'Chuyện chị em mình' ở Trường Sơn

18/05/2019 06:26 GMT+7

Những câu chuyện về giới, về 'chuyện chị em mình' là một phần đáng kể của trưng bày Kiêu hãnh Trường Sơn (từ 16.5 - 15.7 tại Bảo tàng Phụ nữ VN, Hà Nội).

Bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc bảo tàng, không dám chắc bảo tàng có là nơi đầu tiên trưng bày về những câu chuyện phụ nữ như mang thai, những ngày đến tháng hay không. Tuy nhiên, trong triển lãm chuyên đề Kiêu hãnh Trường Sơn, những câu chuyện như thế có rất nhiều. Chúng cũng đứng cạnh, bình đẳng với những câu chuyện về các chiến dịch lớn, những rừng cây trụi lá vì chất độc hóa học, về những ngày tăng gia cải thiện bữa ăn. Triển lãm do Bảo tàng Phụ nữ VN và Bảo tàng Đường Trường Sơn phối hợp thực hiện.
“Chúng tôi là một bảo tàng giới nên vấn đề giới ở chiến trường rất được quan tâm. Chúng tôi có những câu chuyện do chính các nữ chiến sĩ kể lại. Chúng tôi chỉ thông tin, không bình luận. Đó là hiện hữu ở trong chiến trường, ở đời sống mỗi con người”, bà Vân nói.
Triển lãm có chia sẻ của bà Nguyễn Nữ Kim Hiếu (Viện Quân y 108) đã giấu chuyện mang thai để vào chiến trường. “Năm 1972, sau 1 tháng hành quân, chúng tôi vào đến Quảng Trị. Dù mang thai nhưng tôi vẫn tự đào hầm, gùi gạo, chăm sóc, khám chữa cho thương bệnh binh hằng ngày”, bà Hiếu cho biết.
Sự khốc liệt của Trường Sơn cũng được thể hiện ở tâm sự của bà Lê Thị Phương Thảo, Đoàn 559: “Nguồn nước bị nhiễm chất độc Mỹ rải xuống nên chúng tôi đều mắc bệnh phụ khoa, rồi bị sốt rét khiến da xanh tái, còn tóc thì rụng gần hết”.
“Chuyện chị em mình” mà bà Trần Thị Thục Oanh, Viện Quân y 108, kể nghe cũng rất thương. “Cả ngày hành quân, tối nghỉ chân nếu cạnh suối thì không nói làm gì chứ ở lưng chừng đèo thì đành phải thay và quấn lại cho vào ba lô, đợi ngày hôm sau hành quân qua suối thì giặt”, bà Oanh nhớ lại.
Giờ đây, khi chiến tranh đã qua đi, họ chia sẻ về thời kỳ đó. “Các cô không ngại nói, các cô nghĩ lại thời đó rồi kể hồn nhiên. Vui. Nhiều khi các cô có những chuyện bình thường, quen đến mức các cô nghĩ như một phần trong đời sống người lính, đương nhiên nó phải như thế”, bà Vân cho biết. Những câu chuyện như vậy của triển lãm cũng gợi lại nụ cười của các nữ chiến sĩ Trường Sơn trong cuộc chiến khốc liệt năm nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.