Cười rần rần nhưng rồi lại nhói lòng với 'Kỳ án xứ mặt trời'

Hoàng Kim
Hoàng Kim
25/01/2018 11:20 GMT+7

Kỳ án xứ mặt trời (tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn Thái Kim Tùng) vừa được Hội Sân khấu TP.HCM sản xuất và công diễn tại rạp Công Nhân (Nhà hát TP.HCM). Khán giả cười rần rần nhưng rồi lại nhói lòng…

Xứ mặt trời là một đất nước giả định, nhưng hình như nó rất… quen. Có án oan, có quan lại tham nhũng, mê gái, có lính lệ ăn hối lộ, có thương nhân cấu kết với quan chức lũng đoạn thị trường, có những phận đời cùng khổ phải bán mình cứu gia đình, hoặc làm thuê làm mướn cũng không đủ lo cho cha khi bị bệnh… Và người dân thì thấp cổ bé miệng, người tài thì ở ẩn. Một màu sắc buồn ngay từ đầu.
Nhưng lạ, khán giả lại có những tràng cười chen vào suốt vở kịch, bởi sự dí dỏm của diễn viên Chánh Trực trong vai ông quan huyện. Chánh Trực nghề chính là đạo diễn, nhưng anh thường nhận vai nho nhỏ để diễn cho vui, và thường đóng rất có duyên. Lần này quan huyện là vai chính của vở, Chánh Trực đã tung hết cái duyên của mình để đối trọng với câu chuyện buồn nơi xứ mặt trời. Mà anh không hề lên gân tí nào, chẳng hề lạm dụng hình thể hay ngôn ngữ để thọc lét người ta. Anh cứ bình thản mà thả thoại, câu thoại thốt ra tỉnh bơ mà khán giả cười rần rần. Nhiều câu đang hot trên mạng xã hội được cập nhật vào khiến ai nấy khoái chí. Nào “Cô là ai? Tôi không biết cô. Cô đi ra đi!”, “Thiệt là quá đáng!”… Đúng là một vở châm biếm, cuối cùng thì nhà vua cũng xuất hiện và xử lý quan huyện, cầu thị hiền tài ra giúp nước. Niềm hi vọng vào sự thái bình thịnh trị lại nhen nhóm dần lên.
NSƯT Mỹ Uyên trong vai nữ chính và ngôi sao vọng cổ Võ Minh Lâm trong vai kép đẹp là hai tên tuổi thu hút khán giả. Tiếc là kịch bản không cài đặt vài câu cổ nhạc cho Võ Minh Lâm thi thố, vì fan của anh rất nhiều. Nhớ NSND Ngọc Giàu khi diễn kịch, thường được tác giả cài cho hát mấy câu, người xem mê quá xá.
Trang phục và thiết kế sân khấu đẹp lung linh. Vở này nếu xin được kinh phí để đi diễn phục vụ như các chương trình trước nay của Hội Sân khấu thì sẽ thay đổi màu sắc cho hai chữ “phục vụ”. Đâu phải là tuyên truyền khô khan, mà phải gần gũi thị trường, thị hiếu khán giả, gần với cuộc sống hôm nay, tươi tắn, sinh động, hài hước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.