Có nên chấp thuận hoa hậu phẫu thuật thẩm mỹ?

23/06/2016 14:39 GMT+7

Bà Thúy Nga, Giám đốc Elite Việt Nam cho biết bà nghe nhiều lần cụm từ đẹp thuần Việt mà cũng chưa hiểu về nó.

Chỉ riêng trong năm 2016, Việt Nam có tới 3 cuộc thi người đẹp mang tính toàn quốc và toàn cầu. Trong đó, cuộc thi Hoa khôi Áo dài cũng vừa có kết quả. Những người được giải cũng đang trong cuộc đào tạo mới để tiếp tục đi thi Miss International sẽ được tổ chức tại Nhật Bản vào tháng 10, Miss World diễn ra tại Washington DC (Mỹ) vào tháng 11 và Miss Grand International tại Las Vegas (Mỹ) vào tháng 12. Con đường kết nối giữa các cuộc thi trong nước và quốc tế cũng khá đều đặn.
“Cách đây 10 năm về trước, Việt Nam luôn đi ngược lại với thế giới: ví dụ ở nước ngoài làm người mẫu có danh rồi mới thi hoa hậu, thì Việt Nam thi hoa hậu kiếm danh hiệu để làm người mẫu”, “huấn luyện viên” hoa hậu Donald Nguyễn cho biết.
Tuy nhiên, theo ông, kể từ khi có sự ra đời của Hoa khôi Áo dài  Việt Nam và trở lại của Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam thì các nhà tổ chức đã bắt đầu đi theo quỹ đạo chung của thế giới. Điều đó thể hiện rõ khi top 3 của cuộc thi Hoa khôi Áo dài này đều làm người mẫu trước khi dự thi, hay các thí sinh Việt Nam như Lan Khuê, Phạm Hương, Lệ Quyên, Khả Trang đều được đánh giá trong top trình diễn xuất sắc nhất.
Không chỉ hình thể, kỹ năng trình diễn của hoa hậu gần với các cuộc thi quốc tế hơn, khuôn mặt của các hoa hậu mới được chọn cũng khác trước. “Ngày xưa hoa hậu Việt Nam luôn mang vẻ mặt hiền lành, phúc hậu, bầu bĩnh, kiểu như Nguyễn Thị Huyền, còn ngày nay, vẻ đẹp hiện đại, cá tính, sắc cạnh như Lan Khuê, Phạm Hương, Lệ Quyên, Khả Trang đều thu hút được sự quan tâm, chú ý của quốc tế”, huấn luyện viên này cho biết.
Giữ màu da, nhưng nên được tiểu phẫu
Bà Thúy Nga, Giám đốc Elite Việt Nam cho rằng, khi xác định hội nhập, tức là đưa thí sinh đến với đấu trường quốc tế, nên theo tiêu chí quốc tế. Họ đề cao những gì, tiêu chí là gì thì định hướng thí sinh theo tiêu chí đó mới có thể tạo dấu ấn và thành công. “Thí sinh của chúng ta mỗi người đều có vẻ đẹp riêng, dù trắng hay ngăm đen, dù tròn trịa hay mình xương, dù mặt tròn hay gò má cao, ai cũng có vẻ đẹp riêng biệt. Quan trọng nhất là tri thức, bản lĩnh, kỹ năng cùng với vẻ đẹp của các em sẽ là đại diện cho vẻ đẹp Việt trên sân khấu thế giới”, bà nói.
Chính vì thế, bà Nga luôn khuyên các thí sinh giữ làn da thật của mình. “Nếu các em ngăm đen thì không nên tắm trắng vì các em có tắm trắng cách nào cũng không thể so được với làn da trắng thật sự của các thí sinh đến từ châu Âu, Bắc Mỹ hay Bắc Á. Chưa có cuộc thi sắc đẹp nào trên thế giới lại chấm thí sinh theo tiêu chí da đen hay da trắng. Vì vậy, da trắng, hay ngăm đen không quan trọng, mà quan trọng nhất các em phải làm sao có được làn da láng mịn, bóng và khoẻ mạnh, điều đó được Ban Giám khảo đánh giá cao hơn”, bà nói.
Về khái niệm “đẹp thuần Việt”, bà Nga cho biết: “Từ lâu tôi nghe rất nhiều lần câu “đẹp thuần Việt”. Nhưng chưa ai giải thích thế nào là đẹp thuần Việt và bản thân tôi cũng không hiểu thế nào là đẹp thuần Việt. Theo tôi sắc đẹp thì không có giới hạn và có muôn vàn hình thức”.
Hiện tại, theo quy định của pháp luật Việt Nam, thí sinh thi hoa hậu phải là thí sinh có vẻ đẹp tự nhiên. Điều này cũng được giải thích trong thông tư, đó là người chưa thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Trong khi đó, nhiều cuộc thi sắc đẹp, người mẫu trên thế giới lại chấp nhận điều đó.
Về điều này, theo bà Nga: “Trên thực tế ở nhiều nước không cấm thí sinh thẩm mỹ, tuy nhiên cũng không thể nói các nước đó không cấm sao ở Việt Nam lại cấm vì mỗi nước có văn hoá, phong tục riêng. Vì vậy để áp dụng theo thể giới thì chúng ta cũng cần nghiên cứu và có thời gian thử nghiệm. Chúng tôi luôn tuân thủ mọi quy định của pháp luật cũng như của Bộ VH-TT-DL, tuy nhiên nếu được, tôi cũng mong các cơ quan quản lý xem xét và có thể thử nghiệm cho phép thí sinh được làm tiểu phẫu như nâng mũi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.