Con đường vô tận - Truyện ngắn của Hà Sơn Hương

Từ trên không gian cao cao kia nhìn xuống, trải rộng trong bán kính một ki-lô-mét vuông, bạn sẽ thấy một khu dân cư nho nhỏ, nhà cửa thưa thớt.

Những căn nhà lá tranh cách nhau hơn trăm mét nằm lồ lộ giữa một hoang cát trắng, bên cạnh nó có bốn bờ là những hàng phi lao đang vi vút cùng gió. Quan sát kỹ hơn, bạn nhìn ra những đám ruộng be bé nằm san sát nhau với những ngô, khoai, đậu, mè,... Một vùng nào đó là những sào mía đang chĩa lên trời những chiếc lá cứng như thanh kiếm. Rồi bạn nhận ra một hàng dài những bóng cây tràm lá nhỏ, kề đó là những căn nhà mái ngói liêu xiêu kéo dài thườn thượt. Tinh nhạy hơn, bạn bất ngờ về một dòng nước nhỏ chạy dài qua những ruộng ngô, khoai, đậu, uốn éo như một nàng trăn nằm đợi tình nhân đến ấp iu. Đó là con mương người dân đào vét để thông nước vào mùa mưa và có nước tưới vào mùa khô, mương kéo dài từ sâu trong những động cát chảy đến cửa sông, rồi tuồn ra biển.
Đường đến căn nhà tranh lụp xụp của tôi, gọi tôi cùng đi bắt chem chép vào lúc mặt trời tạm ngưng bớt những luồng hơi lửa phả xuống hoang cát.
- Không biết hôm nay bà Thân, bà Viết xóm dưới có đi không nữa - Đường bảo.
- Cũng không biết nữa, hôm qua họ làm được nhiều quá, hơn cả bao cát chem chép còn gì - Tôi lên tiếng.
- Thôi kệ!... Đi ít ít, biết đâu mình lại cào được nhiều hơn. Chiều hôm qua ngâm mình cả buổi mà được có tí ti, về không đủ cho thằng Thiên và con bé Út húp cháo...
- Cũng tùy con nước và điểm cào nữa, hên xui thôi mà.
- Sẵn sàng chưa, đi thôi.
- Để mình lấy cái bao đã.
Chúng tôi rời căn nhà mái lá, thẳng qua vài hoang cát, đến đường chính của xóm, tới điểm tập trung tại một ngã ba. Từ ngã ba có một con đường cát xuyên qua những ruộng hoa màu kéo dài hơn hai cây số, đi qua một gò cát gần biển rộng hơn một cây số, chúng tôi nhìn thấy biển. Không như chúng tôi nghĩ, người đi cào chem chép gần như cả xóm. Cái xóm bé nhỏ với hơn ba mươi hộ dân thì người đi cào chem chép cũng đến hơn ba mươi rồi, nhà nào cũng có người đi. Cái đói cái khát không cho phép họ ngồi nhà bó gối.
Những con người khoác vào mình những bộ quần áo mốc thếch, xộc xệch, có đôi chỗ vá víu vụng về bằng chỉ, cầm trên tay chiếc bao cát nhỏ cùng nhau kéo ra biển. Bờ biển hiền từ, nhân hậu, vỗ những cơn sóng nhỏ, chào đón những con người đói khổ. Tại đây, họ ngâm mình trong nước biển lần mò những con chem chép cho đến tận khi mặt trời lặn. Biển mặn mòi nuôi sống người dân quê tôi.
Cuộc sống đơn điệu nhàm chán với những hoạt động cốt mong có cái đưa vào bao tử đã nuốt trọn tuổi thơ của tôi. Những con còng chúng tôi đào được trong hang khi mùa đông đến, những mẻ cá vụn được kéo lên trong những ngày đi kéo lưới cho ngư dân vùng biển, đã giúp cho gia đình có cái thức ăn để ăn cùng những nồi khoai lang nhão nhoẹt. Đôi khi, những ngày không tìm ra được thức ăn vì thời tiết mưa bão, mẹ thường lấy dầu phụng ra khử, cho nước lã vào nấu, rồi bỏ nắm muối hột vào để làm thức ăn.
