Con trai nhà văn Bà Tùng Long tiết lộ những chuyện ít biết về mẹ

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
31/07/2019 14:52 GMT+7

Sáng 31.7, NXB Trẻ và gia đình Bà Tùng Long đã có buổi ra mắt 10 tác phẩm của một cây bút tiểu thuyết nổi tiếng miền Nam trước 1975. Tại đây, nhà văn Nguyễn Đông Thức tiết lộ những chuyện cảm động về mẹ.

Bà Tùng Long tên thật là Lê Thị Bạch Vân. Nhà văn sinh năm 1915 này chuyên viết truyện tình cảm và tâm lý bạn gái với hàm ý giáo dục đạo đức các thành viên trong gia tộc vươn lên, nếp sống lý tưởng, thanh cao ...lôi cuốn độc giả bởi lối viết giản dị, mộc mạc.
Bà từng đi dạy Pháp văn, Việt văn ở các trường Tân Thịnh, Đạt Đức, Les Lauriers ở Sài Gòn, rồi làm thư ký tòa soạn các báo Sài Gòn mới, Phụ nữ ngày nay, Phụ nữ diễn đàn… và bắt đầu viết văn từ năm 1953 với truyện dài đầu tiên được in trên báo Sài Gòn mới: Đứa con hoang (khi in sách là Ái tình và danh dự).
Nhờ vào lòng yêu nghề không biết mệt mỏi và sự cố gắng nuôi 9 người con trưởng thành, đỗ đạt thành tài, bà đã để lại gia tài đồ sộ gồm 68 tiểu thuyết và hơn 400 truyện ngắn, trong đó đa phần các tác phẩm đề cập đến thân phận người phụ nữ, ca ngợi sự hy sinh và tình yêu cao đẹp.

Các tác phẩm của Bà Tùng Long được giới thiệu lần này

Những kỷ niệm cảm động với mẹ của nhà văn Nguyễn Đông Thức

Nhà văn Nguyễn Đông Thức cho biết: “Thật may mắn trong một lần dọn nhà, tôi phát hiện ra rất nhiều tiểu thuyết của mẹ đã đăng báo mà chưa bao giờ in sách. Tất cả đều được cắt dán lưu giữ cẩn thận. Tôi mới gặp Tổng Biên tập - Giám đốc NXB Trẻ Nguyễn Minh Nhựt đề nghị xuất bản những tác phẩm này. Anh ấy ủng hộ ngay. Rồi khi có hợp đồng in ấn, tôi lại may mắn tìm thấy tiếp 15 cuốn nữa của mẹ cũng chưa bao giờ in. Thế là thừa thắng tuyển chọn lại làm luôn. Nhân dây cũng cám ơn họa sĩ trình bày các bộ sách quá xuất sắc, không khác gì sách của ngày xưa cả…”.
 Lần xuất bản này, NXB Trẻ giới thiệu trước đến bạn đọc 10 tựa sách chọn lọc, như một sự trân trọng, một ghi nhận quý giá của những người làm sách đối với một cây bút nữ đặc biệt của Việt Nam. Trong 10 tựa phát hành đợt này, có 3 tựa chưa từng được in thành sách. Đây là những feuilleton (truyện nhiều kỳ) đã đăng trên các báo trước năm 1975, gồm: Bên hồ Thanh Thủy; Một vụ án tình; Những ai gieo gió và 7 tựa còn lại là: Bóng người xưa; Người xưa đã về; Một lần lầm lỡ; Duyên tình lạc bến; Đời con gái; Đường tơ đứt nối; Con đường một chiều.
Nhà văn Nguyễn Đông Thức kể tiếp: “Nếu tâm sự về mẹ tôi thì sợ mọi người cho rằng 'mẹ hát con khen hay' nhưng thực sự cả cuộc đời bà là hai chữ bình yên, tất cả đều dành cho chồng con. Nhà đông anh em, mỗi buổi sáng thức giấc, việc đầu tiên là bà ghi thực đơn các món ăn trong ngày để bà giúp việc đi chợ. Xong ngồi uống trà với ba tôi, rồi tranh thủ buổi trưa buổi chiều là viết văn. Thậm chí đêm khuya chờ anh em tôi ngủ hết, bà mới cặm cụi ngồi viết cho kịp mang bản thảo tới nhà in báo”.

