Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ: Chuyện bên lề Hội nghị trù bị Đà Lạt

04/03/2021 06:29 GMT+7

Trong tiến trình lịch sử chính trị Việt Nam hiện đại, Đà Lạt đã chứng kiến một khoảnh khắc kỳ lạ.

Điều kỳ lạ nhất đã chỉ có thể xảy ra tại Đà Lạt khi các khuynh hướng chính trị đối lập về lý tưởng đã gạt khỏi những khác biệt, ngồi chung một bàn đàm phán, đứng chung trên một chiến tuyến trong cuộc kháng chiến ngăn thực dân Pháp trở lại. Khoảnh khắc chính trị kỳ lạ ấy kéo dài từ ngày 17.4 - 12.5.1946 trong sự kiện Hội nghị Đà Lạt, hay còn gọi là Hội nghị trù bị Đà Lạt 1946.

Nơi chốn cô quạnh và trung lập

Sau khi Nhật thất trận trong Thế chiến 2 và bị giải giáp, Pháp quay lại Đông Dương với rất nhiều tham vọng mới. Các vấn đề như thiết lập liên bang Đông Dương, vai trò Việt Nam trong khối liên hiệp Pháp, việc trưng cầu dân ý, Nam kỳ tự trị, sự can thiệp của Pháp vào các chính sách văn hóa, kinh tế, chính trị… tại Việt Nam được đặt ra và dự định dẫn đến một cuộc điều đình giữa chính phủ Liên hiệp Kháng chiến VNDCCH với chính phủ Pháp tại Fontainebleau (Paris) vào đầu tháng 7.1946.
Để sửa soạn cho cuộc điều đình quan trọng đó, cả hai phía Pháp và Việt Nam đều thấy cần một hội nghị trù bị. Đà Lạt đã được chọn làm nơi tổ chức với hy vọng cả hai phía đều có thể nắm bắt những yêu cầu để cuộc điều đình chính thức tại Pháp có hiệu quả.
“Pháp muốn hội nghị này nhóm ở nơi cô quạnh, ngoài áp lực của dân chúng: Đà Lạt. Hội nghị lại chỉ có tính cách soạn sửa cho cuộc điều đình chính thức tại Pháp. Vì vậy nó đã mang tên Hội nghị trù bị Đà Lạt”, Hoàng Xuân Hãn viết trong Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt (NXB Văn hóa, Hà Nội, 1996).
Tuy có tính chất thăm dò, chuẩn bị và không quá nhiều hy vọng đạt được các thỏa thuận, song người Pháp cũng có chút chờ đợi tính chất “trù bị” của nó. Jean Sainteny - phái viên Pháp, về sau viết trong cuốn Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ (Lê Kim dịch, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội, 2004): “Hội nghị Đà Lạt không chỉ chuẩn bị cho Hội nghị Paris mà còn giải quyết đầy đủ các vấn đề, cho những cuộc hội đàm tại Paris chỉ giới hạn long trọng trong việc ký kết những thỏa thuận đã được ghi rõ tại Đà Lạt và được đề cập trong buổi lễ ký chính thức”.
Khi được biết Đô đốc D’Argenlieu làm trưởng đoàn Pháp, phó đoàn là Max André, thì phía chính phủ Việt Nam cử Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam làm trưởng đoàn ngoại giao và phó là Tổng tư lệnh Quân đội Giải phóng Võ Nguyên Giáp. Có thể hiểu đây là sự sắp xếp với tương quan cân bằng trong ngoại giao, thay vì đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh phải có mặt.
Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ: Chuyện bên lề Hội nghị trù bị Đà Lạt1

Báo Tin Điển, số 63, ngày 20.4.1946 đăng thông tin về việc đón đoàn đại biểu Việt Nam đáp xuống phi trường dự Hội nghị trù bị Đà Lạt

