Cổ vật xứ Đông - 144 pho tượng Phật quay đều trên bảo tháp hơn 300 năm tuổi

06/10/2015 12:16 GMT+7

(TNO) Tháp cửu phẩm liên hoa hơn 300 năm ở chùa Giám, thuộc làng An Trang, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương là cổ vật mang đậm giá trị lịch sử, kiến trúc Phật giáo.

(TNO) Tháp cửu phẩm liên hoa hơn 300 năm ở chùa Giám, thuộc làng An Trang, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương là cổ vật mang đậm giá trị lịch sử, kiến trúc Phật giáo.

Tháp cửu phẩm ở chùa Giám đã hơn 300 năm tuổiTháp cửu phẩm ở chùa Giám đã hơn 300 năm tuổi
Chùa Giám còn có tên chữ là Nghiêm Quang tự, là di tích lịch sử cấp quốc gia, được xây dựng cách đây hơn 700 năm. Nằm ở trung tâm xã Cẩm Sơn nhưng chùa vẫn giữ được vẻ tĩnh lặng, trang nghiêm, cổ kính. Ít ai biết rằng ngôi chùa nơi Đại danh y Tuệ Tĩnh từng tu thiền, bốc thuốc cứu người này còn có một tháp cửu phẩm liên hoa hơn 300 năm tuổi, là một trong những cổ vật quý hiếm ở xứ Đông.
Dẫn chúng tôi đi thăm tháp cửu phẩm, Đại đức Thích Thanh Lương, trụ trì chùa Giám cho biết ngoài chùa Giám thì cổ vật như này chỉ còn có thêm tại 2 nơi ở nước ta là chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) và chùa Đồng Ngọ (xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà, Hải Dương).
Tòa cửu phẩm cao khoảng 8m, hình lục giác đều, mỗi cạnh dài khoảng 1,2m, trụ quay là một cây gỗ lớn, còn chân tháp là cối quay bằng vòng bi được thay mới vào khoảng năm 1956. Từ cột trụ chính dóng ra những đòn ngang có tay đỡ ván các tòa sen và mặt ván ốp thân được chạm khắc vân xoắn, sóng nước... rất tinh xảo.
Cổ vật xứ Đông – Kỳ 3: 144 pho tượng Phật quay đều trên bảo tháp hơn 300 năm 2Tháp cửu phẩm là kiến trúc độc đáo mang nhiều ý nghĩa
“Mỗi tầng có 18 pho tượng Phật, trong đó tượng Phật A di đà ngồi thiền ở giữa còn 2 tượng Phật Quan âm đứng 2 bên. Tầng trên cùng là một pho tượng Phật A di đà lớn chạm trần nhà và được giữ cố định, mang ý nghĩa cho sự tĩnh lặng”, Đại đức Thích Thanh Lương giới thiệu.
6 góc giữa các tầng đều được làm cột đỡ hình cây trúc. Mỗi tầng của bảo tháp chạm 5 lớp cánh hoa sen màu hồng nhạt, khoảng cách giữa các tầng chừng 20cm nên khi đứng dưới ngước lên nhìn tháp cửu phẩm quay có cảm giác như tầng tầng lớp lớp hoa sen nở ra liên tục.
Theo cụ Phạm Nguyễn Hãn, 84 tuổi, là người chép sử làng An Trang, tháp cửu phẩm này nặng hơn 4 tấn, phải có ít nhất 2 người mới quay được. 144 bức tượng Phật nguyên bản làm bằng gỗ do những người thợ tài hoa nhất vùng chạm trổ tinh xảo tới từng chi tiết, nhưng đã bị lấy cắp gần hết vào những năm 80 của thế kỷ trước.
Cổ vật xứ Đông – Kỳ 3: 144 pho tượng Phật quay đều trên bảo tháp hơn 300 năm 3Nằm ở trung tâm xã Cẩm Sơn nhưng chùa Giám vẫn giữ được vẻ tĩnh lặng, trang nghiêm, cổ kính
“144 pho tượng trên tháp cửu phẩm hiện nay làm bằng gốm do các phật tử ở TP.Hải Phòng cung tiến. 5 pho tượng nguyên bản nhà chùa phải cất đi, chỉ đem ra trưng bày vào những tuần tiết quan trọng”, cụ Hãn nói.
Nhà phẩm có kiến trúc theo kiểu chồng diêm 3 tầng mái, tầng 2 và 3 của tòa nhà thu nhỏ dần. Chóp trên mái nhà trước đây được đắp hình hoa sen, nhưng được sửa thành hình tượng hoa sen đỡ quả hồ lô. Riêng tầng 2 của nhà phẩm có cửa sổ ở 4 mặt, khi mở ra ánh sáng chan hòa khiến cho tháp cửu phẩm liên hoa ở giữa tòa nhà sáng rực. Tháp cửu phẩm liên hoa này trở nên linh thiêng khi người dân lưu truyền về câu chuyện bảo tháp khi quay phát ra những tia hào quang rực rỡ.