- Ăn đi con ạ, cố gắng ăn để sống, người có của mà còn không sống được để ăn, như ông Bá trên xóm trên, mình ăn nghèo mà sống tốt được là còn may mắn lắm, ráng ăn ráng lớn để học hành thành người như anh Hai con, mong ra đời bớt khổ.
Mẹ ngồi trong căn chái bếp lá tranh lủng lỗ, nói với tôi, hai dòng nước mắt ngắn dài.
Sau này, khi đã trưởng thành hơn, tôi mới biết được người dân quê tôi sống thiếu thốn đến mức nào. Mỗi khi bình minh đánh thức họ dậy, họ làm quần quật đủ công việc nặng nhẹ khác nhau, nhưng kết quả đến cuối mùa đông vẫn là những ngày đói khát. Nỗi cơ cực mà những đứa trẻ nghèo khó nhất nhì trong xóm như Đường và tôi đã từng trải qua, có lẽ là nỗi ám ảnh dai dẳng trong giai đoạn tôi trưởng thành. Ở lứa tuổi hai mươi, khi tôi được đánh thức bởi một bình minh mới, một bình minh không phải là những tia nắng mặt trời soi rõ khắp nhân gian, một bình minh không xác định bằng tính chất địa lý. Năm hai mươi tuổi, tôi bị chấn động bởi một luồng ánh sáng huy hoàng, luồng ánh sáng ấy chiếu vào tâm tưởng tôi quá đột ngột, làm cho tôi ngất lịm và mê sảng. Cơn mê sảng đã hút lấy tuổi trẻ của tôi suốt mười năm, làm tôi tận kiệt, nhưng tôi không hối hận vì được ánh sáng bình minh tuyệt diệu ấy chiếu vào, vì tất cả những gì xảy đến với tôi đều là thử thách. Một thử thách quá lớn, quá phi thường, đối với một chàng trai bé nhỏ như tôi. Biết bao lần tôi lăn hòn đá to như một trái banh khổng lồ lên đến gần tới đỉnh, nhưng rồi nó tự động chạy xuống, bắt tôi phải lăn lại lên trên núi. Biết bao lần hết thất bại này đến thất bại khác đè bẹp lên giấc mơ cuồng phát trong tôi.
***
Quê tôi, những năm chín mươi của thế kỷ cũ, một làng quê còn nhiều khốn khó. Nhiều gia đình đến cái ăn, cái mặc cũng còn đi lượm của rải từ mấy gia đình khá giả hơn để lại mà dùng, gia đình tôi là một trong những gia đình nghèo khó bi cực ấy. Lúc đó chị Tám là sinh viên năm nhất ngành sư phạm tiểu học, thực ra chị thi đậu vào đại học chuyên ngành giáo viên lịch sử, nhưng kinh tế gia đình tôi eo hẹp, quá nghèo, nên chị đành buông bỏ giấc mộng bay cao. Tôi khi đó còn quá nhỏ để hiểu biết chuyện đời, đôi mắt thơ ngây của tôi nhìn chị Tám trong những đêm trăng sáng long lanh hai chị em tôi cùng ngồi trò chuyện trên bãi cát trắng lóng lánh, tôi biết rằng chị buồn. Nhà tôi đông anh chị em thật, nhưng chẳng hiểu sao chị Tám thường hay tâm sự cùng tôi, rót vào tôi những nghĩ suy của người lớn, trong khi tôi chẳng hiểu mô tê gì cả.
Ngày đó làng quê tôi chìm trong bóng tối, mỗi lần ngồi học bài tôi đều cố vặn tim đèn cho thật cao, làm ánh đèn hắt lên cho thật sáng để viết bài. Ánh đèn càng sáng thì chiếc bóng đen thui của tôi tỏa lên vách nứa càng đậm. Đôi khi, đang ngồi học bài, bỗng đâu tôi ngâm nga câu ca "Đèn so đèn tỏ hơn trăng...", là lúc ánh trăng rằm sáng lộ chiếu thẳng xuống chiếc bàn gỗ cũ kỹ tôi đang ngồi học, một luồng sáng trắng ngỡ ngàng. Mái nhà tranh của tôi dột nát và lủng nhiều chỗ.
