Con buôn... - Truyện ngắn của Du Quang

23/10/2015 12:00 GMT+7

Lấy vợ được mấy năm thì tôi bỏ việc đi buôn. Bỏ làm chân văn phòng nhàn hạ để tất bật với giò me, nem tai, thịt chua, cả những mớ rau đặc sản của vùng miền. Người thân dĩ nhiên chẳng ai đồng ý. Mẹ tôi rầu rĩ lắm, bà cực nhọc nuôi tôi ăn học bằng chúng bằng bạn là để đời được thong dong chứ không phải để trở thành người suốt ngày tủn mủn với chợ búa và những đồng tiền lẻ. Nhưng tôi nghĩ nát óc rồi, thời thế này không dành cho bằng cấp.

Lấy vợ được mấy năm thì tôi bỏ việc đi buôn. Bỏ làm chân văn phòng nhàn hạ để tất bật với giò me, nem tai, thịt chua, cả những mớ rau đặc sản của vùng miền. Người thân dĩ nhiên chẳng ai đồng ý. Mẹ tôi rầu rĩ lắm, bà cực nhọc nuôi tôi ăn học bằng chúng bằng bạn là để đời được thong dong chứ không phải để trở thành người suốt ngày tủn mủn với chợ búa và những đồng tiền lẻ. Nhưng tôi nghĩ nát óc rồi, thời thế này không dành cho bằng cấp. 

Con buôn... -  Truyện ngắn của Du QuangMinh họa: Hồng Thiện Cường
Với mức lương ba cọc ba đồng thử hỏi làm sao chống chọi được với cơn bão giá. Tôi lưỡng lự mãi đâm ra lại chậm chân chứ nhìn xung quanh nhiều người đã quẳng cái sĩ diện hão ấy lâu rồi. “Phi thương bất phú” các cụ nói chẳng sai. Tôi là thằng đàn ông không lẽ chỉ biết sung sướng bản thân mà để vợ con thiếu thốn. Thôi đành... cất tiếng rao buôn. Cũng may là còn có thằng con trai bốn tuổi đứng về phe tôi. Nó hồn nhiên bảo “từ ngày bố đi buôn nhà toàn được ăn món ngon, thích thật”. Vợ tôi lắc đầu than “rồi cũng đanh đá chua ngoa như dân chợ búa”. Chua ngoa thì chưa thấy nhưng khốn khổ cho một thằng đàn ông tính toán chi li. Biết làm sao được, làm nghề thì phải theo nghề.
Một ngày của tôi không phải bắt đầu từ bảy giờ sáng như trước kia mà có khi phải thức dậy khi mọi người vẫn đang say giấc. Xe khách các tỉnh đi xuyên đêm, thường đến bến vào lúc bốn, năm giờ sáng. Mang theo hàng hóa tôi đặt mua ở khắp nơi vẫn còn xanh non hay nóng hổi. Có hôm mưa lớn, một mình loay hoay giữa đường vắng ngắt có mảnh ni lông trên người cũng phải tháo ra che chắn cho hàng hóa. Người có thể ướt chứ bịch giò me, ít bột nghệ, yến hạt dẻ gửi từ Nghệ An ra thì không thể ướt. Tự nhiên thấy tủi thân khủng khiếp. Những lúc ấy khó tránh khỏi cảm giác lưu luyến những ngày xưa cũ. Sáng dậy bảnh bao, ăn sáng xong là xỉa răng phóng đến công ty. Có hôm gặp mưa ngồi trú tạm trong quán cà phê vừa nhâm nhi vừa nghe nhạc Trịnh. Có đôi lúc nhìn qua cửa kính cũng đã từng dấy lên lòng thương hại những người buôn thúng bán mẹt lầm lũi trong mưa. Giờ khối người ngồi trong văn phòng có khi cũng ngậm ngùi khi thấy gã đàn ông ướt nhẹp ngoài đường với túi lớn, túi nhỏ đi giao hàng cho khách. Đồng nghiệp cũ mua ủng hộ cũng nhiều. Lắm hôm đến công ty giao hàng nhìn trong đáy mắt bạn là bao nhiêu hoài nghi và cả lòng thương hại. Có hôm bạn rủ nán lại văn phòng uống trà rồi lân la hỏi:
- Tôi hỏi thật ông nhé, buôn bán thế này có đủ ăn không?
- Đủ chứ sao không. Mới buôn bán cũng chưa thể nói được mạnh mồm. Vất vả thật nhưng cũng kiếm đủ nuôi con.
Bạn đốt thuốc phả khói trắng mờ ảo, ngửa cổ đăm chiêu mãi rồi cũng cất lời:
- Tôi mà là ông, tôi chả dại gì nghỉ việc. Hỏi thật, ông có bao giờ hối hận không?
