Công tử Bột và Bột công tử

20/05/2018 07:00 GMT+7

Ta vẫn thường nghe nói tới ba tiếng công tử Bột và đây là một ẩn dụ dùng để chỉ con nhà quyền thế không làm nên trò trống gì.

Về nhân vật này, trong Việt - Hán thông thoại tự - vị (ảnh), Đỗ Văn Đáp đã ghi: “公子勃 CÔNG TỬ BỘT. Con quan, đẹp bề ngoài, bề trong không có. Tên bột (sic) con chư hầu đời Xuân thu không làm được sự nghiệp gì”.
Tuy chưa có nhiều cứ liệu thực sự cần thiết cho công việc tầm nguyên nhưng ta cũng biết được rằng thư tịch của Trung Quốc từng nói đến nhân vật này, chẳng hạn trong chương thứ tư [第四章], có tên là Mạnh Thường Quân nhập Tần [孟嘗君入秦] của sách Khổ nhục kế [苦肉計], tác giả Trương Anh Tuệ [張英慧], do NXB Viễn lưu [遠流] ấn hành năm 2005 (tr.187). Cũng cái anh công tử Bột này về sau đã bị Tống Vương (vốn tên là Yển) dùng cung bắn chết cùng với Cảnh Thành và Đái Ô trong cùng một ngày, như có thể thấy tại hồi 94 của Đông Chu liệt quốc chí [東周列國志].
Còn Bột công tử [勃公子] là tên của một con gà trống. Chuyện rằng vào đời Đường, có ba chàng bạn thân là Hàn Uyển, Trương Xương Tông và Vương Bổn Lập cùng theo học ở Thái học. Tại đây, Thái học bác sĩ họ Trương là chú họ của Xương Tông, tinh thông ngũ kinh mà lơ mơ thế sự. Ông ta có nuôi một con gà trống, quý nó như vàng và gọi nó là Bột công tử. Mỗi lần giảng kinh sử, ông ta đều ẵm nó theo rồi thả giữa đám thái học sinh. Tất nhiên là Bột công tử nhà ta đâu có đứng yên một chỗ, hết bươi (bới) chỗ này, lại mổ chỗ khác, còn làm rách cả sách của đám học trò. Nhưng hễ cứ đuổi hoặc hất gà đi thì liền bị Trương bác sĩ quở trách: Gà có năm đức (Kê hữu ngũ đức: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), sao lại coi thường nó. Xương Tông từng vì Bột công tử mà bị chú họ đánh đòn. Bổn Lập và Hàn Uyển bất bình nên tìm cớ giết gà. Hằng ngày Trương bác sĩ thường lấy cơm thừa của học sinh cho gà ăn, có khi trò còn đang ăn ông ta cũng lấy. Thấy Vương Bổn Lập là người học giỏi nhất, Trương bác sĩ hỏi thử Bổn Lập xem có thể lấy cơm thừa của học trò cho Bột công tử ăn hay không. Lập đáp: “Được chứ ạ! Nhưng mỗi lần công tử ăn cái gì thì xin thầy ghi chép lại cho rõ”. Được lời như cởi tấm lòng, thế là mỗi lần Bột công tử ăn thứ gì, Trương bác sĩ đều ghi vào giấy. Bấy giờ tại kinh đô Trường An, đã có lệ xử án theo biên bản nên một hôm, nhân Trương bác sĩ vắng mặt, Vương Bổn Lập mới đem “biên bản” ra xử tội để làm thịt Bột công tử. Khi trở lại, không thấy gà cưng, Trương bác sĩ liền lớn tiếng hỏi: “Bột công tử của ta đâu?”. Bổn Lập đáp: “Thưa, con đã giết công tử rồi”. Bác sĩ cả giận quát: “Giết gà, ngươi có chứng cứ gì?”. Bổn Lập đưa “biên bản” ra. Thái học bác sĩ đành chịu nhưng còn gượng hỏi: “Mà có đáng xử tội chết hay không?”. Bổn Lập đáp: “Thưa chỉ đáng phạt trượng chứ không đáng tội chết. Nhưng gà khác người, chỉ mới đánh một trượng đã toi!”.
Cứ như trên thì Trung Quốc có một nhân vật người là công tử Bột đời Xuân thu và một nhân vật gà là Bột công tử đời Đường, như đã được ghi nhận cụ thể trong sử sách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.