Có gì trong 'Roma', bộ phim đã khiến LHP Venice phải 'phá lệ'?

10/09/2018 09:48 GMT+7

Các tác phẩm điện ảnh xuất thân từ Netflix thường bị 'ghẻ lạnh' khi góp mặt tại các sự kiện điện ảnh quốc tế. Thế nhưng, LHP Venice đã thể hiện tầm nhìn cởi mở bằng cách trao giải thưởng cao quý nhất cho Roma của Alfonso Cuarón.

Xuất thân từ Netflix - thuận lợi hay khó khăn?
Roma có số phận khá long đong khi bị ban tổ chức LHP Cannes "cấm cửa" vào tháng 5 vừa qua. Vì không tuân thủ quy định chiếu rạp, Netflix buộc phải rút sản phẩm của mình khỏi sự kiện điện ảnh được tổ chức tại Pháp. Kẹt trong cuộc tranh cãi dữ dội giữa hai bên, bộ phim mới của Alfonso Cuarón gần như không được ai đoái hoài đến. Cánh cửa này khép lại, cánh cửa khác lại mở ra, các LHP uy tín như Venice, Toronto và Telluride nhanh chóng chào đón đứa con tinh thần từ màn "song kiếm hợp bích" giữa đạo diễn từng đoạt giải Oscar và "đế chế" phát hành trực tuyến lớn nhất hiện nay. Và Roma không hề phụ lòng sự chờ đợi của giới mộ điệu khi "ẵm" luôn giải Sư tử vàng danh giá. Giải thưởng này có ý nghĩa rất lớn, bởi đó là cũng là bước đầu để Netflix thâm nhập sâu vào thị trường điện ảnh màu mỡ và khẳng định thương hiệu dưới tư cách nhà sản xuất điện ảnh. 
''Về đội'' Netflix là một lựa chọn có chủ đích của Alfonso Cuarón Ảnh: Getty Images
 
Phát biểu trên Los Angeles Times, Alfonso Cuarón đề cập đến quyết định "đầu quân" cho Netflix của mình. Đạo diễn người Mexico cho rằng: "Phải nghĩ đến sự trường tồn của bộ phim mình làm ra trước đã. Chiếu rạp là cách tốt nhất để người ta xem phim của bạn, nhưng bạn cũng phải xét đến việc bộ phim sẽ "sống" được bao lâu, trong hình thức nào. Lần cuối mà bạn được xem một bộ phim của Bresson là từ bao giờ? Hiện thực mà chúng ta đang sống là thế. Dĩ nhiên, tôi ủng hộ màn bạc. Phim được làm ra để chiếu trên màn bạc. Nhưng tôi cũng sẵn sàng ủng hộ những lựa chọn khác".
Cách đây một năm, "ông trùm" trực tuyến cũng từng đưa Okja cùng The Meyerowitz Stories đến tranh giải Cành cọ vàng. Bản thân hành động "lách luật" của Netflix bị phản đối dữ dội, thế nhưng hai bộ phim nọ lại giành được nhiều thiện cảm từ giới phê bình nhờ kịch bản có chiều sâu, được thực hiện bởi những đạo diễn giàu kinh nghiệm.
Anh em nhà Coen có Ballad of Buster Scruggs hợp tác cùng Netflix, cũng được trình chiếu tại LHP Venice vừa qua Ảnh: AFP
Nhờ biết cách chi mạnh tay và sẵn sàng chấp nhận khai thác các đề tài khó nhằn, điều kiện phát hành ngặt nghèo không ngăn cản Netflix trở thành đơn vị sản xuất được nhiều nhà làm phim danh tiếng tìm đến. Bong Joon Ho, Noah Baumbach, anh em nhà Coen hay Angelina Jolie đều là những tên tuổi đã có phim hợp tác cùng Netflix.
Đi từ hồi ức cá nhân đến biến cố lịch sử
Chỉ riêng việc sử dụng màu phim đen trắng và lấy bối cảnh thập niên 1970 tại Mexico, Roma đã thể hiện là một món ăn tinh thần không hề dễ xơi, chỉ những ai chịu khó vượt qua lớp vỏ bọc xù xì ban đầu mới có thể cảm nhận được chất thơ đằng sau những khung hình đơn sắc. Tên phim được đặt theo tên khu phố ở Mexico mà Alfonso Cuarón lớn lên. Nội dung xoay quanh những sự kiện thường nhật diễn ra trong cuộc sống của cô gái trẻ Cleo (Yalitza Aparicio), người giúp việc cho một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu ở thành phố Mexico. Đan xen giữa những câu chuyện về tình yêu, gia đình là biến cố chính trị có tầm ảnh hưởng trong lịch sử Mexico. Bộ phim tái hiện cuộc thảm sát Corpus Christi diễn ra vào năm 1971, khiến gần 120 người thiệt mạng, nhưng sự kiện ấy lại không phải tâm điểm của cả tác phẩm. Cái tài của Cuarón là lồng ghép hai yếu tố đời thường và sử thi một cách nhuần nhuyễn, như cách ông kết hợp những cú máy cận cảnh và toàn cảnh.
Roma không chỉ là câu chuyện về một số phận Ảnh: Netflix
 