- Hối hận cái khỉ gì. Làm thằng đàn ông quyết là làm. Được ăn cả ngã về không.
Nói với bạn thế nhưng thực lòng cũng có lúc buồn. Nhất là khi bạn trả tiền dư chục nghìn kêu cầm cả đi không cần trả lại. Người ngoài nói thế không buồn chứ bạn mình làm thế là lần sau hết muốn giao hàng. Cũng có khi bạn nói khơi khơi “đồ ngon ăn mãi cũng ngán, nhưng thôi, mua ủng hộ”. Bỗng chạnh lòng hình như không phải chỉ vì chuyện bán mua. Xã hội hóa ra vẫn có nhiều người ưa đánh giá mọi chuyện qua vẻ bề ngoài. Ông bán nước chè đá dưới chân công trường thu về mỗi tháng cả chục triệu đồng. Quán bún đậu mắm tôm vỉa hè tạo công ăn việc làm cho cả đống người. Hằng tháng trả lương nhân viên rồi ông chủ còn đút túi vài chục triệu đồng là chuyện quá bình thường. Ngay cả anh bán dạo bánh mì, ngô luộc, khoai lang nướng cũng đủ tiền nuôi cả gia đình ở quê. Còn làm công ty tướng tá bảnh bao, tháng lĩnh vài triệu tiền lương, cầm chưa ấm tay đã hết veo, bao nhiêu khoản chỉ chực chờ đồng lương là cấu véo. Sinh hoạt bình thường còn có thể xoay xở được, chứ động đến khoản nào lớn là mất ngủ lo toan. Con cái ngày càng lớn, đi học đóng cả chục khoản tiền. Chưa kể lúc ốm đau bước vào phòng khám mười phút sau đi ra đã tiêu xong tiền triệu. Trong một nhà phải có ít nhất một người chịu khó bươn chải mới mong khấm khá hơn. Vợ không chịu thì chồng đành, chứ bảo thích đi buôn thì mấy ai thích chứ!
* * *
Công việc buôn bán của tôi khá thuận lợi. Ngoài bán hàng online thì khách còn tìm đến tận nơi để lựa chọn những sản phẩm ưng ý. Cửa hàng tuy nhỏ nhưng đầy đủ đặc sản vùng miền. Từ nắm rau sắn ngâm chua, món cọ ỏm, cá thính ở mảnh đất vua Hùng cho đến bánh trứng kiến, rau bồ khai, hạt dẻ Trùng Khánh trên đất Cao Bằng. Không chỉ đặt thực phẩm có sẵn, tôi còn lên tận nơi học cách chế biến các món ăn ngon. Nào thì xôi bảy màu Sapa, bánh ngải Lạng Sơn, cơm lam Bắc Mê, lạp xưởng gác bếp... nói chung đủ cả. Vợ tôi tối nào cũng sung sướng ra mặt khi ngồi tính tiền, nhưng lại không dám rủ bạn bè đến chơi nhà chỉ vì xấu hổ với ông chồng tay dao tay thớt đứng thái giò me cho khách. Những ngày rằm, tôi dậy sớm đồ xôi để bán thì vợ con còn ngủ nướng trên giường. Quần áo đôi khi ám toàn mùi dầu mỡ, chưa bước vào phòng vợ đã quát “thay ngay”. Thấy tôi lụi cụi làm đồ ăn để bán là lập tức vợ giao luôn chuyện bếp núc gia đình. Hết giờ làm vợ không về nhà vội. Tạt ngang tạt dọc đâu đó với đủ các lý do chính đáng như thăm người ốm, thăm bà đẻ, đám cưới, đám ma. Rồi điện về bảo “tiện thể anh cắm luôn cơm, xào luôn rau, giã tí ruốc cho con, làm dầu dừa cho em...” Tôi lắm lúc phát khùng với cái “tiện thể” của vợ. Trong khi một núi công việc từ trông cửa hàng, giao hàng tận nhà cho khách, đi lấy hàng ngoài bến xe... tất tần tật đều một tay tôi xoay xở.
