (1902-1985), chủ bút Sài Thành nhật báo, em của chủ nhiệm Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận.
Cái duyên của hai người, bắt đầu từ chính Sài Thành nhật báo (thực ra năm 1933 báo đã đổi thành tên ra Sài Gòn). Số là trong thời gian học trung học đệ nhất, Bạch Vân đã có bài đăng trên Sài Thành nhật báo. Rồi báo ấy đăng tin “cô Nhứt Chi Mai” (thực ra là Hồng Tiêu) dạy viết văn, làm thơ, làm báo, Bạch Vân đã theo học hàm thụ… qua thư.
Sau này khi biết mặt “nàng thơ” của đời mình, Hồng Tiêu đã say mê ngay lập tức. Nhiều bài thơ được đăng liên tiếp trên Sài Thành nhật báo để tỏ tình xa gần với người trong mộng. Tỉ như những câu trong Từ khúc 1:
Yêu nhau mới biết văn là nợ
Mến tiếng cần chi phải gặp người
Trăng tỏ bên trời
Hoa tỏ bên người
Trăng trong không vết hoa đua thắm
Biểu hiện lòng ta với ý người
Và để thỏa nỗi nhớ mong, ngày nào chàng cũng ngồi xe kéo chạy qua nhà Bạch Vân. Có lúc vì ngẩn ngơ nhớ nhung người đẹp, mục “Tranh xã hội” bị bỏ lỡ dăm hôm… Nhưng tình cảm cứ thế đơn phương vì Hồng Tiêu hơn Bạch Vân tới 13 tuổi.
Dần dà, nào là nhận Bạch Vân làm em gái nuôi, nào nhờ thầy Vita (tác giả của những Duyên phù sinh, Nhớ thương, Mây ngàn…) dạy toán kèm, nào tìm thuốc chữa suyễn cho mẹ Bạch Vân… ông chủ bút Sài Thành nhật báo “đã chiếm được một phần cảm tình của mẹ tôi”, như lời Bà Tùng Long tâm sự trong hồi ký. Còn cha Bà Tùng Long thì “rất phục cách viết văn của Như Hoa khi viết mục Tranh xã hội”… “tôi biết thâm tâm cha tôi nhìn nhận Như Hoa có tài và là một trong những cây bút nổi tiếng nhất lúc bấy giờ”. Còn hai người thì “tình trong như đã”.
Ngặt nỗi, một rào cản lớn với Hồng Tiêu lúc ấy không dễ gì vượt qua. Số là trước đây khi làm báo Opinion rồi báo đóng cửa, lâm vào cảnh thất nghiệp, dẫu không có tình cảm, nhưng Hồng Tiêu bất đắc dĩ phải kết duyên không hôn thú với con gái bà chủ nhà trọ và có ba mặt con. Điều ấy làm cha Bạch Vân lưỡng lự, còn mẹ thì kiên quyết phản đối.
Phải sau này, nhờ nhịp cầu nối, vai trò của bà Bút Trà, vợ ông Nguyễn Đức Nhuận, tức chị dâu Hồng Tiêu với tài ăn nói, biện bạch và sự thành thật của mình, mẹ Bạch Vân mới xuôi lòng, “chắc cũng vì thương tôi mà mẹ tôi đã chấp nhận chuyện hôn nhân này”, Bà Tùng Long ghi lại trong Viết là niềm vui muôn thở của tôi... Khi ấy Hồng Tiêu 33 tuổi, còn Bạch Vân tròn đôi mươi.

Đám cưới sang chảnh có 4 xe lớn nhất Sài Gòn

Hồi ký Viết là niềm vui muôn thuở của tôi… cho biết sau khi được sự đồng ý từ phía nhà Bạch Vân, hai người đăng ký kết hôn tại Tòa Đô chánh Sài Gòn ngày 16.10.1935. Đám cưới của hai kẻ cầm bút ấy, kể ra cũng thật là sang. Chủ hôn bên nhà trai là bà Bút Trà, luật sư Diệp Văn Kỳ và nhà báo Thanh Phong là hai người làm chứng cho bên nhà trai, nhà gái thì cha mẹ, chú thím của Bạch Vân làm chứng.