Los Angeles Times nhận định Roma "vừa tự nhiên nhưng cũng vừa nên thơ, xử lý một cách tinh tế những vấn đề khó như giai cấp và chủng tộc". Bộ phim lại càng có ý nghĩa khi ra mắt trong thời đại mà dân nhập cư ngày càng gia tăng và làm dấy lên nỗi sợ từ người dân bản địa. Alfonso Cuarón tin rằng: Mọi người sẽ đồng cảm với bộ phim. Chúng ta có nền văn hóa khác nhau, khán giả Mexico sẽ phát hiện nhiều chi tiết hơn nhờ đồng nhất về bối cảnh văn hóa và xung đột chính trị. Thế nhưng sau cùng, tất cả chúng ta đều giống nhau. Con người ở đâu cũng là con người".
Những thước phim trắng đen tăng độ chân thực của khung cảnh Ảnh: Netflix
 
Trang The Guardian phân tích: "Thỉnh thoảng bộ phim giống một quyển tiểu thuyết, rất gần gũi, mật thiết, khiến chúng ta dễ dàng đồng cảm với cuộc sống của gia đình đang diễn ra. Có lúc bộ phim lại phát triển theo lối chương hồi như phim truyền hình dài tập. Cũng có lúc phim vang dội như một tác phẩm sử thi" và cho rằng đây là tác phẩm riêng tư nhất mà Cuarón từng thực hiện. Còn The Hollywood Reporter xem Roma là bộ phim đặt nặng yếu tố tự truyện dù không trực tiếp nói về cuộc đời đạo diễn.
Lại là tác phẩm đến từ Mexico
Chẳng biết tình cờ hay hữu ý, giải Sư tử vàng hai năm liền đều thuộc về các nhà làm phim Mexico. Cả Alfonso Cuarón lẫn Guillermo del Toro đều là những đạo diễn từng đoạt giải Oscar, tạo được dấu ấn nhất định tại Hollywood. Thế nhưng, Roma lại là một sản phẩm điện ảnh rất khác so với The Shape of Water, cũng như Cuarón và del Toro đại diện cho hai phong cách điện ảnh hoàn toàn cách biệt. 
Alfonso Cuarón (phải) và Guillermo del Toro cũng là đôi bạn thân thiết, từng xuất hiện cùng nhau trong nhiều sự kiện điện ảnh Ảnh: AFP
 
Trong khi del Toro theo đuổi dòng phim kỳ ảo, viễn tưởng thì Cuaron miệt mài với những phim thuộc thể loại chính kịch. Vị đạo diễn 56 tuổi lần đầu khiến giới phê bình choáng ngợp với Y Tu Mamá También (2001) trình làng tại LHP Cannes cùng năm. Nhưng mãi đến hơn một thập niên sau, Alfonso Cuarón mới đột phá bằng Gravity (2013), đem về cho ông tượng vàng Oscar ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc. Cả hai bộ phim trên đều do ông chấp bút viết kịch bản, nhưng có khi ông tham gia vào các dự án chuyển thể từ tác phẩm văn học như Great Expectations (1998), Harry Potter and the Prisoner of Azkaban (2004). Sắp tới, vị đạo diễn tài năng hứa hẹn sẽ thực hiện một bộ phim hợp tác với "người dơi" Ben Affleck.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.