Cổ vật Đông Nam Á “sống lại” - Kỳ 2: Tượng Phật Lào

22/05/2012 03:38 GMT+7

Trong số 19 cổ vật của Lào đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử (TP.HCM) có đến 16 tượng Phật, chiếm tỷ lệ cao nhất về số lượng cổ vật đề tài văn hóa Phật giáo so với các nước khác.

>> Kỳ 1: Cổ vật Đông Nam Á “sống lại”

Phần lớn các tượng Phật trên đều chế tác hoặc điêu khắc trong tư thế ngồi, tay trái để ngửa, tay phải đặt trên đầu gối phải, với các ngón tay chạm tới mặt đất. Đó là ấn Địa xúc (chạm đất) được Phật sử dụng sau khi đánh thắng Ác Ma Vương (Ác Ma Thiên) dưới cội Bồ Đề.

 Cổ vật Đông Nam Á “sống lại” - Kỳ 2: Tượng Phật Lào 1
Tượng Phật thế kỷ 17-18

Ở Lào hàng ngàn pho tượng Phật tạc bằng nhiều chất liệu như gỗ, đá, hoặc cả bằng vàng ròng, đều cất giữ trong những hang động Pak Ou kỳ bí, có pho cao lớn tới 2 m, nhỏ thì vài centimet. Trước kia hằng năm nhà vua và Hoàng gia Lào thường đến cử hành lễ thắp nến tại các hang Pak Ou thiêng liêng ấy và chiêm bái các tượng Phật trong thánh địa này.

 Cổ vật Đông Nam Á “sống lại” - Kỳ 2: Tượng Phật Lào 2
Chuông đồng của Lào thế kỷ 20 

Trong bộ sách Đối thoại với các nền văn hóa do NXB Trẻ ấn hành, cuốn về nước Lào, đã ghi nhận ở Lào tượng Phật ít bị phá hoại bởi các cuộc chiến triền miên vì “không giống như các phế liệu chiến tranh, người Lào không bao giờ nấu chảy các tượng Phật dù làm bằng vàng hay bằng đồng. Các tượng Phật chất đầy trên các ngôi chùa, tu viện, các hang động thiêng liêng, được dựng dọc đường đi, trên đỉnh đồi, hoặc xếp thành hàng ở phía ngoài những sảnh điện của các ngôi chùa”. Những tượng đó chế tác theo phong thái “tứ oai nghi” (tức 4 tư thế chính) là đi, đứng, nằm, ngồi và biến hóa chi tiết các động tác để thành 40 tư thế được gọi chung là các “Mudra”. Một số Mudra phổ biến trong mỹ thuật tạo hình của Lào do Trịnh Huy Hóa nêu lên trong bộ sách trên, gồm:

 Cổ vật Đông Nam Á “sống lại” - Kỳ 2: Tượng Phật Lào 3
Tượng Phật thế kỷ 17 - 18

1. Bhumisparca Mudra cũng gọi là “chạm đất” hoặc “gọi thổ địa chứng kiến”. Tư thế này mô tả sự giác ngộ và chiến thắng quỷ vương Mara.

2. Chiêu Vũ Phật (Phật gọi mưa): trong tư thế này Đức Phật đang đứng với hai tay xuôi chỉ xuống đất, tượng loại này ít thấy ở đâu khác ngoài nước Lào.

3. Dhyana Mudra (đại định) một hình tượng rất phổ biến, thể hiện Đức Phật đang ngồi thiền định, hai bàn tay đặt trong lòng, lưng bàn tay mở ra và ngửa lên trên.

4. Abhaya Mudra (hộ trì hoặc vô úy) được tạc với bàn tay phải của Phật giơ lên trước ngực như đang đẩy lùi tà kiến và các thế lực vô minh. Như thế, bộ sưu tập tượng Phật của Lào chế tác đang trưng bày nằm trong tư thế bắt ấn Địa xúc Bhumisparca Mudra.

Công chúng và những nhà nghiên cứu đến xem bộ sưu tập tượng Phật của Lào đã đồng thời có dịp nhắc đến những nét tổng quát liên quan đến nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (trước đây gọi là Ai Lao) vốn là quốc gia không có bờ biển, diện tích 236.800 km2, dân số tính đến 2011 có hơn 7 triệu người, thủ đô Viêng Chăn, đơn vị tiền tệ là kíp, di tích văn hóa nổi tiếng thế giới là Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng.

Niên đại, chất liệu và chi tiết của 19 cổ vật Lào đang trưng bày

* Thế kỷ 17-18: 4 tượng Phật trong đó có 3 tượng bằng đồng và 1 tượng cao nhất 22 cm còn nguyên trong tư thế ngồi bán kiết già.

* Thế kỷ 19: 1 tượng Phật bằng đồng cao 35 cm, bệ 19x13,5 cm và 2 tượng Phật bằng gỗ sơn son thếp vàng. Một tượng cao 33,2 cm đứng trên bệ. Một tượng cao 30 cm ngồi trên rắn thần Naga. Một bức tranh khắc gỗ hình Đức Phật ngồi tòa sen, tay cầm cành sen, cao 124,5 cm, rộng 35,5 cm - dày 4 cm. Cả 4 cổ vật trên do Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) đưa vào trưng bày.

* Hai chiếc bình dạng tròn, có 3 bầu, chân loe bằng gốm men đen. Một chiếc cao 23 cm, đường kính miệng 5 cm, chiếc còn lại cao 30 cm, đường kính miệng 6,5 cm.

Giao Hưởng


 >> Hiến tặng bức sắc phong cổ cho bảo tàng
>> Bí ẩn 4 pho tượng lạ ở Cà Mau
>> Trưng bày cổ vật các nước Đông Nam Á

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.