***
Đầu những năm sáu mươi, mẹ lấy chồng là một thanh niên trưởng thành trong một gia đình nghèo khổ có người mẹ làm nông bần cùng, người cha đi bán muối. Cưới nhau về, sau khi sinh nở vài đứa con, ông nội cho miếng đất nhỏ khô cằn, bạc màu, chẳng làm được hoa màu gì cả. Ba đi đốn cây dựng cột dựng kèo, đốn tre đan liếp đan mành, mua lá dừa lá tranh về lợp mái. Sau những tháng ngày làm quên ăn quên uống, ba cùng một vài người hàng xóm dựng lên được căn nhà tranh lụp xụp đủ chỗ chui ra chui vô. Căn nhà đó là nơi ra đời của chị em tôi.
Thế giới những năm còn bò lăn bò lóc, chập chững bước đi, ngày nào cát cũng bết vào thân tôi như tôi và cát là một. Mẹ bảo chị Mười giữ tôi. Chị bồng tôi bỏ vào võng đưa, chẳng biết thế nào mà một thoáng sau tôi đã nằm chèm bẹp dưới nền nhà toàn cát. Võng đưa cao, tôi rớt xuống cát nghe cái bịch, nhưng cơ thể tôi chẳng bị làm sao hết cả. Bà đỡ. Mẹ bảo thế.
Mẹ địu tôi ra đồng bằng một chiếc “nừng”, chiếc còn lại trên quay gánh là những bó dây khoai lang giống. Tôi được mẹ gánh đi qua một hoang cát rộng, những bờ cát mấp mô. Đến đám ruộng, mẹ đặt tôi ngồi một góc bờ cát trắng. Mẹ để trước mặt tôi những đồ chơi, tôi dùng đồ chơi nghịch cát. Trước mắt mẹ là một ruộng cát với những hang, những lối trồng khoai lang do ba vun. Đám đất cằn cỗi này chỉ làm được mỗi vụ khoai vào mùa mưa, những mùa còn lại cát khô queo, không làm được gì cả. Lúc ấy, chị Mười đi học nên không chăm tôi được.
Cứ thế, hết năm này qua năm nọ, tôi lớn lên. Cát bên tôi như người bạn máu mủ, những khi chơi “cút cùn” hay những trò đúc bánh, dù mùa mưa hay mùa nắng, để đến khi tôi trưởng thành hơn, thế giới trong tâm tưởng tôi chỉ toàn là cát, tôi nghĩ rằng cát đã sinh ra tôi, không phải mẹ.
Nhà tôi cách con đường làng khá xa, từ con đường đất thịt nhỏ thó có lớp trên mặt gần như cát phủ, vào đến nơi tôi sinh sống phải đi qua hoang Ông Đông. Hoang Ông Đông đầy cát, mùa hè cát lún, xe máy vô không được, xe đạp càng không, phương tiện được dùng hiệu quả nhất để qua hoang cát có lẽ là đôi bàn chân của con người. Từ ngày tôi biết đi biết chạy, hằng ngày tôi đi qua hoang cát dài gần nửa cây số không biết bao nhiêu lần.
Xung quanh nhà tôi chỉ có hai căn nhà tranh lụp xụp khác, nhưng cách xa nhau đến vài trăm mét. Những khi chiều về, không gian vắng vẻ quạnh hiu, bên cạnh tôi chỉ có những tiếng chim và những cơn gió chiều ngùn ngụt thổi vào đọt cây phi lao. Đêm xuống trông thật hoang liêu, điêu linh, heo hút, trơ trọi. Tối, những ngọn đèn dầu leo lét, hoang sơ. Càng nhìn ra xa, bóng đen càng tịch mịch bao phủ lấy hoang cát mênh mông đến gần trăm héc ta.
Đẹp nhất là những khi trăng sáng, dải đất bao la tắm tưới tâm hồn tôi bằng thứ ánh sáng huyền diệu tinh trong. Trăng đẹp chết mê chết mệt. Bầu trời đêm bát ngát bóng trắng, những ánh lân tinh phản chiếu từ cát. Đó là những đêm trăng tôi và Đường cùng rủ nhau vào rừng cát ngắm trăng.
