Cổ vật từ các dòng sông Nam Bộ

09/12/2008 23:24 GMT+7

Sáng nay 10.12.2008, các cổ vật vớt lên từ đáy nước của các dòng sông lớn ở Nam Bộ như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ, sông Tiền, sông Hậu, bắt đầu được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TP.HCM. Cuộc trưng bày được mở ra nhân kỷ niệm 310 năm Nam Bộ (1698-2008) nhằm giới thiệu một dạng cổ vật mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa và đời sống trên sông nước của các cư dân xưa.

Giữa phòng trưng bày là hàng trăm đồ gia dụng, đồ trang sức, trong đó có những chiếc nhẫn và các đôi bông tai bằng vàng, bạc, các đồ mỹ nghệ bằng đất nung, đồ đựng thức ăn, rau quả, đồ gốm men gia dụng, các cọc gỗ có từ hơn 13 thế kỷ trước, cùng hình ảnh và hiện vật liên quan đến các loại thuyền bè, cũng như hoạt động giao thương thời xưa.

 
Mảnh vỡ của tàu Esperance được vớt lên dưới lòng sông Vàm cỏ -Ảnh: G.H

Đó không chỉ là những cổ vật được chế tác tại nước ta, mà còn do một số nước u Mỹ làm ra, như lời giới thiệu của ban tổ chức: "Qua hàng ngàn hiện vật đã được vớt lên từ hàng trăm địa điểm, có thể thấy cổ vật dưới các dòng sông Nam Bộ rất phong phú, đa dạng với nhiều loại chất liệu như đá, gốm, đồng, vàng bạc, gỗ... xuất xứ từ nhiều nước như Việt Nam, Campuchia, Trung Quốc, Pháp, Thái Lan, Tây Ban Nha, Mexico... chúng thể hiện các mặt sinh hoạt vật chất cũng như sinh hoạt tinh thần, tôn giáo".

Trong số đó có các hiện vật tiêu biểu như ngẫu tượng Yoni bằng đá lớn nhất Việt Nam với kích thước 2,2 x 1,5m tìm thấy tại sông Đồng Nai, tượng đồng Địa Tạng vương Bồ tát tìm thấy tại sông Vàm Cỏ, khẩu đại pháo nặng 14,604 kg, dài 4,92m do Pháp đúc năm 1868 tìm thấy tại sông Sài Gòn...

Về mặt khảo cổ học, cuộc trưng bày đợt này một lần nữa gợi nhớ đến những dấu vết xưa nhất về sự có mặt của con người cách đây 18.000 năm tại Nam Bộ với di tích Xuân Lộc, đồng thời khẳng định có một nền văn hóa Đồng Nai thời đại đồ Đá và con sông Đồng Nai là sông duy nhất đến nay ở Nam Bộ tìm thấy các công cụ bằng đá của thời Tiền sơ sử.

Ở lưu vực sông Vàm Cỏ, sông Sài Gòn, cũng có dấu tích người xưa với niên đại cách đây từ 3.000 đến 3.500 năm. Ở lưu vực sông Cửu Long cũng phát hiện những cổ vật chứng tỏ sự hiện diện của con người vào khoảng 2.300 năm trước. Tiếp đó, qua các giai đoạn Phù Nam - Óc Eo, Thủy Chân Lạp, rồi hòa nhập vào dòng chảy của văn hóa và đời sống cư dân người Việt, cũng đã có nhiều hình ảnh, cổ vật được giới thiệu đợt này.

Được số lượng hiện vật lớn và giá trị để giới thiệu như thế với công chúng là nhờ vào sự phối hợp với các bảo tàng ở: An Giang, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, cùng một số nhà sưu tập tư nhân như Nguyễn Hữu Triết, Trương Ngọc Tường, Nguyễn Văn Phẩm, Trần Anh Dũng, Nguyễn Anh Kiệt...

Tất cả đã tái hiện một phần quá khứ của vùng đất Nam Bộ với đặc điểm được các nhà nghiên cứu ghi nhận: "trên con đường sông nước, người ta sinh hoạt, buôn bán, chiến đấu - lập nhiều chợ nổi, bến sông - dùng làm nơi trao đổi mua bán hàng hóa - và trên các con đường quan trọng cũng đã diễn ra những cuộc đụng đầu giữa các lực lượng đối địch mà trong đó nhiều trận thủy chiến đã trở thành huyền thoại như trận Thất Kỳ giang (trên sông Nhà Bè) do Nguyễn Huệ chỉ huy đánh tan thủy đội Nguyễn Ánh có người Pháp giúp sức năm 1782, trận Rạch Gầm - Xoài Mút phá tan 20 vạn quân Xiêm năm 1785, trận Nhật Tảo do Nguyễn Trung Trực chỉ huy đốt cháy tàu Espérance của Pháp mà hiện vật còn lại là những mảnh ván của tàu bọc đồng này vớt lên từ dưới lòng sông cũng được trưng bày nơi đây".

Ấn tượng nhất đối với người xem vẫn là hàng trăm hiện vật và hình ảnh tái hiện những đặc trưng trong cuộc sống ven bờ của cư dân Nam Bộ và trong khung cảnh sông nước thiên nhiên của vùng đất mà Trịnh Hoài Đức đã ghi lại trước kia: "sông rạch dọc ngang la liệt, đi trên vùng sông ấy nếu không phải là người thổ dân thông thuộc thì thế nào cũng bị lạc đường", hoặc qua nhiều câu ca lâu đời như: Ruộng đồng mặc sức chim bay. Biển bờ lai láng, cá bầy đua bơi...

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.