Nhà văn Nguyễn Đông Thức (trái) chia sẻ nhiều kỷ niệm vui buồn với mẹ Bà Tùng Long

Tác giả Ngọc trong đá dù mái tóc đã bạc nhiều vì tuổi tác nhưng ông vẫn nhớ như in tiếng rào rào của con chữ mẹ viết ra trên giấy. “Tôi thường nằm ngủ dưới chân bà nên quen với âm thanh này lắm. Mỗi khi má tôi dừng lại hồi lâu, tôi lại biết bà đang suy nghĩ, trăn trở đến nhân vật. Cứ như thế nhiều đêm, tôi nằm ngủ trước sự lao động thầm lặng, bền bị của mẹ hàng chục năm trời”, nhà văn Nguyễn Đông Thức rưng rưng.
Sức viết của Bà Tùng Long rất đáng khâm phục, nhà văn Nguyễn Đông Thức tiết lộ: “Nếu anh Lê Văn Nghĩa tự đặt ra quy định mỗi ngày phải hoàn thành 3 trang sách thì mẹ tôi không đặt ra gì hết. Bà phải hoàn thành 3 trang cho tờ báo này, lại tiếp tục 3 trang cho tờ báo khác…điều này tập cho tôi sự bền bỉ, dù có có gắng cỡ nào cũng có thấm tháp gì cho với mẹ tôi hết. Bà khuyên 9 đứa con đừng đứa nào theo nghiệp văn chương của bà vì nó quá nhọc nhằn nhưng rồi có 3- 4 người chưa nghe theo lời căn dặn này nên cũng đã lỡ làm…nhà văn”.

Buổi giới thiệu sách nhận được sự quan tâm của báo giới và người đọc yêu quý tác giả

Nhà văn Bích Ngân (thứ hai trừ trái qua), nhà thơ Lê Minh Quốc cũng tham dự

Về bút danh “Bà Tùng Long”, nhà văn đã từng giải thích trong một lần trả lời báo giới lúc còn sống, rằng: "Các vị nho học của chúng ta có câu: “Vân Tùng Long, Phong Tùng Hổ”, nghĩa là mây theo rồng, gió theo cọp, cho nên thuở xưa, người nào lấy biệt danh Tùng Hổ thì biết người ấy tên là Phong. Tôi tên Vân cho nên lấy bút danh Tùng Long. Còn ký bút danh Tùng Long, vì sợ độc giả hiểu lầm là đàn ông, nên tôi thêm chữ Bà vào để phân biệt. Lúc đầu tôi nghĩ là dùng tạm một thời gian, nhưng về sau tôi thấy cũng nhiều người dùng từ Bà trước bút danh, chẳng hạn như Bà Đạm Phương. Hồi còn trẻ, bà Đạm Phương thường dùng danh từ Đạm Phương nữ sĩ, và bà Tương Phố cũng dùng bút danh Tương Phố nữ sĩ. Riêng tôi, không dám tự hào là nữ sĩ, nên không thể ký vậy. Bên Pháp, cũng có hai tác giả nữ, là Madame Stael, Madame Maintenon, với từ Madame (Bà) đứng trước bút hiệu. Trong các mục Gỡ rối tơ lòngTâm tình cởi mở, tôi ký Bà Tùng Long là để gần gũi với phái nữ, các nữ độc giả sẽ tin cậy và dễ bộc lộ tâm tình hơn là chỉ ký Tùng Long, họ có thể nghĩ lầm tôi là phái nam thì sẽ ngần ngại…
Tại buổi giới thiệu sách, nhà văn Nguyễn Đông Thức còn chia sẻ thêm về những trang viết thấm đẫm tình người của mẹ: “Mỗi câu chuyện mẹ tôi viết ra đều xuất phát từ cuộc sống sinh động: đó là câu chuyện đau lòng trong gia đình hằng ngày, vợ chồng cắn đắng nhau, cùng bao éo le trong đời thường khó hàn gắn nổi. Hàng ngày, mẹ tôi vẫn thường nhận được thư của độc giả gởi đến tâm sự, bà thường đọc rất kỹ. Cái nào cần trả lời thì trả lời, còn cái nào hay, có thể viết tiểu thuyết thì thường để riêng ra…Tôi là người hay giúp bà cắt bì thư người hâm mộ”, tác giả Vĩnh biệt mùa hè cứ say sưa khi nhắc về mẹ.
Bà Tùng Long mất ngày 26. 4.2006 tại nhà riêng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, hưởng thọ 92 tuổi.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.