Đại hiệp Hồng Kông Châu Nhuận Phát: Từ truyền hình đến siêu sao điện ảnh Hồng Kông

27/05/2021 06:54 GMT+7

Địa vị ngôi sao truyền hình hàng đầu vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980 của Châu Nhuận Phát đã giúp ông mở cánh cửa đến với ngành công nghiệp điện ảnh .

Tuy nhiên, nhiều bộ phim điện ảnh đầu tiên của ông, như Massage Girls (1976), Bed for Day, Bed for Night (1977) và Miss O (1978) chỉ mang lại cho ông danh tiếng “thuốc độc phòng vé”. Mãi đến năm 1986, Châu Nhuận Phát mới đạt được cột mốc quan trọng trong sự nghiệp diễn xuất cũng như thành công thương mại trong bộ phim Bản sắc anh hùng (A Better Tomorrow) của đạo diễn Ngô Vũ Sâm. Kể từ đó, hình ảnh Châu Nhuận Phát như một ngôi sao điện ảnh lớn, một diễn viên tài năng được tung hô trên các phương tiện truyền thông. Vậy điều gì đã giúp Châu Nhuận Phát xây dựng danh tiếng diễn viên tài năng?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần biết một chút về lịch sử điện ảnh Hồng Kông. Kể từ năm 1932, khi ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông bước vào kỷ nguyên âm thanh, phim tiếng phổ thông và tiếng Quảng Đông đã trở thành hai dòng phim chính thống của điện ảnh địa phương. Mặc dù khác nhau về ngôn ngữ, phân khúc thị trường và cách sản xuất, cả hai dòng phim này đều có một điểm chung, đó là phong cách diễn xuất chịu ảnh hưởng rất lớn từ sân khấu kịch Trung Quốc.
Từ những năm 1950 đến đầu những năm 1970, phim ảnh tiếng Trung phổ thông (Quan Thoại) và tiếng Quảng Đông tiếp tục phát triển và chịu ảnh hưởng của nhà hát. Trong thời kỳ này, phần lớn phim tiếng Quan Thoại đều theo hai thể loại phổ biến nhất, đó là phim truyền hình cổ trang và phim võ thuật. Trái ngược với sự thịnh vượng của nền điện ảnh Quan Thoại - vốn có sự hỗ trợ tài chính từ các hãng phim lớn, nền điện ảnh tiếng Quảng dần mất đi sức hấp dẫn với công chúng địa phương do chất lượng kém và có quá nhiều kịch bản tương tự nhau. Số lượng phim tiếng Quảng được sản xuất giảm mạnh hằng năm, đến mức chỉ có một phim được sản xuất năm 1971 và không có phim nào được sản xuất năm 1972. Năm 1973, phim hài The House of 72 Tenants được phát hành và khán giả địa phương đón nhận nhiệt tình, đánh dấu sự trở lại của điện ảnh tiếng Quảng Đông tại thị trường phim Hồng Kông những năm tiếp theo.
Cũng trong giai đoạn này, thế hệ công dân hậu chiến tranh lớn lên và trở thành một nhóm khán giả chính của phim điện ảnh. Thế hệ trẻ này được giáo dục trong môi trường có nhiều cơ hội tiếp xúc với truyền thông phương Tây và cuộc sống thành thị ở Hồng Kông. Theo nhiều học giả điện ảnh, chính điều này đã bắt đầu định hình bản sắc văn hóa Hồng Kông. Hệ quả là bối cảnh nông thôn, cấu trúc đạo đức xã hội truyền thống lấy gia đình làm cơ sở và các câu chuyện lịch sử trong phim điện ảnh võ thuật, các bộ phim truyền hình và phim hài không còn đáp ứng được thị hiếu của nhóm khán giả này. Tuy nhiên, ngành công nghiệp phim bảo thủ vào giữa những năm 1970 đã không nhận ra sự thay đổi này.

Tên tuổi vụt sáng nhờ “Làn sóng mới”

Khi nền điện ảnh tiếng Quảng ở Hồng Kông bước vào thời kỳ đình trệ vào giữa những năm 1970, nhiều hãng phim địa phương đã cố gắng thu hút khán giả trở lại rạp bằng những bộ phim gợi tình hơn là tìm cách cải thiện chất lượng kịch bản và thiết kế nhân vật. Bắt đầu làm việc trong ngành công nghiệp điện ảnh địa phương năm 1976, Châu Nhuận Phát đã đóng 8 bộ phim cho Goldig Films (HK) Ltd trong vòng 2 năm. Các tài liệu quảng cáo cho thấy phần lớn các phim này sử dụng yếu tố tình dục và bạo lực để thu hút sự chú ý của công chúng và tiếp tục khai thác hình ảnh quyến rũ của Châu Nhuận Phát. Tuy nhiên, yếu tố tình dục và bạo lực không cứu được thị trường điện ảnh địa phương và những bộ phim điện ảnh thời kỳ đầu của Châu Nhuận Phát đã thất bại tại phòng vé.
Tình hình chỉ bắt đầu thay đổi vào cuối những năm 1970. Trước những thành tựu của các tài năng trẻ, như Hứa An Hoa và Từ Khắc trong ngành truyền hình, các hãng phim bắt đầu xem xét lại chiến lược sản xuất của họ. Bên cạnh việc kết hợp nhiều thể loại phim phổ biến với nhau, các hãng phim cởi mở hơn với việc đầu tư vào các thể loại phim khác, chứ không còn quanh quẩn với phim võ thuật, phim truyền hình nhiều tập và phim hài. Một số lượng đáng kể các tài năng truyền hình trẻ tuổi đã lấn sân sang màn ảnh rộng, nhiều người trong số họ được đào tạo kiến thức chuyên môn về phim và quá trình sản xuất phim ở nước ngoài. Thế hệ những nhà làm phim mới này sớm mang đến cái gọi là “Làn sóng mới” cho nền điện ảnh tiếng Quảng Đông ở Hồng Kông. Họ rất chịu khó thử nghiệm, nhờ đó đã mang đến cho khán giả những trải nghiệm xem phim mới mẻ trong những năm đầu thập niên 1980.
Trong bối cảnh đó, Châu Nhuận Phát trở lại ngành công nghiệp điện ảnh vào năm 1980 và các vai diễn trên màn ảnh rộng của ông trở nên đa dạng hơn. Một thay đổi rõ ràng mà thế hệ các nhà làm phim trẻ mang lại là sự nhấn mạnh vào cảm xúc của nhân vật, một điều được thể hiện rõ qua nhiều bộ phim của Châu Nhuận Phát vào đầu những năm 1980. Theo cách này, sự phong phú trong cách diễn đạt biểu cảm nhân vật chính là phép thử kỹ năng diễn xuất của Châu Nhuận Phát và phép thử này đã đưa ông lên một tầm cao xứng đáng với tài năng của mình. Điều này cũng được xác nhận qua danh sách rất nhiều giải thưởng diễn xuất mà Châu Nhuận Phát giành được. Từ năm 1985 - 1996, Châu Nhuận Phát được đề cử gần như hằng năm, thậm chí có những năm ông nhận được 2 - 3 đề cử. 
Trích từ Đại hiệp Hồng Kông - Châu Nhuận Phát (tác giả: TS Lin Feng, NXB Tổng hợp TP.HCM và First News - Trí Việt ấn hành)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.