Cú hích cho ảo thuật TP.HCM

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
14/10/2018 06:30 GMT+7

Liên hoan ảo thuật toàn quốc do Hội Nghệ sĩ sân khấu VN phối hợp Sở VH-TT TP.HCM tổ chức, đã chính thức khai mạc với mong muốn tạo cú hích để ảo thuật TP.HCM phát triển xứng tầm.

Tự thân vận động
Dù đã là thành viên của Hội Ảo thuật gia quốc tế Mỹ nhưng nghệ sĩ K’Tay (Phó chủ nhiệm CLB Ảo thuật Cung văn hóa Lao động TP.HCM) vẫn không quên những ngày mới vào nghề đầy gian nan, vất vả. Năm 1992, từ Lâm Đồng, với hành trang là niềm đam mê ảo thuật, anh tìm đến “ông hoàng bồ câu” Z27 để tầm sư học đạo.
Trong túi có 300.000 đồng, khi ấy cứ tưởng là gia tài lớn, ai ngờ chỉ học được mới hai tiết mục là hết tiền, phải lội bộ từ Vườn Chuối (Q.3) ra Bến xe Miền Đông về nhà. Sau đó K’Tay kiên trì tập luyện và đi diễn ở nhiều tụ điểm tại TP.HCM, dù thời kỳ đó ảo thuật không còn ở đỉnh cao vàng son như những năm trước nhưng vẫn rất ăn khách với giá cát sê mỗi show từ 1,5 triệu đồng trở lên, thậm chí 8 triệu đồng/show, giúp cuộc sống của anh khá thoải mái.
Tuy vậy anh vẫn không bỏ nghề lái xe vì đó là công việc ổn định, có thêm tiền đầu tư cho đạo cụ ảo thuật. Hiện K’Tay mở một kênh trên YouTube để dạy ảo thuật. Anh tâm sự: “Tôi từng gặp khó khăn, phải tự mày mò để tiếp cận ảo thuật nên bây giờ muốn chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức của mình cho các bạn trẻ có cùng đam mê”.
Ảo thuật gia Trần Dũng, con trai của hai nghệ sĩ Trần Định và Kim Loan thì may mắn sinh ra trong một gia đình có truyền thống về ảo thuật khi có tới 4 thế hệ theo đuổi nghề xiếc, ảo thuật. Cả nhà từng được Tổ chức Kỷ lục VN trao tặng danh hiệu “Gia đình có nhiều thành viên tham gia biểu diễn ảo thuật ăn ý nhất”. Anh Trần Dũng đến với nghề năm 3 tuổi và giải thưởng huy chương bạc Liên hoan xiếc ảo thuật quốc tế tại Huế (2016, với gần 20 nước tham gia) là một ghi nhận cho sự khổ luyện của anh.
Tuy nhiên, các nghệ sĩ ảo thuật hiện nay đều phải tự thân vận động, tự “móc” show kiếm tiền sắm sửa dụng cụ biểu diễn chứ không có nguồn kinh phí nào đầu tư. Một số tài năng trẻ muốn tạo dựng tên tuổi phải tìm đến các game show của đài truyền hình, đồng thời tham gia các chương trình sự kiện nhỏ để mưu sinh. Những nghệ sĩ muốn có bằng cấp đều phải tự túc qua Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Mỹ...
Phải nhanh chóng xã hội hóa
Trước 1975, ảo thuật phía nam có nhiều tên tuổi nổi tiếng như Z.27, Tony Quang, Bảo Thu; và sau này là Trần Định, Hoàng Nghiêm, Cao Long, Hoàng Phúc, Hoàng Minh, K’Tay… Tuy nhiên, việc đầu tư bài bản cho ảo thuật vẫn còn nhiều hạn chế do thiếu kinh phí, đến nỗi sau 43 năm đất nước thống nhất mới có một liên hoan ảo thuật toàn quốc được tổ chức tại TP.HCM là điều rất đáng suy gẫm.
Mặc dù là “cái nôi” của ảo thuật VN nhưng các nghệ sĩ ở TP.HCM cho tới nay vẫn chưa có hội ảo thuật để sinh hoạt mà chủ yếu gặp gỡ nhau tại Trung tâm văn hóa TP.HCM, CLB ảo thuật TP.HCM và CLB ảo thuật tại một số quận, huyện. “CLB ảo thuật TP.HCM có 40 thành viên nhưng chỉ có mỗi mình tôi là được hưởng lương. Hằng tuần vào thứ bảy, chủ nhật, anh em thay phiên nhau biểu diễn tại Sân khấu Thỏ Trắng (công viên Lê Thị Riêng) để có nguồn thu nhập. Còn ở Sân khấu Sen Hồng thì biểu diễn miễn phí. May nhờ các nhà hát, trung tâm văn hóa một số quận, huyện thương, có “mối” nào thì giới thiệu, tạo thêm đất diễn cho nghệ sĩ nên cũng đủ trang trải cuộc sống”, ông Trần Định, Chủ nhiệm CLB ảo thuật TP.HCM, bộc bạch.
Còn ảo thuật gia Nguyễn Anh Tú (huy chương vàng Liên hoan ảo thuật trẻ TP.HCM 2016) thì mong muốn TP tổ chức chương trình, mời những ảo thuật gia nổi tiếng của nước ngoài sang giao lưu, truyền nghề và sau liên hoan ảo thuật toàn quốc nên tạo thêm nhiều sân chơi mới để nghệ sĩ ảo thuật có cơ hội cống hiến, đưa các tiết mục đỉnh cao đến gần hơn với khán giả.
Theo ông Võ Trọng Nam, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM: “Toàn bộ kinh phí để tổ chức liên hoan lần này đều là xã hội hóa. Không giống như xiếc nằm trong cơ chế của nhà hát dễ đầu tư hơn, hoạt động ảo thuật do các CLB tự thân vận động nên mang tính tư nhân, độc lập. Về phía cơ quan quản lý, Sở VH-TT luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nghệ sĩ có cơ hội cọ xát, thi đấu để ảo thuật VN vươn tầm thế giới. Việc đưa liên hoan ảo thuật toàn quốc về tổ chức tại TP đã chứng minh rõ mục đích này”.
Đồng tình với phương án xã hội hóa, NSƯT Phi Vũ, Phó giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, cho rằng: “Nhà nước không thể “bao sân” hết cho một màn ảo thuật vốn có chi phí bằng 3 - 4 tiết mục xiếc. Việc tiếp theo là phải nâng cấp các CLB thành hội ảo thuật mang tính chuyên ngành để các nghệ sĩ có được danh chính ngôn thuận hoạt động, đồng thời phải có trường lớp đào tạo bài bản, và thường xuyên “mang chuông đi đánh xứ người” để học hỏi kinh nghiệm”.
Tối 13.10, Hội Nghệ sĩ sân khấu VN phối hợp Sở VH-TT TP.HCM khai mạc Liên hoan ảo thuật toàn quốc lần 3 năm 2018 tại Nhà hát TP.HCM. Liên hoan diễn ra từ 13 - 15.10 với 39 tiết mục của 2 đơn vị xiếc công lập, 14 đơn vị, nhóm và nghệ sĩ hoạt động theo mô hình xã hội hóa, gồm: Liên đoàn Xiếc VN, Nhà hát Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, các CLB ảo thuật của TP.HCM và nhiều tỉnh thành: Lâm Đồng, Quảng Trị, Vĩnh Long, Tiền Giang, Cần Thơ... Lễ bế mạc và trao giải thưởng diễn ra vào 20 giờ ngày 15.10 tại Nhà hát TP.HCM.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.