Kể từ ngày có cửa hàng thực phẩm của tôi thì mọi người trong ngõ phố đều hay ghé mua. Giá cả mềm hơn, nguồn hàng đảm bảo lại có cớ nán lại ít phút chuyện trò thăm hỏi lẫn nhau. Mọi người thường nhìn theo dáng vợ tôi thon thả, môi son má phấn thướt tha đến công sở hằng ngày mà không khỏi lo lắng giùm thằng đàn ông quanh quẩn với bán buôn. Họ hỏi vợ đẹp thế có lo không. Thật sự tôi còn không có thời gian mà ghen tuông, lo lắng. Dù đôi lúc cũng hoài nghi khi thấy vợ ngày càng hay đi sớm về muộn, tính khí lại thất thường. Bỗng một hôm chị hàng xóm ghé qua mua giò me huých tay tôi nói nhỏ “lo kiếm tiền ít thôi, phụ nữ cũng rất hay để ý chuyện bề ngoài, nên đừng xuề xòa quá”. Tôi tự nhiên giật mình, vợ nhắn tin “em không ăn cơm nhà, chiều đi giao hàng về anh nhớ ghé đón con”. Những tin nhắn kiểu này, gần đây vợ vẫn gửi cho tôi. Chẳng buồn thêm lý do cũng không một lời giải thích. Tôi bận đến mức cũng chẳng có thời gian để hỏi. Có tối còn lăn quay ra ngủ trước cả lúc vợ về. Sáng mở mắt ra đã bộn bề. Không kịp hỏi sao dạo này vợ thích mùi nước hoa khác, đổi kiểu tóc khác, cách ăn mặc cũng khác xưa nhiều... Vợ giục con ăn nhanh để đến trường và không thèm động đũa đến bữa sáng tôi vừa nấu.
- Em sợ mùi dầu mỡ xào nấu ám đầy trong nhà. Hàng hóa chất khắp nơi bề bộn và chật chội. Tự nhiên thấy cuộc đời tù túng quá nên thay đổi chút thôi cho dễ thở. Anh để ý làm gì.
- Gọn gàng thơm tho thì ai mà chẳng muốn. Nhưng nếu không chịu cực thì thử hỏi lấy tiền đâu để được thơm tho?
- À, thế hóa ra anh vẫn nghĩ em sống đàng hoàng được là nhờ anh chường mặt ra đường cóp nhặt từng đồng bạc lẻ?
- Thế đấy. Em cảm thấy xấu hổ vì thằng chồng quanh quẩn với chợ búa và bếp núc đúng không? Thử hỏi anh không vậy thì em có thảnh thơi mà hẹn hò ở ngoài không? Vợ người ta sau giờ làm tất bật lo cơm nước cho chồng con. Còn em, em thử nghĩ xem sau giờ làm em đi những đâu nào?
- Phải! Tôi đi hẹn hò đấy, được chưa? Anh tưởng mình anh biết lo cho vợ con chắc. Chồng người ta đâu cần phải trở thành con buôn lếch thếch như anh mà vợ con họ vẫn ăn sung mặc sướng đấy thôi.
Hai từ “con buôn” của vợ nghe chói tai đến buốt óc. Tôi không dùng mánh khóe hay lừa lọc ai để kiếm lời thì cớ sao trong mắt vợ mình lại trở thành một gã con buôn? Tôi cực nhọc để làm gì cơ chứ, khi mà ngay cả người đầu gối tay ấp còn khinh khỉnh với mình. Tôi ngó lại thân tôi, tám giờ tối áo còn đẫm mồ hôi, người bốc lên toàn mùi rau sắn. Đi ra đường đôi khi người ta vẫn nhìn mình ái ngại. Đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi công sức sao vẫn thấy bùi ngùi. Vợ tôi như vậy sao dạy nổi con về cách nhìn nhận và coi trọng đồng tiền chân chính. Thứ sĩ diện hão chỉ giúp con người ta khoác lên mình những bộ cánh ảo. Còn thứ hiện thực mà tôi nhìn thấy trong cuộc sống đời thường luôn là những con người dám bươn chải mưu sinh. Như tiếng rao lúc nửa đêm đang văng vẳng bên tai giữa những cơn gió lạnh đầu mùa tràn về thành phố. Âm thanh nhọc nhằn ấy gần gũi và đáng trân trọng biết nhường nào! Bao đêm khác tôi không đủ thời gian để ngủ vậy mà sao đêm nay bỗng thấy thật dài. Ngồi trên ban công ngó xuống khu trọ nghèo phía dưới, thấy người đàn bà trẻ đi làm ca đêm về còn lôi áo rét ra giặt lại. Tiếng đứa trẻ ngọ ngọe khóc đòi mẹ. Người đàn bà đã đi khuất vào trong. Rồi tôi chỉ còn nghe thấy trong đêm những tiếng ru hời “sông dài cá lội biệt tăm/phải duyên chồng vợ trăm năm cũng chờ/chồng em áo rách em thương/chồng người áo gấm xông hương mặc người... ”. Không hiểu vì sao mắt tôi bỗng cay xè. Chắc vì sương đêm hoặc cũng có thể vì gió lạnh...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.