'Chuông vàng vọng cổ' vẫn ngân nga

30/07/2013 03:10 GMT+7

Mới đó mà 8 năm, tính từ lúc Chuông vàng vọng cổ lần đầu tiên ra mắt tại Đài truyền hình TP.HCM năm 2006. Đây là một giải thưởng lớn và nghiêm túc của nghệ thuật cải lương.

Thật sự lần tổ chức đầu tiên giải thưởng có tên Ngôi sao vọng cổ truyền hình, nhưng sau đã đổi tên nghe dễ chịu hơn vì bỏ đi hai chữ “ngôi sao”. Bắt đầu từ vùng đất phía nam, nơi sản sinh ra nghệ thuật cải lương, mới có thí sinh đăng ký tham dự. Nhưng rồi qua vài lần thu hút trên sóng truyền hình, đã thấy những thí sinh miền Bắc khăn gói đi thi, hát ngọt lịm và ngoại hình rất đẹp, vào tận chung kết xếp hạng.

 
Phạm Thị Huyền Trang đoạt Chuông vàng vọng cổ 2012 - Ảnh: M.Châu


Nguyễn Văn Mẹo đoạt Chuông vàng Vọng cổ 2011 - Ảnh: H.K

Năm nay, ban tổ chức phải cho tuyển sinh tại 4 khu vực: miền Tây Nam bộ thi ở Bạc Liêu, miền Đông Nam bộ thi ở Long An, miền Trung thi ở Khánh Hòa, và miền Bắc tập trung về Hà Nội. Tổng số thí sinh trên 500 người. Từ vòng sơ tuyển, ban giám khảo đã phải đi khắp 30 tỉnh để chấm điểm, đặc biệt khu vực miền Tây quá đông nên ban giám khảo đi hết 11 tỉnh thành không bỏ sót. Nhờ vậy mà phát hiện những bất ngờ thú vị. Miền Bắc có thí sinh mới 15 tuổi đã làm ban giám khảo “choáng váng”, nhưng tiếc là quy định 16 tuổi mới được thi, thôi đành chờ năm sau.

Mỗi khu vực chỉ chọn ra 3 người để vào chung kết xếp hạng tại TP.HCM, xem ra cuộc đấu này rất gay go cho các tài năng. Giải thưởng chuông vàng 50 triệu đồng, chuông bạc 30 triệu đồng.

Tiêu chí chấm điểm cũng chỉ yêu cầu phát hiện giọng ca hay, lạ, độc đáo, chứ không đòi hỏi thí sinh phải diễn tốt như trước. NSƯT Minh Vương, từng là giám khảo mấy năm liền, cho hay: “Tôi thật sự nể các em. Vì hầu hết không qua trường lớp sân khấu, chỉ tham gia đờn ca tại địa phương thôi, mà bắt một tuần phải tập một trích đoạn, vừa lo ca hay vừa lo diễn giỏi, tôi làm cũng không nổi”. Vì vậy khi thí sinh nào quá lo diễn xuất mà bị rớt giọng, rớt nhịp, bị trừ điểm, thì rất oan cho một giọng ca hay. Thật sự đã gọi Chuông vàng vọng cổ thì ưu tiên phát hiện giọng ca, cho nên lần này các trích đoạn dàn dựng chỉ chọn nhân vật ít diễn xuất, mà có nhiều tâm lý để thí sinh thi thố giọng ca.

Cải lương vẫn là một “đặc sản” văn hóa của Việt Nam, dù cho xã hội có tràn ngập món tây món tàu. Mỗi năm Chuông vàng vọng cổ lại ngân nga như một lời nhắc nhở người ta tìm về cải lương, trong đó thật sự có không ít người trẻ.

Hoàng Kim

>> Thí sinh phía bắc vào vòng chung kết xếp hạng "Chuông vàng vọng cổ
>> Chung kết Chuông vàng vọng cổ lần thứ 6 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.