Có ai nói về Hoàng Nhuận Cầm mà tim không thắt lại...

21/04/2021 06:39 GMT+7

Khi hay tin nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - bác sĩ Hoa Súng, ra đi vào chiều 20.4, nhiều người cảm thấy tim mình thắt lại.

Trong Nhật ký tuổi hai mươi, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc viết về nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm bạn mình: “Cầm viết được nhiều, quả thực ở nó có tài năng, hay ít ra đó cũng là một khả năng tốt… Mình nhớ, dạo mới đi bộ đội hay gặp Cầm lang thang trong đêm”… Ở thời điểm đó, hẳn ông Thạc đã nhìn thấy cả tư chất thi sĩ, câu chuyện người lính và câu chuyện chàng trai Hà thành rồi sẽ đẫm trong thơ Hoàng Nhuận Cầm.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm qua đời chiều 20.4 tại Hà Nội. Ông sinh năm 1952, là con đầu của nhạc sĩ Hoàng Giác. Hội Nhà văn VN sẽ đứng ra tổ chức tang lễ của Hoàng Nhuận Cầm, thể theo nguyện vọng của gia đình.
Tạm dừng học ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1971 để đi bộ đội rồi lại học tiếp vào 4 năm sau, thơ Hoàng Nhuận Cầm có cảm xúc về những ngày Quảng Trị và chiến tranh. Ông viết trong bài Cỏ cháy: “Và cỏ đã cháy đen/Trong đợt bom nối tiếp/Anh không có thì giờ để tiếc/Cơn lửa ào ào như lốc qua vai”. Còn trong Buổi sáng trên chốt: “Có ai nói về hy sinh, đất nước/Mà tim không thắt lại bao giờ”. Trong đó, có ngợi ca nhưng cảm nhận được nỗi buồn cứ kéo dài mãi, như cứ hoài nhớ về bình yên.
Thơ tình của ông cũng vậy, buồn tha thiết và gợi đến sự thanh khiết của mối tình đầu. “Em thấy không tất cả đã xa rồi/Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ… Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay/Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước/Con ve tiên tri vô tâm báo trước/Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu”...
Cứ như thế, Hoàng Nhuận Cầm có nhiều bài thơ mang chất lính. Ông cũng có nhiều bài thơ tình thu hút người đọc trẻ tuổi. Những tác phẩm như thế gắn với kỷ niệm của tuổi trẻ, tình yêu với một giọng thơ sôi nổi, tha thiết. Các tác phẩm tiêu biểu của ông như: Chiếc lá đầu tiên, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu hiện diện trong không biết bao nhiêu cuốn sổ chép thơ, lưu bút. Thơ ông là ký ức tuổi trẻ của nhiều người.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng bén duyên với điện ảnh, với cả tư cách diễn viên lẫn biên kịch. Với nghệ thuật thứ bảy, ông có Đêm hội Long Trì, Hà Nội mùa đông 1946, Mùi cỏ cháy… Nhưng dường như thơ mới là điều ông gửi gắm nhiều tự sự và lôi cuốn công chúng nhất. Lôi cuốn tự nhiên như người ta không bao giờ có thể hiểu vì sao tình yêu đầu lại đến bất ngờ đến thế và khiến tim run rẩy đến vậy. Ông có nhiều giải thưởng thơ như giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1972 - 1973, giải thưởng Hội Nhà văn năm 1993 với tập thơ Xúc xắc mùa thu. Nhưng có lẽ, chẳng giải thưởng nào cao bằng việc rất nhiều, rất nhiều câu thơ của ông đã được đăng đồng loạt trên Facebook khi tin ông qua đời được công bố.
Hoàng Nhuận Cầm cũng có một tên gọi khác, gắn với thời kỳ làm tiểu phẩm hài trên truyền hình. Ông vào vai bác sĩ Hoa Súng, trả lời độc giả theo cách hỏi cái này lại “quèo” sang cái nọ. Câu trả lời đôi khi hóm hỉnh, đôi lúc lại quá cường điệu. Nhưng nó là một phần khác trong con người Hoàng Nhuận Cầm, buồn đấy và vui đấy, thích trào lộng.
Vĩnh biệt nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, người đã nghe thấy “tiếng chim hót ngay trên nòng đại bác” trong những năm chiến tranh. Nhưng cũng chính ông, trong những tháng năm hậu chiến, đã mang những chiếc lá tới sân trường cho bao tình yêu học trò. Nhớ, ngoảnh lại những ngày thơ ấy, rất nhiều người thấy thắt tim vì lại thấy ông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.