Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 12: Giữa cõi đời hư thực

29/09/2013 03:20 GMT+7

Mấy ngày qua chúng tôi được xem một số bản thảo viết tay của Bùi Giáng trên những trang giấy đã bạc màu, nhiều chỗ xóa đi viết lại bên lề, gạch ngang sổ dọc, với nét chữ phóng túng tự do như chính con người ông đã sống…

 Bùi Giáng
Bùi Giáng đang mua chim phóng sinh trước Lăng ông Lê Văn Duyệt - Ảnh: Gia đình cung cấp

Có tờ lấm tấm những vết loang nhỏ, có lẽ do ông ngồi viết say sưa lặng lẽ ngoài trời, dưới bóng cây mít, hoặc tàng vú sữa trên sân nhà còn đọng nước mưa giọt xuống. Đọc di cảo ấy, thấy Bùi Giáng đã viết không ít về thế giới “thực” và “hư” này, với những chữ “mộng” triền miên xuất hiện ở những dòng thơ cuối…

Như chút tình ông muốn trao cho ai ông cũng thấy nó là lạ mỏng manh ảo ảnh thế nào: “Anh trao em từ mật niệm thiên thai/Một tặng vật lạ lùng hư hay thiệt?”. Cả tên của ông nữa, ông cũng muốn kẻ khác hãy“quên đi” lời đã gọi lâu nay: “Thấy anh em chợt nhớ rằng/Anh từ tộc Giáng đổi tên họ Bùi”. Một bài với tựa nghe khá vui: “La hét!”, lại có một dòng buồn len xuống: “tình người có lẽ như tình chiêm bao”. Một số trong bản thảo trên đã xuất bản sau ngày ông qua đời, số khác vẫn chưa có dịp in. Chúng tôi hỏi anh Thanh Hoài là, anh đã đọc tất cả, vậy anh nhớ nhất những bài nào, câu nào?

 

Bùi Giáng là một trong những nhà thơ thuộc loại hiếm của gia tài thi ca dân tộc, đã chạm được một tay vào chính cái chỗ ta vẫn thường nói khi thảo luận về tôn giáo, đó là quyền năng. Nhưng ông không là một giáo chủ… mà là một nhà thơ đã nắm được quyền lực: quyền lực thi ca. Trong thế giới tâm linh - trực giác thiên khải đó và cuộc đời “vật dục - trần gian” u mê này, ông đã đi về như một “tự do cá nhân”, không một vết xước nhân quyền.

 Đặng Ngọc Như

- Nhiều, nhưng tôi nhớ và thường nhắc đến hai câu thơ của bác Giáng viết về tiếng hót của loài chim mà tôi hay đọc cho bạn bè nghe mỗi lần thấy họ cãi vã, to tiếng nhau.

- Câu gì vậy?

- Con chim ca hót thơ ngây/Con người nói ít mà gây gổ nhiều. Thường khi đọc câu ấy xong các bạn của tôi im lặng, cười, giảm bớt nóng giận đi.

Thơ đã xuất bản khi ông còn sống, so với thơ trong bản thảo chưa in, thường cùng nhắc về một “nơi chốn” ở kiếp nào đó ông đã sinh ra: “Đi về một bữa hôm nay/Nhớ ngàn xưa đã về đây một lần”. Cả thiên nhiên, suối ngàn, cây cỏ, mưa gió trong thơ ông cũng “đầu thai” nhiều bận như ông: “Ra đi gió định trở về/Ngày sau mây hẹn trả khe đầu ngàn”. Ông không cho cái chết là chấm hết: “Mai sau hẹn với ban đầu/Chờ nhau ngỏ khác ngó màu nguyên xuân”. Mang theo nỗi lòng “trường mộng” trong những chuyến “luân hồi” ấy, ông bước ra đường phố, say sưa cười nói, múa may, khó có ai hiểu ông muốn gì. Lúc ông chửi bới này kia khiến có người ngỡ lầm là ông chửi họ, nên nổi sân si, xúc phạm, đánh ông bị thương phải vào bệnh viện như một tay bán hủ tiếu nọ. Người ta giục ông viết đơn kiện, nhưng ông lắc đầu nói hãy tha cho nó, vì “nếu mà kiện không chừng công an sẽ bắt nó lấy ai nuôi con nó, rồi lỡ nó ngồi tù nữa thì lấy ai bán hủ tiếu cho bà con ăn”.

Tận mắt chứng kiến một cảnh tương tự giữa phố, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Thanh ghi lại: “Khoảng mươi người hiếu kỳ, và vài ba người trai tráng bặm trợn, đang hung hăng la hét ồn ào, chỉ chỏ sừng sộ vào một ông già lạ lùng đang đứng ở giữa. Ông già mang một cặp kính trắng dày cộm, mái tóc bạc bù xù, vài lọn tóc dài nghiêng xuống vầng trán rộng. Có vẻ như ông già vừa bị hành hung (…) đám đông thì đích thị chửi mắng thô lỗ ông già bằng tiếng Việt, còn ông già thì vi vu mắng chửi bằng tiếng Pháp, mà đối tượng ông gửi gắm không nhất thiết nhắm vào đám đông cụ thể mà ông đang đối diện. Tôi tiến tới gần, ép chiếc xe đạp của mình sát vào đám đông. Nhìn thấy một vết bầm tím đỏ bất thường trên trán ông, tôi hốt hoảng y như nhìn thấy người huynh đệ quyến thuộc của mình bị nạn, tôi thảng thốt kêu lên: Anh Bùi Giáng!” (Bùi Giáng - Lời không tiếng).

Không chỉ “kể”, Nguyễn Quang Thanh còn có lời bình được nhiều người tâm đắc: “Nói cãi vã, nhưng thật ra, chắc là, ông chẳng định ý tranh biện cãi vã với ai. Vì có lẽ, đối với ông, còn có gì đâu để cãi vã, khi mà mọi lẽ đời xuôi ngược ỡm ờ đã được ông tự đặt mình vào những tình huống đối nghịch tương ứng khác nhau, và rồi, ông đã mổ xẻ quá đầy đủ qua những tác phẩm kiệt xuất của ông. Ông đã tự đối thoại, tự tranh biện, tự đặt tâm hồn và thân xác mình vào những vị trí và vai trò khác nhau của cõi đời hư thực, trụ vào những vị trí khác nhau, trụ vào những vị trí không vị trí, trụ vô sở trụ, để cười, để khóc, để suy tư, để chiêm nghiệm, để sáng tạo, một cõi sáng tạo vừa xa vừa gần với cõi xứ mà những thiên tài kim cổ thường hội ngộ”. (Còn nữa

Giao Hưởng

>> Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 11: Bùi Giáng nổi giận trong sân chùa
>> Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 10: Nhà thơ nói về... thế kỷ 35!
>> Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 9: Cái nhìn Bùi Giáng về Kim Dung
>> Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 8: Với Thanh Tuệ và NXB An Tiêm
>> Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 7: Bùi Giáng - Phạm Công Thiện với 'ngày tháng ngao du
>> Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 6: Những bài thơ cuối đời
>> Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 5: Bùi Giáng với Bùi tộc Vĩnh Trinh
>> Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 4: Đạt đạo cõi thơ
>> Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 3: Cuốn sổ nợ 'đoạn trường
>> Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 2: Thiên tài không thể định nghĩa
>> Chuyện đời Bùi Giáng: Ai đưa Bùi Giáng vào nhà thương điên ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.