Chuyên gia quốc tế 'mổ xẻ' thời trang Việt

06/07/2016 06:28 GMT+7

Tại Đại học RMIT (TP.HCM) trong 3 ngày 5 - 7.7 diễn ra Hội thảo thời trang (Fashion Colloquia), quy tụ các chuyên gia, giáo sư thời trang trong lẫn ngoài nước.

Hội trường lớn Đại học RMIT, TP.HCM sáng qua (5.7) đón tiếp gần 300 khách mời là những giáo sư, chuyên gia, nhà thiết kế, người mẫu cùng đông đảo bạn trẻ yêu thời trang đến dự khai mạc. Buổi hội thảo còn có GS Jose Teunisson từ London College of Fashion (Anh), chuyên gia thời trang gốc Việt Van Ho Bao (Úc), chuyên gia về thời trang VN Hà Mi, Bích Ngọc, Thiên Hương cùng các nhà thiết kế như: Sĩ Hoàng, Li Lam, Adrian Anh Tuấn, Anna Võ… tham dự.
GS Robyn Healy (Trưởng khoa Thời trang và may mặc, Đại học RMIT Melbourne, Úc) chủ trì phần thảo luận cùng các giáo sư, chuyên gia đến từ Anh, Úc, Hồng Kông… đã nhấn mạnh: “Chuỗi hội thảo tập trung khám phá mối quan hệ giữa thời trang VN và thế giới, chú trọng vào thiết kế, khởi nghiệp, sản xuất”.
Tôi thấy hiện VN chưa có tổ chức nào giúp các nhà thiết kế trẻ ngay khi họ vừa tốt nghiệp, giới thiệu họ ra thế giới. Nên có một hội đoàn đứng ra bảo vệ nhà thiết kế, chẳng hạn như các mẫu của họ bị ăn cắp phải có nơi bảo vệ. Trên thế giới, họ đã làm điều này lâu rồi
GS Robyn Healy
Với các nhà thiết kế VN, có lẽ đáng chú ý nhất trong ngày đầu tiên của hội thảo hôm qua là khi ông Matthew Road (Giám đốc Sản xuất thời trang đến từ Úc) kể câu chuyện ông từng đến một chợ vải lớn ở TP.HCM và vẫn nghĩ vải ở VN sẽ khó xài. “Nhưng tôi ngạc nhiên vì vải rất tốt. Đôi khi tôi thấy vải ở Hồng Kông hay Thượng Hải không đa dạng bằng. Chất liệu vô cùng quan trọng để giúp thương hiệu tồn tại tốt”, ông nói. Ý kiến của chuyên gia này nhận được nhiều sự ủng hộ, bởi từ trước đến nay VN chưa quan tâm đến chất liệu vốn có. Các nhà thiết kế trong nước luôn ra nước ngoài tìm kiếm chất liệu mới cho sản phẩm nên dẫn đến giá thành cao. Nhà thiết kế Quỳnh Paris nói thêm: “Thực tế chất liệu trong nước khá phong phú. Tuy nhiên, chúng ta chưa khai thác hết để vận dụng vào các kiểu dáng. Không ít chuyên gia thế giới ngưỡng mộ chất liệu từ VN như lụa, silk, Lãnh Mỹ A…”.
Trong khi đó, GS Robyn Healy cũng tiếp tục lưu ý: “VN nên quan tâm xu hướng thời trang trong tương lai. Nên có những chế độ khuyến khích thu hút các nhà thiết kế trẻ. Tôi thấy hiện VN chưa có tổ chức nào giúp các nhà thiết kế trẻ ngay khi họ vừa tốt nghiệp, giới thiệu họ ra thế giới. Nên có một hội đoàn đứng ra bảo vệ nhà thiết kế, chẳng hạn như các mẫu của họ bị ăn cắp phải có nơi bảo vệ. Trên thế giới, họ đã làm điều này lâu rồi”.
Cùng quan điểm với GS Healy, bà Christina Yu (người sáng lập thương hiệu thời trang Ipa-Nina và có nhiều năm làm việc tại VN) cho rằng, rất cần một tổ chức trong nước giúp phát triển thời trang. Bà nói: “Tôi thấy hiện nay không ít bạn trẻ VN ra nước ngoài học thời trang rồi trở về phục vụ. Khi họ muốn phát triển khả năng, muốn tìm kiếm mặt bằng thì quá đắt đỏ. Như thuê mặt bằng ở đường Đồng Khởi (Q.1, TP.HCM - PV) mỗi tháng mất khoảng 15.000 USD thì họ chỉ có nước… chết. Chỉ có Tuần lễ thời trang VN và quốc tế hay một vài chương trình thời trang hiện nay thì không đủ sân chơi. Chúng ta đang có nhiều tài năng trẻ nhưng họ không có nơi phô diễn tài năng. Nhiều người nghĩ kỹ thuật và công nghệ thời trang tại VN không cao nhưng sự thật thì VN đang làm rất tốt”.
Trả lời PV Thanh Niên về nhận định thời trang VN hiện nay trong mối tương quan với thời trang thế giới, GS Robyn Healy chia sẻ: “Ngành thời trang VN có tiềm năng vô cùng to lớn, tạo được chỗ đứng vững vàng trong nền kinh tế gia công hàng may mặc và văn hóa thiết kế đang phát triển mạnh mẽ. Những dòng thời trang đã được thiết kế và sản xuất tại VN hiện đã có vị trí đặc biệt trên thị trường quốc tế. Cộng đồng thời trang non trẻ và đang tăng trưởng của VN hiện rất tham vọng, đầy nhiệt huyết và tạo nên phong cách khác biệt giúp VN tạo dựng tên tuổi trên toàn cầu”.
Phát biểu tại hội thảo, bà Karen Lanyon, Tổng lãnh sự Úc tại TP.HCM, cho biết: “Chính phủ Úc hợp tác cùng Đại học RMIT đưa sự kiện thời trang quốc tế này đến VN. Chúng tôi vui mừng vì có thể kết nối nhân tài trong lĩnh vực sáng tạo của Úc với thế giới thông qua các sự kiện tại VN như thế này, đồng thời thắt chặt mối liên quan về thời trang”.
Phải thay đổi tư duy
Có mặt tại hội thảo, nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường chia sẻ: “Để thời trang Việt bắt kịp xu hướng thế giới thì cực kỳ khó trong lúc này. Và muốn thế giới biết đến thời trang Việt không có cách gì khác là phải làm tốt nhất cái mình có trong nước, bên cạnh đó phải thay đổi tư duy”.
Nhà thiết kế Quỳnh Paris cũng cho rằng hiện tại đa số các thương hiệu thời trang Việt chỉ kinh doanh trong nước thì chưa đủ. Ngoài ra, chúng ta còn phải giải quyết vấn đề từ văn hóa, giáo dục trong việc cảm nhận cái đẹp, chuyện sao chép ý tưởng. Các trường đại học hiện đã phát triển rất đúng hướng để đào tạo các nhà thiết kế trẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.