Chuyến hành hương về đất tổ cải lương

Tố Tâm
Tố Tâm
30/03/2018 16:57 GMT+7

Là một trong 4 diễn viên thể hiện vai chính trong vở Thầy Ba Đợi, nghệ sĩ Quang Khải đã dành cho Thanh Niên những chia sẻ chân tình về sự nghiệp và vai diễn đặc biệt này.

Vở cải lương Thầy Ba Đợi (tác giả kịch bản: PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt - Phạm Văn Đằng, đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên - Lê Trung Thảo) đang được Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang dàn dựng, chuẩn bị cho hoạt động kỷ niệm 100 năm cải lương. Vở có sự tham gia của hơn 50 nghệ sĩ hai miền thuộc nhiều thế hệ như: NSND Vương Hà, NSƯT Nguyễn Xuân Vinh, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Hùng Minh, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Quế Trân, Trần Quang Khải, Võ Minh Lâm… Vở sẽ diễn 2 suất vào ngày 28 và 29.4 tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM), dự kiến sẽ được truyền hình trực tiếp.
Nghệ sĩ Quang Khải (Nhà hát Cải lương Việt Nam) là 1 trong 4 diễn viên sẽ đóng vai chính, thể hiện giai đoạn ông Ba Đợi mới từ Huế vào Nam… Anh và các nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Việt Nam đã có những buổi tập đầu tiên cùng các bạn diễn trong Nam tại TP.HCM.
Về với cội nguồn cải lương
* Trong lần vào Nam biểu diễn này, anh có cảm xúc đặc biệt gì không?
- Nghệ sĩ cải lương Quang Khải: Chuyến vào Nam lần này là một chuyến đi về cội nguồn của những nghệ sĩ hoạt động sân khấu cải lương phía Bắc; được giao lưu gần gũi, học tập các cô chú, anh chị em nghệ sĩ nơi cái gốc của nghệ thuật sân khấu cải lương. Đó là trải nghiệm hết sức thú vị và là một kỷ niệm không thể nào quên. Tôi xem đây như là một chuyến hành hương về đất tổ ngành sân khấu cải lương!
Nghệ sĩ Quang Khải (thứ hai từ trái sang) và các đạo diễn, nghệ sĩ hai miền tại sàn tập ẢNH: NVCC
* Anh nhận thấy hoạt động cải lương trong Nam thế nào?
- Tôi cũng mới vừa vào một thời gian ngắn nên chưa hiểu rõ hoạt động cải lương trong này. Tuy nhiên, cảm nhận chung là thấy anh chị em nghệ sĩ hoạt động các show biểu diễn hết sức sôi động.
* Phong cách cải lương hai miền có những khác biệt riêng, việc kết hợp với bạn diễn trong Nam có gây khó khăn gì cho anh không ?
- Tôi nghĩ đó sẽ là một trải nghiệm hết sức thú vị khi được học tập lẫn nhau.
‘Tôi chọn cải lương và cải lương cũng chọn tôi’
* Vì sao trước đây anh lại chọn theo sự nghiệp hát cải lương? Cải lương chọn anh hay anh chọn cải lương?
- Cả hai. Từ bé tôi đã yêu mến nghệ thuật sân khấu cải lương. Lớn lên sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi đã chọn thi vào khoa Kịch hát dân tộc Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội, chuyên ngành Diễn viên cải lương. Và hôm nay, khi tôi có mặt trong chương trình kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương và được may mắn nhận vai diễn Thầy Ba Đợi thì thiết nghĩ, cải lương cũng đã chọn tôi.
* Anh tiếp xúc với cải lương đầu tiên từ khi nào?
- Từ bé tôi đã có may mắn được xem các bác, các cô chú đoàn cải lương Bông Sen Trắng (Nghệ An) và các nghệ sĩ phía Nam về quê mình biểu diễn, như vở Mùa tôm, Gánh cỏ sông Hàn…
* Cải lương phổ biến trong Nam hơn và do đặc điểm phương ngữ, người miền Nam sẽ dễ hát cải lương nghe “mùi” hơn. Vậy khi chọn gắn bó với cải lương, anh có gặp khó khăn gì không?
- Theo tôi, cái khó lớn nhất là bản thân có đam mê và dành tâm huyết cũng như trí tuệ cho nó hay không. Và quan trọng hơn nữa là năng khiếu bẩm sinh. Nếu có được những điều đó thì dù khó đến mấy cũng sẽ vượt qua!
* Điều gì ở cải lương cuốn hút anh nhất?
- Trữ tình, tha thiết trong cảm xúc.
Hạnh phúc khi được đóng vai Thầy Ba Đợi
*Đã đảm nhận nhiều vai chính, đặc biệt trong đó có nhiều nhân vật lịch sử quan trọng, đến nay, anh thấy yêu thích vai nào nhất?
- Mỗi nhân vật là một trải nghiệm thú vị. Trong đó, có những nhân vật tôi rất thích như chàng Ba trong Chuyện tình Khâu Vai, Mai Thúc Loan trong vở Mai Hắc Đế, Phật hoàng Trần Nhân Tông trong vở Vua Phật, nhà cách mạng Phan Đăng Lưu trong vở Hừng đông
Nghệ sĩ Quang Khải và NSƯT Quế Trân thể hiện hai vai chính trong vở Thầy Ba Đợi ẢNH: TỐ TÂM
* Thầy Ba Đợi là một nhân vật đặc biệt vì ông đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành nghệ thuật Đờn ca tài tử, tiền đề cho sự phát triển sân khấu cải lương. Anh có cảm nhận gì khi là 1 trong 4 diễn viên sẽ thể hiện vai chính trong vở?
- Là một nghệ sĩ, khi được nhận vai diễn Thầy Ba Đợi là một hạnh phúc và một trải nghiệm nghề nghiệp hết sức thú vị. Tôi tự hào khi mình được là một thành viên, góp phần công sức nhỏ bé trong một tác phẩm nói riêng và trong sự kiện trọng đại mang tính nghề nghiệp, kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.