Chuyện huynh đệ tương tàn và sự cố ‘răng cắn lưỡi’ của vua Tự Đức

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
14/04/2021 15:30 GMT+7

Cái chết của Hồng Bảo - con trai trưởng vua Thiệu Trị đến nay vẫn còn để lại nhiều nghi vấn lớn. Sự ngờ vực còn xuất hiện giai thoại bài thơ... “răng cắn lưỡi” ám chỉ anh em vua Tự Đức "huynh đệ tương tàn" vì ngôi báu.

Xung quanh vụ Nguyễn Phúc Hồng Bảo mưu phản vua Tự Đức, theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, trong sách Đại Nam thực lục có ghi chi tiết như sau: “Giáp Dần, Tự Đức năm thứ 7 (1854)… An Phong công là Hồng Bảo mưu khởi nghịch rồi thắt cổ trong nơi giam, con trai, con gái Hồng Bảo và người dự mưu đã chết là Tôn Thất Bật, đều bị tước bỏ tên trong sổ Tôn nhân, viên bị cách chức là Đào Trí Phú, phải tội lăng trì xử tử, các phạm nhân đều bị tịch thu gia sản và bắt cả thân thuộc. Trước đây Hồng Bảo vì không được lập làm vua, nên để lòng mưu phản, toan thông ngầm với người Tây Dương. Việc bị phát giác nhưng vua vẫn ưu đãi, khoan dung cho Hồng Bảo. Đến năm ngoái Hồng Bảo lại sai ngầm thuộc hạ ở phủ là Trần Tuấn Đức thông ước với nước Cao Miên nổi loạn. Kinh lược đại sứ là Nguyễn Tri Phương bắt được Tuấn Đức giải về kinh, tra xét quả là sự thực. Hồng Bảo tự tử ở nơi giam. Vua ra lệnh bắt đổi Bảo là họ Đinh và Bật đổi là họ Phan (đều theo họ mẹ)”.

Chợ Đông Ba xưa

Ảnh: T.L

Câu chuyện này cũng được sách Quốc triều chánh biên toát yếu lược thuật ngắn gọn rằng: “Năm Giáp Dần thứ 7 (1854), Hồng Bảo mưu nghịch tự tử (vì không được lập cho nên mưu nghịch; khi có tội triều đình đổi ra họ Đinh). Con trai, con gái Hồng Bảo và người dự mưu là Tôn Thất Bật đều bị xóa tên trong sổ Tôn thất”.

'Cốt nhục mà sao nỡ dứt tình'

Tuy nhiên, do cái chết của Hồng Bảo quá nhiều mờ ám nên đương thời còn truyền tụng giai thoại về bài thơ “răng cắn lưỡi” của Nguyễn Hàm Ninh được tác giả Trần Đức Anh Sơn kể lại trong cuốn Huế triều Nguyễn - một cái nhìn (Omega và NXB Thế giới ấn hành): “Chuyện kể rằng trong một dịp vua Tự Đức ban yến cho bá quan văn võ, trong lúc đang ăn bỗng dưng nhà vua cắn phải lưỡi của mình. Là một người hay chữ, giỏi ứng biến vua Tự Đức liền bảo với đình thần là ông muốn nhân việc này để mời các quan làm thơ với chủ đề ‘răng cắn lưỡi’. Ai làm thơ hay sẽ được ban thưởng. Dự yến tiệc hôm ấy có một vị quan tên là Nguyễn Hàm Ninh, quê Quảng Bình. Ông xin đọc bài thơ do ông vừa ứng tác, tựa là Xỉ giảo thiệt (Răng cắn lưỡi): Sinh ngã chi sơ nhữ vị sinh/Nhữ sinh chi hậu ngã vi huynh/Nhất đường cộng hưởng trân cam vị/Hà nhẫn tương thương cốt nhục tình (Thuở tớ sinh ra chú chưa sinh/Tớ sinh ra trước tớ là anh/Một nhà chung hưởng bao bùi ngọt/Cốt nhục mà sao nỡ dứt tình)".

Một trong các cửa sơn son ở hậu cung triều đình Huế

Ảnh: CHARLES-ÉDOUARD HOCQUARD

Từ bài thơ ứng tác trên, nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn phân tích: “Bài thơ quả đúng là miêu tả chuyện răng và lưỡi: lưỡi có trước răng, ắt lưỡi phải là anh và răng phải là em. Cùng nằm ở trong miệng, lẽ ra lưỡi và răng cùng nhau hưởng miếng ngọt bùi. Ai dè răng lại cắn lưỡi. Song thực ra Nguyễn Hàm Ninh muốn mượn chuyện ‘răng cắn lưỡi’ để chê trách việc Tự Đức là em đã giành ngôi báu của anh, lại còn hại chết anh trai của mình”.
Vì vậy, vua Tự Đức sau khi nghe xong bài thơ dù có khen “thơ của ngươi tuy hay nhưng giọng điệu xúc xiểm. Ta thưởng cho ngươi 5 lạng bạc nhưng cũng phạt ngươi 3 roi. Nói đoạn sai người mang 5 lạng bạc ban thưởng cho Nguyễn Hàm Ninh, rồi nọc ông ra giữa sân đánh 3 roi” (sách đã dẫn của Trần Đức Anh Sơn, trang 593).
Sau khi Hồng Bảo mất thì năm 1866 xảy ra vụ chính biến mà sử sách vẫn gọi là “loạn Chày vôi” do Đoàn Hữu Trưng - con rể của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, liên kết với hữu quân Tôn Thất Cúc  - một người hoàng phái nắm giữ một phần quân đội triều đình lãnh đạo dân binh, đang xây dựng Vạn niên cơ tuyên bố phế truất vua Tự Đức bất thành, từ đây tình cốt nhục của nhà Hồng Bảo - Hồng Nhậm (vua Tự Đức) lại càng thêm… tan nát. (Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.