Cổ vật quý giữa Sài Gòn

08/04/2014 09:00 GMT+7

Sáng 7.4, tại Bảo tàng cổ vật tư nhân thuộc Công ty CP đầu tư Miền Nam, những chuyên gia hàng đầu về khảo cổ học của TP.HCM đã tiến hành giám định nhiều hạng mục và phát hiện được nhiều cổ vật quý thuộc diện “độc bản”.

 3 kendy có xuất xứ từ Nhật Bản, chiếc gần nhất còn dính vỏ sò - Ảnh: H.Đ.N
3 kendy có xuất xứ từ Nhật Bản, chiếc gần nhất còn dính vỏ sò - Ảnh: H.Đ.N

Đồ ngự dụng

Những chuyên gia gồm: Phó GS khảo cổ học Lê Xuân Diệm, Phó GS-TS khảo cổ học Đặng Văn Thắng, TS khảo cổ học Phạm Hữu Công và thạc sĩ dân tộc học Trần Thị Thanh Đào… Họ đã đặc biệt chú ý tới một bát nhang gốm men lam loại lớn (cao 33 cm, đường kính 35,5 cm). Thân bát vẽ hình “lưỡng long chầu nguyệt” phía trên có hồi văn, chân bát trang trí hình thủy ba. Điều đáng nói là chân rồng có đến 5 móng (tức là đồ ngự dụng, chỉ dành cho vua). Dưới trôn bát có 3 chữ Hán đã mờ nhưng còn đọc được chữ đầu và chữ cuối là “Cung (…) Thọ”, được xác định là đồ dùng từ trong một cung của vua Tự Đức (trị vì 1847 - 1883).

Bên cạnh đó là một chiếc bệ bằng đồng chạm hình con thú mình lân đầu rồng (thế kỷ 18 - 19). Nhiều ý kiến cho rằng chiếc bệ này là một bên của chiếc ghế ngồi (ngai) của những vị quan đầu triều, căn cứ vào hình tượng con lân đầu rồng.

Bề thế hơn cả là chiếc đỉnh đồng do vua Thành Thái (tại vị 1889 - 1907) đặt xưởng đúc Thành Lễ (ở Bình Dương) đúc tặng Hội Ái hữu Hoa kiều Chợ Lớn (cao 72 cm, đường kính 40 cm). Mép và thành đỉnh được đúc rất dày (3 cm - bây giờ không còn kiểu đúc đồng như thế), đỉnh có 3 chân khum ở cổ chân như kiểu dáng đời nhà Thương, nhà Hạ (Trung Quốc). Đứng bên cạnh chiếc đỉnh đồng này là một bát nhang bằng đất nung cũng lớn không kém (cao 39 cm, đường kính 30 cm, mép dày 2 cm). Tuy làm bằng đất nung nhưng thân bát có khắc chạm đầy đủ 8 quẻ Bát Quái (Càn, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn). 

Cổ vật Nhật Bản và Chăm, Phù Nam

Các chuyên gia còn đặc biệt chú ý đến các cổ vật có xuất xứ từ Nhật Bản (rất hiếm xuất hiện ở Việt Nam), trong đó có 3  kendy (bình để uống rượu nhưng thay vì có vòi thì vị trí ấy là một bầu tròn có núm thủng lỗ, như bầu vú phụ nữ). 2 kendy bằng gốm men (thế kỷ 17) trang trí hoa lá, chim phụng rất đẹp đi kèm với hai chiếc bát men ngọc màu xanh (thế kỷ 15 - 17) rất “xứng đôi”. Đặc biệt chiếc kendy còn lại có niên đại lâu hơn rất nhiều, được vớt từ lòng đại dương còn bám những vỏ sò, hàu. Có ý kiến cho rằng chiếc kendy này được làm từ bùn nham thạch núi lửa và nung ở nhiệt độ rất cao cho nên cầm rất nhẹ và rất bền. Đây là quà tặng của một yếu nhân xứ Phù Tang…

 Tượng heo bằng đồng
Tượng heo bằng đồng - Ảnh: H.Đ.N

Ngoài ra còn có 3 kendy bằng đất nung có kích thước lớn hơn, được tìm thấy ở miền Đông Nam bộ, thuộc văn hóa Phù Nam (thế kỷ 14 - 15). Trong đó có một chiếc được vớt từ đáy sông Đồng Nai, do ngâm nước lâu ngày, lớp đất nung đã “lên màu” lạ và rất đẹp. Trong nhóm hiện vật thuộc văn hóa Phù Nam còn có 2 tượng thần Harihara (biểu tượng kết hợp giữa thần Siva và thần Visnu) thuộc thế kỷ 7 - 9. Một tượng đã gãy mất 1 tay và phần bệ tượng, tượng kia cũng đã cụt đầu và chân…

Trong số các hiện vật chất liệu đồng (hoặc kim loại), có rất nhiều tẩu hút thuốc mà các chuyên gia cho rằng hiếm gặp. Các tẩu thuốc được xác định là ở thời kỳ Chăm Thượng, thuộc thế kỷ 17 - 18. Đó là phần đầu của chiếc tẩu có hình chữ L nằm ngang, gồm vố để nhồi thuốc và phần đuôi (ống tẩu) sẽ được gắn thêm khúc đọt tre dài để ngậm. Ngoài ra còn có những vòng xoắn ốc bằng kim loại (đàn hồi như lò xo) để các chiến binh xỏ vào cổ tay nhằm bảo vệ tay khỏi bị thương khi giao chiến bằng gươm giáo (thế kỷ 14 - 15). Ngoài ra còn một tượng thú bằng đồng (giống con heo) cao 9,5 cm; dài 18,5 cm; bề ngang 6 cm - các nhà chuyên môn chưa xác định được niên đại nhưng chắc chắn đây là một trong những tượng thú cổ đẹp nhất ở nước ta.

TS Phạm Hữu Công - Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cho biết: “Hôm nay các chuyên gia chỉ giám định khoảng 100 hiện vật và  hầu hết là hiện vật gốc, rất tốt và rất có giá trị”.

Độc  đáo

Trong các cổ vật có lẽ 2 pho tượng Phật đứng theo phong cách Ấn Độ bằng đá sa thạch (thế kỷ thứ 7), cao 32 cm, rộng 13 cm là độc đáo nhất. Cả hai pho tượng đều đã mất tay và phần chân, cách thể hiện cũng khá lạ bởi có áo choàng và một chiếc đai vòng qua hai khuỷu chân. Chủ nhân bảo tàng cho biết các ngư dân đã đến một nơi hoang vu thuộc đảo Thổ Chu (Kiên Giang). Họ phát hiện một hang động, đi sâu vào trong thấy có những bệ thờ sơ sài bằng đá ong, họ đào bới và bắt gặp cặp tượng Phật này cùng với 6 viên đá mã não hình quả trám, đã được mài bóng rất đẹp. Ở giữa các viên đá có dùi lỗ để xỏ dây qua (như xâu chuỗi). Tuy nhiên cũng chưa biết được công dụng thực sự của những viên đá này.

Hà Đình Nguyên

 >> Cổ vật quý tại lăng vua Tự Đức bị mất trộm
 >> Trưng bày hơn 1.000 cổ vật quý
 >> Bảo tàng tại Huế trưng bày nhiều cổ vật quý hiếm
 >> Chiêm ngưỡng cổ vật quý lần đầu công bố tại Bảo tàng Nam Định
 >> Phát hiện hàng ngàn cổ vật quý

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.