Cuộc đời vua Tự Đức lên sân khấu

11/08/2016 06:38 GMT+7

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho rằng Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế đã “can đảm” đưa nhân vật vua Tự Đức lên sân khấu trong vở tuồng Bi kịch hoàng đế thi sĩ .

Nói “can đảm”, bởi “đến thời điểm hiện tại, nỗi đau cũng như nỗi niềm của nhà vua vẫn chưa giải được. Vua Tự Đức là người biết khen chê các nhân vật trong lịch sử VN, đây là ông vua có cái nhìn lịch sử rộng lớn. Vua Tự Đức cũng là người tích cực chống Pháp. Tuy nhiên, đến ngày nay người ta vẫn chưa hiểu hết vua Tự Đức...”, ông Phan Thuận An nói.
Đây là một trong 2 vở tuồng được Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế dàn dựng để tham gia cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2016, do Bộ VH-TT-DL tổ chức tại Đà Nẵng vào cuối tháng 8.
Sau buổi tổng duyệt vừa qua, vở diễn Bi kịch hoàng đế thi sĩ (NSƯT La Hùng đạo diễn, với sự tham gia của 50 nghệ sĩ, nhạc công của nhà hát) đã nhận được nhiều nhận xét khác nhau.
3 bi kịch lớn
Vua Tự Đức lên ngôi tháng 10 năm Đinh Mùi (1847), làm vua được 36 năm (1847 - 1883), mất ngày 16 tháng 6 năm Quý Mùi (19.7.1883), hưởng thọ 55 tuổi. Ông không có con mà nhận 3 người cháu gọi bằng chú làm con nuôi, gồm Nguyễn Phúc Ưng Chân (sau này là vua Dục Đức), Nguyễn Phúc Ưng Đường (sau này là vua Đồng Khánh), Nguyễn Phúc Ưng Đăng (sau này là vua Kiến Phúc).


Tự Đức là vị hoàng đế yêu nước, sự yêu nước của ông thể hiện qua những bài thơ. Khắc họa tính cách một hoàng đế như vậy là không hề đơn giản

Nhà biên kịch Nguyễn Văn Thanh

Viết kịch bản văn học cho vở diễn, tác giả Nguyễn Phước Hải Trung cho rằng: “Cuộc đời hoàng đế Tự Đức đã phản ánh một chuỗi bi kịch của bản thân nhà vua và nội tại của đất nước. Tất cả những bi kịch ấy đã được hoàng đế Tự Đức gửi gắm vào những vần thơ ngẫu sự của mình. Cụ thể, năm 8 tuổi, nhà vua bị bệnh đậu mùa và biến chứng vô sinh, không người nối nghiệp là bi kịch lớn nhất của bản thân nhà vua. Bất lực trước hệ thống quan lại địa phương tham ô, hà hiếp dân chúng là bi kịch lớn của hoàng đế và triều đình. Bế tắc trước hoàn cảnh lịch sử đang lâm vào nguy cơ mất nước là bi kịch của thời đại”.
Hoàng đế Tự Đức từng ca than: “Võ tướng tiêu sầu duy hữu tửu/Văn thần thoái lỗ cánh vô thi (Quan võ giải sầu tìm đến rượu/Quan văn đuổi giặc chẳng vần thơ - Hải Trung dịch). Và cuối cùng, bi kịch lớn nhất của một hoàng đế là để mất nước vào tay giặc Pháp.
Những bi kịch ấy đã được khái quát qua vở tuồng với nội dung xoay quanh các câu chuyện văn chương, đạo hiếu; các sự kiện Pháp tấn công Đà Nẵng, tấn công Nam kỳ; ký hòa ước; đền bù chiến phí; triệu hồi và đốt kim sách; cái chết của Phan Thanh Giản; 6 tỉnh Nam kỳ rơi vào tay Pháp... Các câu chuyện được xâu chuỗi theo thủ pháp đồng hiện xoay quanh các nhân vật chính như hoàng đế Tự Đức, hoàng thái hậu Từ Dũ, hoàng quý phi, Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương, thiếu tướng Pháp Page. Cuối cùng sự băng hà của hoàng đế Tự Đức và những lời “trăn trối” của nhà vua trên bia Khiêm Cung Ký như vẫn còn vang vọng, nhắn cùng hậu thế nhớ về một khoảng lặng của lịch sử dân tộc và trách nhiệm của một cá nhân trước lịch sử đất nước.
Bi kịch hoàng đế thi sĩ còn là câu chuyện về lòng trung quân, ái quốc của quân thần Đại Nam dưới triều Nguyễn và gương hiếu nghĩa của vị hoàng đế thi sĩ Tự Đức đối với mẫu thân bằng ngôn ngữ của nghệ thuật tuồng cung đình Huế.
Cần có điểm nhấn
Nhận xét về vở diễn, ông Phan Thuận An cho rằng kịch bản tốt, chuyển thể hay, âm thanh đạt, diễn viên diễn xuất sắc, nhất là nhân vật Nguyễn Tri Phương. Tuy vậy, có những chi tiết ông An cũng thắc mắc. Ví như đoạn kêu oan, cần xem lại sao không nói đến Tam Tòa để kêu oan mà nói đến Đình thần lục bộ?
Nhà biên kịch Nguyễn Văn Thanh nhận xét: “Tôi chỉ cảm nhận theo cách người xem, và đây là vở tuồng thú vị giúp người xem cảm nhận được thêm bối cảnh của lịch sử. Trong 2 giờ đồng hồ mà khái quát được một giai đoạn lịch sử là cả một vấn đề. Vở diễn đã thể hiện được văn hóa của Huế”. Ông góp ý: “Tự Đức là vị hoàng đế yêu nước, sự yêu nước của ông thể hiện qua những bài thơ. Khắc họa tính cách một hoàng đế như vậy là không hề đơn giản. Có thể không nên thể hiện trải dài cuộc đời ông mà cần có điểm nhấn, bởi vì khi người xem cần biết được cái tâm của nhà vua như thế nào thì sự việc trôi qua quá nhanh...”, ông Thanh góp ý.
Hy vọng từ những góp ý trên, khi vở tuồng được công diễn chính thức sẽ đem đến cho khán giả một cái nhìn mới hơn, sâu sắc hơn về một vị hoàng đế trong giai đoạn lịch sử đặc biệt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.