Qua tìm hiểu được biết chùa Giám trước đây ở giáp sông Thái Bình, cách vị trí hiện nay khoảng 7km về phía đông. Hàng năm vào mùa nước lớn cả xã Cẩm Sơn thường bị ngập lụt từ 2 - 3 tháng. Các cụ lưu truyền câu chuyện vào chùa Giám tụng kinh Phật thì nước dần rút. Năm 1936, chánh sứ Hải Dương người Pháp tên là Mác-Sơ-Mi đến chùa Giám đã sững sờ trước vẻ đẹp của tháp cửu phẩm liên hoa. Ông đã bỏ tiền ra xây tường bao lửng ở quanh chân tháp và đổ xi măng láng nền bên trong cho nước khỏi thấm lên.
Cổ vật xứ Đông – Kỳ 3: 144 pho tượng Phật quay đều trên bảo tháp hơn 300 năm 4Chùa Giám là nơi đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh tu thiền thuở thiếu thời. Tấm bia ngay lối vào chùa Giám ghi lời di nguyện của ông trước khi tạ thế ở vùng Giang Nam (Trung Quốc)
Theo cụ Hãn, để tránh bị ngập lụt, người dân đã phải vào sâu bên trong lập làng mới như hiện nay và toàn bộ ngôi chùa, nghè Giám đã được tháo dỡ, di chuyển cùng vào rằm tháng 7.1974. “Người dân Cẩm Sơn đã phải mất hơn 7 tháng dùng xe bò di chuyển cả một công trình kiến trúc đồ sộ với những cột gỗ lim lớn. Tháp cửu phẩm phải tháo rời ra rồi buộc bằng dây chuối đưa đi”, cụ Hãn kể lại.
Nhiều người quan niệm rằng đẩy được tháp cửu phẩm quay sẽ mang lại nhiều may mắn và bình an. Thế nên có dạo nhiều khách viếng chùa đều vào quay bảo tháp và nhà chùa đã phải dán giấy cảnh báo không được tùy tiện quay vì công trình này đang có dấu hiệu xuống cấp.
Đại đức Thích Thanh Lương cho biết cửu phẩm liên hoa không chỉ có ý nghĩa quảng bá tinh thần bác ái của Phật giáo mà còn thể hiện sự phát triển của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Các chùa xây dựng tháp cửu phẩm liên hoa là những trung tâm Phật giáo, gắn liền với các vị thiền sư danh tiếng như chùa Giám là nơi tu thiền của đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh. Tòa tháp cửu phẩm liên hoa đã trở thành điểm nhấn của ngôi chùa Giám cổ kính và gợi lên bao suy ngẫm về cái lẽ sắc không của kiếp nhân sinh. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hải Dương đang hoàn thiện hồ sơ để trình lên cấp trên công nhận tháp cửu phẩm chùa Giám là bảo vật quốc gia.
Cổ vật xứ Đông – Kỳ 3: 144 pho tượng Phật quay đều trên bảo tháp hơn 300 năm 5Vườn Phật trong chùa Giám
Hiện nay, ngoài chùa Giám thì chùa Đồng Ngọ (còn gọi là chùa Phẩm hay chùa Cập Nhất) ở xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà, Hải Dương cũng có tháp cửu phẩm liên hoa, nhưng không quay được.
Căn cứ vào văn bia, chùa Phẩm được xây dựng vào thời nhà Đinh, theo sắc chỉ vua ban năm 971. Đến thế kỷ 17, thiền sư Chân Nguyên đã xây dựng ngôi chùa thành trung tâm Phật giáo lớn của dòng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Một tòa cửu phẩm liên hoa được vị thiền sư này dựng giữa chính điện và nhà tổ vào mùa xuân năm Nhâm Thân (1692), thời vua Lê Hy Tông. Toàn bộ tòa cửu phẩm liên hoa cao trên 5m, là một công trình kiến trúc kỳ thú. 60 pho tượng cổ trên tòa cửu phẩm đã bị kẻ gian lấy mất, phải bổ sung tượng mới.
Không chỉ làm bằng gỗ, ở chùa Linh Quang, xã Kim Lương, huyện Kim Thành, Hải Dương còn có tháp cửu phẩm liên hoa được xây dựng bằng gạch từ năm 1926. Tháp cao 13,5m, xây ở vị trí trước chùa, bởi các nghệ nhân từ Nam Định. Dù bị bom đạn phá hoại trong chiến tranh nhưng công trình có kiến trúc độc đáo vẫn đứng vững. Di tích tháp cửu phẩm liên hoa chùa Linh Quang đã được xếp hạng là di tích Kiến trúc nghệ thuật vào tháng 1.2001.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.