Chuyên thi hát cải lương!

12/06/2012 08:19 GMT+7

Đam mê ca hát, muốn tìm cơ hội đổi đời…, nhiều bạn trẻ không ngừng bỏ thời gian, công sức đầu tư cho các cuộc thi. Họ dần trở thành thí sinh đi thi chuyên nghiệp.

Những năm gần đây, các cuộc thi tuyển chọn giọng ca cải lương được tổ chức quanh năm suốt tháng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Điều đó tạo cơ hội cho nhiều thí sinh đi thi “xuyên Việt”, hết tỉnh này sang tỉnh khác, mùa giải này lại tiếp mùa giải khác.    

Quanh năm khăn gói đi thi

Với những người đi thi chuyên nghiệp, họ tìm kiếm thông tin cuộc thi, sắp xếp thời gian tham dự rất chính xác, không để “kẹt sô”. Nguyễn Phan Hà Tiên, một thí sinh thi chuyên nghiệp có mặt rất sớm ở Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM, xin được thi đầu, lúc 14 giờ. Sau đó, Tiên ra xe ôm, tiến thẳng bến xe khách Mai Linh về Tiền Giang dự thi sơ kết.

Từ quê hương của NSND Nguyễn Thành Châu, Tiên lại lên xe dù tốc hành chạy trong đêm để tham gia giải thưởng ca cổ Cao Văn Lầu. Ba ngày cuối tuần ở 3 địa phương với 3 bài ca cổ khác nhau, chuyện đậu rớt tính sau, Nguyễn Phan Hà Tiên cho biết: “Em đi thi kiểu này quen rồi, tệ lắm cũng vào đến chung kết, có khi lãnh giải tư đồng hạng hoặc bèo lắm cũng khuyến khích. Dứt điểm thi thứ 3 là ra xe về quê để sáng thứ hai đi làm”.

Chuyên thi hát cải lương - Thí sinh Nguyễn Hoàng Hải  - nd 
Thí sinh Nguyễn Hoàng Hải khấn nguyện trước khi ra sân khấu dự thi giải thưởng
Nguyễn Thành Châu lần 4-2012 - Ảnh: Thanh Hiệp

Anh chàng này có nghề chính là sửa xe gắn máy gần chợ Tịnh Biên, An Giang. Mê ca cổ, lại biết chút ngón đàn guitar nên cố nuôi giấc mơ làm nghệ sĩ. Và rồi anh lại trở thành “thợ” thi chuyên nghiệp. “Đỡ hơn hát quán, tôi đi thi ra sân khấu còn được khán giả vỗ tay, có những nghệ sĩ tên tuổi xem mình hát, nhận xét. Đậu rớt không thành vấn đề, sau mỗi mùa có tiền đãi bạn bè vài chầu, rồi sắm đồ mới chờ mùa sau thi tiếp” - Tiên tâm sự.

Nguyễn Chí Luông (Bạc Liêu), người vừa đoạt giải ba đồng hạng tại giải Nguyễn Thành Châu, bộc bạch: “Tôi đang công tác tại Đoàn Nghệ thuật Quân khu 9. Tham dự các cuộc thi để nâng cao tính chuyên nghiệp và là một cách tiếp thị nhanh nhất tiếng hát, hình ảnh của mình qua những vòng thi được truyền hình trực tiếp”. Theo Luông, chính vì chịu khó đi thi mà anh được ban lãnh đạo Đoàn Nghệ thuật Quân khu 9 phát hiện, tuyển vào đoàn cho đến hôm nay.

Nhà báo Phạm Phú Túc, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM, người trong ban tổ chức cuộc thi Bông Lúa Vàng, cho biết: “Nhà tôi ngày trước ở gần đài nên trở thành chỗ trọ của nhiều thí sinh. Các em đi thi chỉ với cái giỏ đệm đựng bộ quần áo đẹp để bước lên sân khấu, còn lại phải mang theo nào gạo, mì gói, nước tương… Tôi không khỏi giật mình vì nhiều lần cứ thấy những gương mặt quen thuộc xin tá túc, hỏi ra mới biết họ tranh tài nhiều lần tại giải Bông Lúa Vàng, từ top 20 vô tới top 10, cao nhất là với tới giải khuyến khích, nhưng vẫn mặn mà với cuộc thi”.