Về sính lễ có hai áo nhung dài và đầy đủ nữ trang. Tiệc đãi khách được nhà trai với bà Bút Trà lo toan, đặt 10 bàn tại tửu lầu ở Chợ Lớn. Riêng cảnh rước dâu, người trong cuộc còn nhớ “Xe đến rước dâu, khách khứa lên chật cả bốn chiếc xe lớn mà các hãng thuốc cho mượn”. Dạo ấy, ở Sài Gòn chỉ có tiệm thuốc lớn Võ Văn Vân, tiệm bà Phan Thị Bạch Vân và hai tiệm ở Chợ Lớn là có xe hơi lớn. Những tiệm này đều là những tiệm có tiếng dạo ấy. Chẳng hạn tiệm Võ Văn Vân theo thông tin trên các sách của tiệm này như Mục lục nhà thuốc Vỏ [Võ] Văn Vân 1934, Việt Nam thọ thế… giới thiệu thì hiệu mang tên của “y học sĩ, bào chế sư” Võ Văn Vân với xưởng bào chế ở Thủ Dầu Một, dấu hiệu nhận biết của tiệm là logo “Thằng bé cầm dù”. Đây là hiệu thuốc Bắc lớn nhất Đông Dương, chữa bệnh cho đồng bào khắp Bắc, Trung, Nam Kỳ và Cao Miên, Ai Lao.
Bốn tiệm trên đều cho nhà báo Hồng Tiêu mượn xe lớn để rước dâu cả. Riêng xe hơi nhỏ của các chủ báo thì đều đủ. Phần phù dâu, phù rể cũng đáng chú ý. Nếu phù rể là “chú Tân” góa vợ, bạn của cha Bạch Vân, thì phù dâu là người “chú Tân” yêu nhưng không được cô gái và gia đình đáp lại. Ấy nhưng sau khi làm phù dâu, phù rể trong đám cưới này, hai người thông cảm với nhau và sau nên duyên vợ chồng.
Sau đám cưới, vẫn lời Bà Tùng Long hồi tưởng “một tiệm chụp hình ở đường Bonard (Lê Lợi) đến mời chúng tôi đi Sở Thú và chụp cho chúng tôi cả mấy trăm kiểu hình và khi rửa xong mang đến mừng chúng tôi. Thế mới thấy độc giả của anh NCM [Nhứt Chi Mai] thương anh đến bậc nào”. Một chuyện đáng kể lại nữa là sau khi hôn lễ kết thúc, đêm tân hôn đáng ra là đêm “động phòng hoa chúc dạ”, nhưng chàng rể Hồng Tiêu nói với vợ: “Anh mệt đừ, ba ngày nay em biết không, anh chỉ ăn có ba tay cầm cháo trắng mà chạy hết đầu này đến đầu nọ, mệt quá em ơi! Cho anh đi ngủ vài giờ đã”.
Sau khi say giấc điệp, Hồng Tiêu dậy và hai vợ chồng tâm sự. Để rồi ước hẹn của đêm tân hôn ấy, Hồng Tiêu giữ vẹn chữ tín suốt 50 năm chung sống cùng người đầu ấp tay gối với mình. Số là khi tỉnh dậy, Hồng Tiêu hỏi vợ khi sống với nhau ăn đời ở kiếp, thì Bạch Vân có điều kiện nào không? Đáp lại lời chồng, Bạch Vân đặt hai điều kiện. Thứ nhất, là nếu có điều gì không hợp ý, thì hai vợ chồng cùng bàn, Hồng Tiêu không được chửi thề; Thứ hai, là Hồng Tiêu tính nóng như Trương Phi, nếu không vừa ý là la hét. Nên điều kiện là “Anh không được đánh em dù là một cái tát nhẹ, và bớt la hét đi, kỳ lắm”.
Dẫu hai điều kiện khó, nhưng Hồng Tiêu đều thực hiện vẹn cả cho tới khi rời xa cõi tạm ngày 26.3.1985, thọ 84 tuổi. Còn Bà Tùng Long với mối tình đầu tiên, cũng là cuối cùng của đời mình, “lúc nào cũng xem anh như một người thầy, một người anh, một người bạn, một người chồng”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.