ẢNH: TƯ LIỆU

Những chuyện bên lề

“Nhà hàng Langbian Palace được chọn làm nơi an nghỉ của hai đoàn đại - biểu. Hôtel du Parc được sửa sang nhiều và bày bố huy hoàng vì các Ủy - ban của Hội - nghị sẽ làm việc nơi đây và các phiên nhóm của Ủy - ban Pháp - Việt cũng sẽ cử - hành tại đây. Còn những phiên nhóm đầy đủ lớn lao thì cử - hành tại một tòa nhà rộng lớn của Trường trung học Yersin. Ba nơi nầy đã được sửa soạn trang hoàng và sau khi chấm dứt nét sơn cuối cùng, những nơi ấy rực rỡ lên với muôn ngàn sắc mới, dưới bóng quốc-kỳ Pháp-Việt” (...) “Không náo - nhiệt nhưng hôm nay vùng cao - nguyên Đà Lạt có vẻ nghiêm - trang.”, báo Tin Điển số ngày 20.4.1946 đưa tin.
Những chuyện bên lề của đoàn Việt Nam tại hội nghị này được kể trong các hồi ức của thành viên đoàn khá hấp dẫn, nó như một màn hơi sương trinh thám vây bủa quanh một sự kiện chính trị ngỡ công khai.
Theo hồi ức Ít dòng nhật ký về Hội nghị Trù bị Đà Lạt 1946 của ông Trần Văn Tuyên (Đổng lý Bộ Ngoại giao của Chính phủ Liên hiệp; phụ trách phần nghi lễ cho phái đoàn), thì đoàn Việt Nam xuất phát vào lúc 7 giờ 45 phút ở Gia Lâm, Hà Nội bằng 2 chiếc máy bay Junker 3 động cơ do Đức sản xuất, khá cũ mà phía Pháp cho mượn. Trưởng, phó đoàn Nguyễn Tường Tam và Võ Nguyên Giáp được sắp xếp đi trong chuyến sau, ông Tuyên và 11 thành viên còn lại thì bay chuyến trước. Hai chiếc Junker này phải hạ cánh ở Paksé (Lào) để tiếp nhiên liệu trước khi đáp sân bay Liên Khàng (tức Liên Khương ngày nay). Khi đến Paksé, trời có bão nhưng có lúc nắng đều.
Đoàn 12 người đến Liên Khàng lúc 3 giờ chiều. Đoàn Pháp gồm các ông Pignon, Davec, Brisson và Lê Văn Kim (Tùy viên Báo chí cho đô đốc, Cao ủy D’Argenlieu) ra đón tại sân bay. Các ký giả, nhiếp ảnh gia Tiệp Khắc, Bỉ và bà Anna Lê Trung Cang (chủ bút tờ Tin Điển, Sài Gòn) cũng có mặt ghi chép sự kiện.
Nhưng không khí bất an bên lề hội nghị đã nhen nhóm khi chờ mãi không thấy chiếc phi cơ thứ hai đáp xuống. Sự cố đến muộn của chiếc phi cơ thứ hai đã thổi bùng lên những mối nghi hoặc, thậm chí cả thuyết âm mưu: có thể những vị trí trọng yếu của đoàn Việt Nam đã bị thủ tiêu. Đoàn đến Đà Lạt trong chuyến bay thứ nhất có người đã… bỏ cơm vì mệt và lo lắng.
“Một số cho rằng người Pháp chơi xấu, có thể hy sinh một chiếc máy bay và hai phi công, đâm máy bay vào núi. Thế là hết chuyện đàm phán. Vì họ đã thủ tiêu được những người lãnh đạo mà họ lo sợ nhất: Nguyễn Tường Tam, Ngoại trưởng Chính phủ Liên hiệp chống Pháp cực đoan và Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội Giải phóng, Chủ tịch Quân ủy hội kháng chiến chống Pháp.
Có anh lo sợ cho số phận những người trong phái đoàn đã tới Đà Lạt. E ngại người Pháp bắt luôn tất cả và mang đi cầm tù. Anh Kiều Công Cung đề nghị với tôi đưa cho mỗi người 100 $ (sic.), xuống chợ mua mỗi người một chiếc xe máy, ngay đêm ấy, băng về Phan Rang”, ông Trần Văn Tuyên thuật lại.
(Trích Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ, NXB Trẻ, 2021)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.