Công phu vở diễn thực cảnh đầu tiên ở VN

13/06/2017 07:32 GMT+7

Thủa ấy xứ Đoài - vở diễn thực cảnh đầu tiên ở VN - với đạo diễn Việt Tú là nỗ lực bức khỏi những giới hạn của không gian biểu diễn và kinh nghiệm của chính mình để chạm tới cảm xúc.

Những rặng tre đã xào xạc từ trước khi đêm diễn Thủa ấy xứ Đoài mở màn. Nhưng nó chỉ xào xạc trong bóng tối. Cho tới khi ánh đèn bật lên để bắt đầu vở diễn, thay cho cánh rèm nhung mở, thì những rặng tre đó thực sự là một phông nền sân khấu ấn tượng. Nó soi lên sân khấu mặt nước rộng 3.000 m2 những cảm xúc dịu dàng, đằng sau là bóng núi trầm tĩnh, nơi có chùa Thầy. Đó chính là sân khấu thực cảnh đầu tiên ở VN tại Quốc Oai, Hà Nội.
Đạo diễn Việt Tú đã có mặt ở sân khấu đó từ khi nó còn ngổn ngang công trường xây dựng. Anh bắt đầu vào công việc từ khi 150 diễn viên là những nông dân thực thụ còn chưa biết đến kỷ luật biểu diễn, thậm chí là kỷ luật của việc để xe vào bãi. “Mỗi lần tới điểm tập, họ quăng xe ở đó, có khi làm xước sơn. Tiền tập không đủ đi sơn lại”, Việt Tú nhớ lại.
Nhưng giờ đây tất cả đã đâu vào đó trong vở diễn với câu chuyện có hậu: vợ chồng anh câu ếch dệt vải, sau bao năm đèn sách, nay vinh quy bái tổ. Dọc vở diễn, người ta được nghe đế vui nhộn của chèo, tiếng sáo da diết, tiếng bước chân người đi cấy té trên mặt nước, giọng trẻ lảnh lót hát đồng dao, nhịp hò dô khi thi kéo co, tiếng ếch kêu trong ao chuôm... Họ cũng thấy cả sự viên mãn rất dân gian “võng anh đi trước võng nàng theo sau”. Trên nền sân khấu thực cảnh tựa vào thiên nhiên, Thủa ấy xứ Đoài có những tái hiện đời sống dân gian xưa đáng xem, đáng nhớ và rất tình. Có thể nói, đây là vở diễn lạ nhất trong đời sống sân khấu VN hiện nay.
Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Việt Tú về vở diễn này.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Tôi rất thích cảnh vinh quy bái tổ, ta thấy được sự cẩn trọng của người tổ chức từ trang phục đến đạo cụ. Việc tham gia của người dân Sài Sơn vào tác phẩm này không chỉ là một giải pháp nghệ thuật bởi không gì dân gian bằng người dân, mà còn mang lại lợi tích cho người dân. Họ biểu diễn với lòng tự hào về chính miền đất, di sản văn hóa của mình”.
Đức Hùng, trưởng đoàn diễn viên, Nhà hát Múa rối Thăng Long: “Là diễn viên đứng sau thủy đình, tôi biết giá trị của các phần múa rối của các nghệ nhân ở đây. Nó quá đều, các tổ hợp quá duyên, bài múa phượng quá hay. Đó là những phần múa rối nước mang dấu ấn nghệ nhân rõ nét. Nó có sự hồn nhiên vui vẻ. Nó kể câu chuyện cho thấy các cụ xưa thật sành điệu. Vở diễn mang một phong cách hoàn toàn mới lạ, một phong cách siêu trình diễn. Chắc chắn, nó sẽ khiến khách du lịch vô cùng tò mò”.
Từ đâu anh có ý tưởng dàn dựng vở diễn thực cảnh đầu tiên này tại VN?
Tôi có ý tưởng này bắt đầu từ những chuyến đi liên tục từ đông sang tây, giữa các vùng miền văn hóa, các trung tâm giải trí lớn nhỏ khác nhau trên thế giới. Rồi cơ hội hiện thực hóa đã đến, khi nhà đầu tư với mong muốn tạo ra một sản phẩm văn hóa có tính nhân văn cao, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, đã mời tôi về vùng đất Sài Sơn, chùa Thầy. Lần đầu nhìn thấy đồng lúa vàng óng, núi Thầy linh thiêng, tôi đã biết mình phải làm gì để tạo ra Thủa ấy xứ Đoài.
Anh có thể chia sẻ về thủy đình bất ngờ từ dưới lòng nước hiện lên trong sự ngỡ ngàng của khán giả?
Tôi đã tưởng mình không có cơ hội thực hiện ý tưởng về thủy đình. Nó quá khó, quá tốn kém nhưng nhà đầu tư đã quyết bằng mọi giá phải có thủy đình từ dưới 10 m nước hiện lên vì tin tưởng vào sự thu hút của nó với khán giả. Thủy đình bằng thép, vừa chịu được sức ép của nước sâu, vừa nhuốm màu thời gian đó đã được một chuyên gia phục cổ thực hiện. Nó cổ kính từng đường nét hoa văn.
Làm thế nào anh có thể huấn luyện được đàn vịt trong vở diễn?
Khi tôi đặt vấn đề với Liên đoàn Xiếc VN, họ nói chỉ có kinh nghiệm huấn luyện gia súc, chứ không huấn luyện được gia cầm. Nhưng chính một người nông dân, sau đó đóng vai bà chăn vịt, nói với tôi yên tâm đi vì gia đình họ... 3 đời chăn vịt. Ngay hôm sau, 30 diễn viên vịt đã được luyện tập và một tuần sau dự tổng duyệt.
Vinh quy bái tổ là một đoạn tái hiện đời sống trong vở. Anh có vất vả lắm không với việc dựng đoạn này?
Từ các tư liệu cổ, chúng tôi lập ra một sơ đồ đoàn rước với chức năng, nhiệm vụ, đạo cụ, trang phục, phụ kiện của mỗi người theo đúng tính sử liệu. Sau đó, chúng tôi làm sơ đồ dàn dựng.
Về đạo cụ chúng tôi đã tranh cãi nội bộ rất nhiều. Có quan điểm muốn đoàn rước chỉ 60 người, đạo cụ bằng vật liệu nhẹ. Làm như vậy diễn viên lại phải diễn kiểu giả vờ nặng nhọc trông rất giả tạo. Nhóm khác lại muốn làm thật với số diễn viên hơn 100 người. Đạo cụ bằng gỗ dổi, sơn son thếp vàng vì đồ thật vừa có tính sử liệu vừa có thể trưng bày cho khách. Làm đồ thật thì tập luyện vất vả dễ chấn thương, lại còn đắt đỏ.
Cuối cùng chúng tôi quyết định làm… thật. Buổi ra mắt, dưới ánh trăng rằm, nhìn đoàn rước võng lọng, cái gì cũng thật, chúng tôi rất cảm ơn nhà đầu tư đã không tiếc gì để chạm tới cảm xúc của khán giả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.