Cổ vật kỳ sự: Hoàng bào lưu lạc

29/08/2016 10:15 GMT+7

Trong quá trình sưu tầm cổ vật, anh Nguyễn Hữu Hoàng (xã Phú Thượng, H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) đã may mắn 'lạc' vào vùng đất của đồng bào dân tộc ở miền núi phía tây tỉnh Quảng Trị, nơi lưu giữ hàng trăm bộ trang phục cung đình thời Nguyễn.

Cơ duyên khiến anh Nguyễn Hữu Hoàng đến với công việc sưu tập trang phục cung đình triều Nguyễn cũng thật kỳ lạ. Một lần ra vùng Cùa (tỉnh Quảng Trị) để tìm mua cổ vật của đồng bào dân tộc như chum, ché…, anh tình cờ tìm thấy một chiếc áo đã phai màu có 20 hình rồng 5 móng được thêu nổi mặt trước, sau, trên cánh tay và cổ áo; phía trước ngực có chữ thọ. Với kinh nghiệm của mình, anh biết đó là hoàng bào của vua nhà Nguyễn. Sau nhiều lần lên thuyết phục người chủ chiếc áo, anh đã mua được.
Mua cả đàn bò đổi… áo cũ
Sau đó, thông tin về những gia đình đồng bào dân tộc có lưu giữ trang phục cung đình được các cộng tác viên của anh liên tục báo về. Cứ nghe báo tin là anh lại lặn lội lên miền núi. Có những hộ ở sâu trong rừng, nhà cửa tuềnh toàng, nhưng không ngờ trên giàn bếp của họ lại cất giữ những bộ trang phục cung đình thời Nguyễn. “Có những chiếc áo còn nguyên, nhưng cũng có nhiều chiếc bị đồng bào dân tộc cắt sửa để mặc trong các dịp tế trời, tế đất, mình xem mà tiếc đứt ruột!”, anh Hoàng nhớ lại.
“Không phải dễ dàng mua được một chiếc áo cũ, bởi đồng bào dân tộc giữ những bảo vật này làm của và họ quý nó hơn tiền. Có lần mình phát hiện một gia đình lưu giữ chiếc áo đại quan, nhưng thuyết phục mãi họ vẫn không chịu bán. Cuối cùng, mình phải mua 5 con bò để đổi chiếc áo. Sau khi thỏa thuận xong, người chủ gia đình nói “anh phải ở lại đây, tối nay tôi nằm ngủ mà không có mơ gì cả thì mai anh đem về, còn nếu thần linh không cho phép thì tôi trả lại bò cho anh”. May mắn là sáng hôm sau mình đã đem được áo về”, anh Hoàng kể.
Lại có chiếc hoàng bào anh Hoàng phải sang tận Lào thuyết phục người giữ áo rằng đây là áo vua, ai không phải vua mà giữ áo thì sẽ có điềm không hay, nên hãy bán cho anh để anh đem về Huế, là nơi xuất xứ của chiếc áo để tránh điềm dữ. Lần ấy, để mua được chiếc áo anh đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng.
Sau những thành quả ban đầu này, anh đã bỏ công lặn lội khắp các vùng đồng bào dân tộc và bất ngờ phát hiện hàng trăm bộ trang phục cung đình triều Nguyễn từ quan phục, thường phục… cho đến hoàng bào được đồng bào các dân tộc ở vùng núi ở miền tây Quảng Trị, gồm các huyện Hướng Hóa, Khe Sanh và một số bản làng dân tộc Lào gần biên giới Quảng Trị, còn lưu giữ.
Có một chiếc hoàng bào đã khiến anh liên tưởng đến cuộc bôn tẩu của vua Hàm Nghi trong biến cố thất thủ kinh đô (1885). Chiếc áo chỉ dài 1,07 m, vừa cho người 15 - 16 tuổi mặc, trùng khớp với độ tuổi vua Hàm Nghi khi người bôn tẩu ra đây.
“Có thể trong cuộc bôn tẩu này, do gặp khó khăn nên nhà vua và tùy tùng đã phải lấy trang phục của mình đổi lương thực, phương tiện di chuyển, hoặc vua và quan binh nhận được sự giúp đỡ của đồng bào các dân tộc miền Tây nên đã tặng trang phục, tài sản mang theo như một sự tri ân. Cần có nghiên cứu sâu hơn mới có câu trả lời”, anh Hoàng nói.
Hoàng bào thêm một lần rời huế
Anh Nguyễn Hữu Hoàng từng sở hữu hàng trăm bộ trang phục cung đình triều Nguyễn. Năm 2012, nhân Festival Huế, anh đã phối hợp với Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức trưng bày 12 bộ trang phục triều Nguyễn tại Tả Vu (Đại Nội - Huế), thu hút đông đảo du khách và những nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử.
Điều đáng tiếc là hàng trăm bộ trang phục cung đình được anh Hoàng sưu tập sau đó đã lần lượt rời Huế. “Mình rất muốn giữ, nhưng không có điều kiện bảo quản. Ở Huế nắng thì gay gắt, mưa thì ẩm mốc. Mình không thể giữ được những bộ trang phục quý này, nên đành phải bán đi”, anh Hoàng chia sẻ.
Anh Hoàng cho biết, sau lần triển lãm ở Festival Huế năm 2012, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế rất thích mua lại những trang phục cung đình mà anh sưu tầm. Anh Hoàng đã mang gần 50 bộ trang phục và chào giá với Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế 3 tỉ đồng. Do vướng cơ chế (trung tâm chỉ được phép mua cổ vật từ 200 triệu đồng trở xuống) nên đã không thể mua được. Và ngay trong năm đó, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đã ra mua lại.
Nhà nghiên cứu Trịnh Bách cũng đã mua lại của anh Hoàng gần 50 bộ trang phục cung đình triều Nguyễn, ngoài ra một cá nhân khác ở TP.HCM mua của anh gần 10 bộ. Hiện tại anh chỉ còn giữ khoảng 20 bộ và anh vẫn còn tiếp tục lên miền núi phía tây Quảng Trị để lùng mua trang phục cung đình triều Nguyễn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.