Cổ vật trên những con tàu đắm: Từ các cổ vật quý hiếm

24/02/2011 10:10 GMT+7

Ngoài những cổ vật được đem đấu giá ở Mỹ như đã đề cập trong các bài trước, một số đã được Bộ Văn hóa - Thông tin trước đây (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) giao về các bảo tàng trong nước.

Trong số đó, theo thông báo khoa học của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM thì nơi đây đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (VH-TT) giao lại hơn 4.600 cổ vật gốm Chu Đậu từ con tàu đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm. Số cổ vật trên bao gồm nhiều loại hình như chén, đĩa, ấm, hũ, bình..., đều là những cổ vật mang nhiều giá trị lịch sử - văn hóa và khoa học cần được giới thiệu, nghiên cứu thêm. Trong các hiện vật mà bảo tàng này tiếp nhận có các hiện vật rất quý, gồm:

 - 2 lọ cắm bút hình rùa, trong đó một lọ gốm men xanh trắng và một lọ gốm men trắng. Lọ gốm men xanh trắng cao 3 cm, đường kính 5,5 cm, bên trong rỗng nhưng không thông với miệng rùa, đầu rùa ngẩng cao, tứ chi xòe ra trong tư thế đang bơi. Lọ thứ hai là gốm men trắng, đặc điểm giống như lọ men xanh trắng nhưng chỉ nhỏ hơn một chút, cao 2,5 cm, đường kính 5 cm.

- 2 lọ châm nước mài mực hình cóc, đều làm bằng gốm men xanh trắng, có cùng kích thước: cao 4,8 cm, dài 6,5 cm, rộng 4 cm. Về đặc điểm thì hai chiếc lọ này đều như nhau, cụ thể là đều có dạng của một con cóc đang ngồi, đầu ngẩng cao, bụng tròn, 2 chân trước đứng, 2 chân sau ở tư thế ngồi xổm, ở giữa lưng có lỗ tròn đường kính 1 cm là miệng lọ, bên trong rỗng và thông với miệng cóc, đây là vòi, dùng cho việc châm nước mài mực. Có thể vì muốn tạo hình dáng khác cho lạ mắt hay vì niềm tin mà các nghệ nhân đã tạo ra lọ châm nước với hình dáng của một con cóc thân thiện này. Cóc cũng tượng trưng cho mưa thuận gió hòa, cho sự đầm ấm sinh sôi nảy nở.

- Cặp ấm hình gà: kiểu dáng và kích thước hai chiếc ấm này đều giống nhau: có mào gà, đầu ngẩng cao, dáng mập, đuôi cong, trên lưng có một vòi nhỏ, trổ thủng thông với thân, bên trong rỗng, mỏ trổ thủng một lỗ là vòi, toàn thân vẽ lam; đều có chiều cao 11,5 cm, dài 16 cm, rộng 8 cm. Màu sắc của chúng thì khác nhau: một chiếc ấm men xanh trắng, một chiếc ấm men Tam thái (3 màu).

Trên đây nói về số cổ vật liên quan đến đợt khai quật khảo cổ học đối với con tàu đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm được tiến hành trong 3 năm từ 1997 - 1999.


Chuyên viên khảo cổ và thợ lặn làm việc trên vùng biển có tàu cổ đắm ở Cù Lao Chàm (Hội An) - Ảnh: Đ.S

Cuộc tìm kiếm lần thứ 2

Theo tinh thần cuộc họp do Bộ VH-TT (lúc đó) tổ chức bàn về Đề án trục vớt cổ vật tàu đắm Cù Lao Chàm được tổ chức vào ngày 18.7.2003 tại Hà Nội, thì một hợp đồng cụ thể được ký kết với Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương để trục vớt các cổ vật trên cơ sở đảm bảo nghĩa vụ và quyền lợi đã được thỏa thuận trong hợp đồng. Theo đó, toàn bộ chi phí trục vớt do Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương lo liệu; sau khi kết thúc việc trục vớt, số hiện vật được kiểm kê, phân loại, trừ những hiện vật độc bản được giao ngành VH-TT quản lý, các hiện vật còn lại được chia theo tỷ lệ Bên A (tỉnh Quảng Nam): 40% và Bên B (Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương): 60%. Sau đó, một ban chỉ đạo trục vớt cổ vật gồm: lãnh đạo UBND tỉnh, Sở VH-TT, Sở Tài chính - Vật giá, Công an tỉnh, BCH Bộ đội biên phòng tỉnh và Bảo tàng Quảng Nam đã được thành lập.  Kết quả của đợt khai quật  đã đem lên bờ thêm hàng chục nghìn cổ vật khác.

Có thể nói, trong số tàu đắm đã được khai quật, con tàu ở Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) chở hàng gốm sứ Việt Nam (thay vì hàng Trung Quốc như các tàu khác) với số lượng nhiều nhất được tìm thấy từ trước đến nay tại các di tích hàng hải, gồm: gốm hoa lam, gốm nhiều màu và gốm xanh lam độc sắc. Cạnh đồ thô dân dụng là những sản phẩm cao cấp, khiến chuyên viên Bảo tàng Victoria and Albert là John Guy phải thốt lên: “Có quá nhiều, quá nhiều ngạc nhiên. Chỉ trong một con tàu mà chứa cả phạm vi những loại đồ gốm với tính chất khác nhau, hỗn hợp vật liệu khác nhau, để cung cấp cho nhiều giai tầng xã hội khác nhau, thật hết sức phi thường” (theo tờ Viet Mercury tháng 6.2000).  

Xứ sở của gốm hoa lam

Cũng cần nói thêm là, theo các nhà nghiên cứu, mãi đến đầu thập niên 1930, thế giới cũng chỉ biết gốm hoa lam sản xuất bởi Trung Quốc. Nhưng từ năm 1934, L.R.Hobson đã phát hiện trên bình gốm của Bảo tàng Topkapi Saray tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) có ghi xuất xứ của bình làm tại Việt Nam thế kỷ 14. Vài thập niên sau, ngày càng có nhiều chứng cứ về sự có mặt của gốm Việt Nam thế kỷ 14 - 17 tại Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ai Cập... Điều đó chứng tỏ không chỉ Trung Quốc mà Việt Nam cũng là xứ sở của gốm hoa lam.

Nghệ nhân Việt Nam đã đưa nhiều thế hệ gốm sứ đi khỏi lũy tre làng, ra cửa biển, một số gặp nạn, bị chìm cùng các thương thuyền và được vớt lên từ vùng vịnh Thái Lan và nam Philippines... Ở trong nước, theo nhà nghiên cứu Bùi Minh Trí, những dấu tích trên đất liền dần dà tìm thấy tại các thương cảng cổ như Phà Hồ (Bắc Ninh), Vân Đồn (Quảng Ninh), Lạch Trường (Thanh Hóa), Hội Thống, Đền Huyện, Kỳ Ninh (Hà Tĩnh), đặc biệt vùng biển Cù Lao Chàm đã “phát hiện một khối lượng khổng lồ hơn 150.000 đồ gốm hoa lam Việt Nam còn nguyên vẹn”. Đây là bằng chứng quan trọng khẳng định về xuất xứ và đời sống viễn du của một dòng gốm riêng biệt.

G.H

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.