Cũng kiếm được tiền

Đối với những bạn trẻ đam mê ca cải lương thì việc đi thi không chỉ mang đến cơ hội bước chân vào nghề chuyên nghiệp mà nếu được giải, họ còn nhận tiền thưởng. Dù những cuộc thi tuyển chọn giọng ca cải lương có mức thưởng không bằng game show trên truyền hình có đầu tư tiền tỉ từ các nhà tài trợ nhưng vẫn thu hút một lượng đông đảo “sĩ tử” khăn gói đi thi.

NSƯT Phương Quang, người thường xuyên ngồi ghế giám khảo các hội thi tuyển chọn giọng ca cổ các tỉnh ĐBSCL,  chia sẻ: “Nghề đi thi phân 2 loại: thi chạy sô và thi dạo. Thí sinh nào có đẳng cấp,  đụng phải mùa thi thì sắp xếp lịch để chạy sô; còn thí sinh yếu, ít cơ hội thì đi thi dạo. Nghĩa là trong một hội diễn văn nghệ có nhiều thể loại ca múa nhạc, nếu ca cổ chen vào để có khả năng được giải đặc biệt, phần thưởng ít nhất cũng 500.000 đồng hoặc có khi vài triệu đồng cho một lần thi dạo”.

Với những thí sinh thi theo các mùa giải lớn, giải thưởng cũng khá hơn. Họ có thể nhận vài chục triệu đồng nếu đạt giải cao. Vừa rồi, thí sinh Nguyễn Hoàng Hải (Tây Ninh) nhận 4 giải thưởng với số tiền 40 triệu đồng tại giải thưởng Nguyễn Thành Châu lần 4-2012. Những cuộc thi khác như Chuông vàng vọng cổ (HTV), cơ cấu giải thưởng cũng dao động từ 5 - 30 triệu đồng.

Thí sinh chịu khó đi thi, cố gắng đoạt giải, gom hết cũng được một khoản tiền kha khá. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận không nhỏ giới trẻ bỏ công việc ở quê, khăn gói tham dự các cuộc thi hát cải lương được tổ chức khắp các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ.                    

Hẳn nhiên, tiền thưởng cũng cần thiết nhưng phải có niềm đam mê, yêu cải lương mới giúp các thí sinh thi hoài mà vẫn không được giải đủ “dũng khí” tiếp tục đi thi.

Tháng nào cũng có cuộc thi

Trong vòng 10 năm trở lại, các cuộc thi tuyển chọn giọng ca cải lương từ sóng truyền hình cho đến sóng phát thanh được tổ chức theo mô hình cuốn chiếu. 12 cuộc thi gần như xoay vòng 12 tháng, chưa kể đến các giải thưởng tổ chức không định kỳ. Trong đó, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM duy trì đều đặn cuộc thi Tuyển chọn giọng ca cải lương hằng tuần và 2 năm 1 lần với thương hiệu Bông Lúa Vàng. Ngoài ra còn các mùa giải: Chuông vàng vọng cổ (HTV), giải thưởng Nguyễn Thành Châu (Đài PTTH Tiền Giang), giải Mộc quán Nguyễn Trọng Quyền (Cần Thơ), giải NSND Út Trà Ôn (Vĩnh Long), giải Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), giải Tuyển chọn giọng ca cải lương mở rộng của các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh, Đồng Tháp, Hậu Giang…

Theo Thanh Hiệp / Người Lao Động

>> Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc VN
>> Đờn ca tài tử ở Phú Quốc
>> Giờ thứ 9 - Hát giữa yêu thương
>> Cuộc đời Thẩm Thúy Hằng lên phim
>> Hát cho đại gia: Sàn diễn bên bàn nhậu
>> Từ Bến xuân đến Cô láng giềng
>> Những ông bà “bầu” cứng đầu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.