Cổ vật trên những con tàu đắm: Lưu lạc đến phương trời xa

23/02/2011 10:50 GMT+7

Trong đợt khảo sát và khai quật con tàu cổ đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm với hơn 240.000 hiện vật nguyên vẹn, trong đó có một cổ vật độc bản là chiếc nậm rượu hình rồng, một bảo vật quốc gia, nay đã về đâu?

 

 Bình và ấm gốm cổ do Việt Nam xuất khẩu tìm thấy trên tàu đắm ở Cù Lao Chàm - Ảnh: Tư liệu

Nậm rượu giá 200.000 USD

Không ít người phải chạnh lòng, băn khoăn, vì hàng vạn cổ vật trên con tàu đắm ở vùng Cù Lao Chàm đã được đem ra bán đấu giá tại Mỹ. Trong số đó, có các cổ vật được xem là bảo vật quốc gia như thông tin của tác giả Hồ Trung Tú về chiếc nậm rượu hình rồng có “nét vẽ không cầu kỳ trau chuốt, nhìn toàn thể là một sự hài hòa giữa hình khối và nét vẽ.

Những thứ không được vẽ như các bắp cơ cuồn cuộn của con rồng cũng toát lên hình khối mà ta không cảm nhận được rõ ràng nó toát ra từ đâu. Một con rồng thật sống động, oai phong nhưng cũng thật dễ thương và gần gũi. Nó không dữ dằn, đe dọa như những con rồng Trung Quốc.

Được biết, món đồ sứ hình rồng này là độc bản, chỉ có một chiếc trong hơn 240.000 món đồ cổ trong con tàu đắm ở Cù Lao Chàm. Chiếc nậm rượu hình con rồng ấy đã được bán với giá 200.000 USD. Một bảo vật quốc gia đã bị mất!”. Cũng theo Hồ Trung Tú, chiếc đĩa vẽ hình một con vịt xiêm, tức con ngan, cũng bán đấu giá lấy 70.000 USD.

Những cổ vật độc bản, hoặc tiêu biểu tương tự như trên, đều là đồ gốm sứ được sản xuất từ làng nghề Chu Đậu. Làng nghề này nổi danh và cực thịnh từ cuối thế kỷ (TK) 14 đến cuối TK 16, tính ra thời vang bóng của Chu Đậu kéo dài ngót 200 năm.

Ông Đào Phan Long - một nhà sưu tập, đồng thời cũng là một tác giả quan tâm đến sự lưu lạc của các cổ vật Việt Nam, đã đề cập đến một khía cạnh văn hóa của cổ vật trong tài liệu phổ biến trên tạp chí Cổ vật tinh hoa, rằng: “Tôi đọc báo thấy chính phủ một số nước đang phát triển đã thông qua người của mình dự các cuộc đấu giá quốc tế để mua lại các cổ vật quý của nước nhà đã bị mất thời trước.

Ví như Trung Quốc, Hàn Quốc... ta đã thấy họ mua lại các món cổ vật của họ thông qua đấu giá lên đến nhiều triệu đô la Mỹ đấy thôi! Trong các bạn chơi cổ vật, tôi biết có những người đã đi mua được vài món cổ vật gốm sứ mà họ yêu thích ở Thái Lan và Mỹ mang về Việt Nam.

Còn tôi cũng mua được tại Hà Nội một chiếc đĩa gốm Việt TK 15 vẽ nhiều màu thuộc lô đồ vớt ở tàu đắm Cù Lao Chàm - Hội An đã được nước ta cho bán đấu giá sang tận Mỹ trước đây. So với nhiều món cổ vật khác thì chiếc đĩa không quý và độc đáo gì, nhưng tôi thích nó vì phía sau đĩa có con tem và số lô hàng của nhà bán đấu giá chính hiệu Butterfield bên Mỹ.

Người bán cho biết anh ta đã mua của một Việt kiều làm ăn bên Mỹ mang về. Anh Việt kiều Mỹ đó đã mua được nhiều món trong cuộc đấu giá lô cổ vật tàu đắm Cù Lao Chàm”.

Trưng bày ở nước ngoài

Cũng theo nhiều nhà nghiên cứu khảo cổ học và sưu tầm cổ vật hiện nay, có hàng chục bảo tàng khắp nơi, kể cả châu u, châu Mỹ đều để tâm giới thiệu và dành những không gian thích đáng để giới thiệu về những sản phẩm gốm Việt Nam.