***
Hôm nay, nắng rải lên tâm hồn đang khô cứng của tôi, như người ta rải hoa giấy giữa một trảng cát khô cằn. Nắng lênh loang dàn trải, rồi bung vỡ, nứt toác ra thành những vụn nhỏ li ti, như hàng triệu hạt mưa bụi đang phân giải tâm trí u mệt của tôi. Những ngày qua tôi đã trải lên nền trời xanh thẳm những rền vang tuyệt vọng, như đám mây giông trĩu nặng những khối sầu đen sẫm xám xịt, nơi trời tây, chỉ mình tôi nghe thấu. Từ nay về sau, đời tôi chỉ còn là những hạt nắng vụn nát ra thành triệu mảnh nhỏ hơn chính nó.
Tuổi hai mươi của tôi tuôn qua như dòng suối đã tuồn ra biển, thông qua một dòng sông mười năm uốn khúc. Giấc mơ tuổi trẻ của tôi tan thành muôn mảnh nhỏ rồi lịm đi. Nhiều khi, trong cõi đời với muôn vàn chiều kích này, tôi cảm thấy mình mỏi mệt, như một con tàu đã chạy hết lịch trình của nó, nhưng kết quả xem ra chỉ là những chiếc thùng rỗng, người ta quên bỏ hàng lên trên đó. Người ta sắp xếp cho chuyến tàu chạy mà quên đi mình cần nên chất những gì vào khoang để chuyển đi, đang phân vân, thì cần lái tự động kéo con tàu chạy mất dạng. Nhiều đêm, tôi buồn bã, ủ ê, mộng ước được tôi chôn xuống nấm mồ của hoàn cảnh, bổn phận. Sống trên đời này, điều cay đắng nhất là gì nếu không là những giấc mơ bị đánh tráo. Con người sống, ai cũng mong muốn mình được là chính mình, trọn vẹn là chính thể chứ không phải là một bản nháp hay một bản sao của một cá thể nào đó. Điều bất hạnh thực sự xảy ra khi người ta bỏ quên đi tâm hồn của mình, rồi lại đem trồng những hạt mầm của một tâm hồn khác. Mẹ tôi không bao giờ hiểu được về tiếng nói của giấc mơ tôi. Cái tiếng nói trong tôi có trong veo và sáng như ánh dương, thì mẹ cũng không dễ dàng gì chấp nhận.
- Nhà mình nghèo quá con ơi, làm sao theo đuổi được ước mơ?
Có lẽ, mẹ đã khóc âm thầm, khóc rỉ rả. Mẹ khóc vì giấc mơ của tôi.
Chỉ có một con đường, tên là vô tận, xin chớ hoài công tìm kiếm con tàu mang theo linh hồn tôi. Con đường là vô tận, mẹ không bao giờ nghĩ, trên thế gian này có một con đường nào đó là vô tận. Đường đời, mẹ đi chưa vượt khỏi mười cây số của một làng quê mênh mông những cát, bát ngát những gò, mùa hè đến, chúng biến thành những chảo lửa thiêu đốt bàn chân. Thời con gái, mẹ không có giấc mơ. Tuổi hai mươi mẹ phải sống theo lề luật cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, ba cưới mẹ vào một chiều mùa thu lá bay ngang ngõ, những chiếc lá vô tình rơi rơi, nhưng mẹ thì không để ý. Trải qua một chặng đường đời gần ba mươi năm, mẹ mười một lần mang thai, hạ sinh tám đứa con, ba đứa bị hư ngay từ trong bụng. Mẹ nuôi tôi thêm ba mươi năm nữa. Mẹ làm sao hiểu được tâm hồn tôi, làm sao hiểu được giấc mơ, làm sao hiểu được vì sao nhìn chiếc lá rơi mà tôi buồn thế. Mẹ không biết có một con đường nào là vô tận. Mẹ không biết, con mình có một giấc mơ lớn hơn giấc mơ thời con gái của mẹ...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.