Điều đó đã “xóa bỏ một huyền thoại” về sự độc tôn của gốm Trung Quốc trên thị trường đồ cổ quốc tế. Nghĩa là gốm Việt Nam, đặc biệt gốm Chu Đậu trên con tàu đắm Cù Lao Chàm, đang sánh vai và thu hút các nhà sưu tập tìm kiếm những tiêu bản đẹp.

Có thể ghi nhận điều ấy qua các trưng bày gốm Việt Nam tại Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Indonesia hoặc ở Pháp, Anh, Đức, Phần Lan, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ và cả ở một số nước châu Mỹ nữa. Để dẫn chứng, ông Nguyễn Văn Quốc - cán bộ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM nêu trường hợp bà Miriam Lambrecht Greeraerts (là quản thủ bộ sưu tập Ấn Độ và Đông Nam Á thuộc Bảo tàng Hoàng gia Bỉ) trong một buổi báo cáo tại Viện Khảo cổ học đã cho biết tại bảo tàng này có một bộ sưu tập gốm Việt Nam do một người Bỉ tên là Clément Huet đã từng ở Việt Nam từ năm 1912 đến năm 1938, làm việc tại Công ty vải sợi Nam Định, đã sưu tập qua các cuộc khai quật mà ông tham gia.

Trong ghi chép của mình, ông Huet đã cho biết năm 1938 ông đưa về Bỉ 7.927 hiện vật, trong đó có 6.027 đồ gốm. Năm 1952, sau khi Huet qua đời, Bảo tàng Hoàng gia Bỉ mua lại một phần bộ sưu tập này gồm 2.850 hiện vật, phần lớn là gốm Việt Nam từ TK 14 trở về trước, xuất xứ và niên đại được ghi lại tương đối rõ ràng.

Một trường hợp khác cũng được ông Nguyễn Văn Quốc thông tin: “Bảo tàng Cernuchi của Pháp cũng có bộ sưu tập gốm Việt Nam được đưa từ Việt Nam về trong những năm 1930 do học giả Viễn đông Bác cổ là Olob Jansé sưu tập còn để trong kho chưa được đưa ra trưng bày. Khi có dịp đến tham quan Bảo tàng Cernuchi (Paris) vào cuối năm 2000, chúng tôi chỉ được nhìn chúng qua hình ảnh, phần lớn là gốm Việt Nam từ TK1 đến 10”.

Thông tin khoa học trên còn nhấn mạnh ngoài những hiện vật gốm thuộc sở hữu cá nhân trước đây mà nay đã là sở hữu của một số bảo tàng lớn, gốm Việt Nam còn có trong một số sưu tập của cá nhân và họ đã tự tổ chức những cuộc triển lãm cũng như in sách để giới thiệu.

“Đó là trường hợp của ông Wlrich. J.Beck, một thành viên của Hội Gốm cổ Indonesia (1977), tuy là người Thụy Sĩ nhưng ông này đã từng sống và làm việc lâu năm ở Indonesia (từ 1968). Trong thời gian đó, ông đã bỏ ra một số tiền lớn để mua lại 350 hiện vật gốm Việt Nam từ những người buôn đồ cổ ở Singapore, từ cuộc khai quật gốm Việt Nam ở đảo Sulaweisi, đảo Calimantan (Indo) - miền Đông Java. Sưu tập gốm Việt Nam nói trên có niên đại từ TK 15 đến TK 16. Số hiện vật này đã được ông trưng bày tại Thụy Sĩ sau 10 năm (1968 - 1978) sưu tập. Đặc biệt, ông đã xuất bản một quyển sách giới thiệu sưu tập gốm Việt Nam của ông với loại hình đa dạng như: đĩa, hũ có nắp, bình pha mực hình thú, con xúc xắc, mặt nạ, hạt chuỗi... gồm hai loại men chủ yếu là men ngọc và men xanh trắng”.

Sự dày công và kiên trì của ông Wlrich.J.Beck cho thấy gốm Việt Nam đã có một sức hút mãnh liệt đối với các nhà nghiên cứu và sưu tầm đồ cổ để có được “một chút gì để nhớ” trong các sưu tập cá nhân của họ.

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.