Chuỗi ngọc - Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

Cuối cùng mẹ cũng có được chuỗi ngọc mà mình thích. Đó là chuỗi bạch ngọc quý bằng đá cẩm thạch Myanmar, hoàn toàn thiên nhiên không qua xử lý.

Chuỗi ngọc đeo tay gồm mười bảy hạt, size hạt đá là 12 mm và đã đạt đến độ trong cao. Ai cũng xuýt xoa khen chuỗi ngọc đẹp dù Thuần nghĩ họ cũng như mình chẳng hiểu quái gì về ngọc. Thuần men theo lời kể của mẹ để tìm mua chuỗi ngọc. Mẹ từng nhìn thấy chuỗi bạch ngọc một lần duy nhất trong đời vào năm ba mươi tuổi. Suốt gần sáu mươi năm sau mẹ luôn nói về nó với niềm ao ước được một lần đeo nó trên tay. Lần nào kể về chuỗi ngọc mẹ cũng nói duy nhất một câu “mỗi hạt ngọc là một vầng mây trắng, bồng bềnh và huyền ảo”. Lúc bé Thuần luôn nghĩ ngọc cũng chỉ là một loại đá mà thôi đâu có gì khiến mẹ cứ bần thần về nó. Lớn lên thấy người ta rao bán ngọc ngà châu báu đầy trên mạng, như tụi Thuần rao bán đá muối massage chân. Có tiền là mua được, khó gì. Mà thứ gì mua được bằng tiền thì thứ đó đâu có gì là quý. Vân nghe Thuần nói thì dừng đính đá lên bức tranh phong thủy, quay sang hỏi:
- Vậy sao anh không mua chuỗi ngọc ấy cho mẹ sớm hơn?
- Vì anh chẳng hiểu gì về ngọc. Anh sợ những thứ bán tràn lan trên mạng toàn là đồ giả. Thời buổi này có thứ gì là không giả đâu em? Anh cứ nghĩ chuỗi ngọc mà mẹ từng nhìn thấy một lần duy nhất trong đời hẳn phải khác những thứ nhan nhản trong thiên hạ.
- Đấy là anh chẳng biết gì về ngọc. Ngọc tìm người, người tìm ngọc. Mọi thứ là tùy duyên. Bởi vậy mà có những người cả đời chỉ đi tìm một chuỗi ngọc duy nhất cho mình. Như mẹ anh vậy.
Cuối cùng Thuần cũng đã mua được chuỗi ngọc ấy. Anh đeo nó vào tay mẹ và thấy một vùng mây trắng bay qua. Lúc này mọi người đều bật khóc, kể cả bố Thuần - chồng cũ của mẹ vừa mới kịp về. Anh em Thuần đều đã có mặt đông đủ. Môi mẹ mỉm cười. Ai đó nhắc nhau “đừng để rơi giọt nước mắt nào vào người mẹ. Mẹ sẽ lưu luyến dương gian, khó siêu thoát đến miền cực lạc”. Ai đó hỏi nhau đã bỏ gạo và tiền vào miệng mẹ chưa? Để thanh tịnh người chết, để xuống đó lúc đi qua các cửa quan mẹ còn có thứ bỏ ra mà “đút lót”. Nếu không sẽ bị đánh đập, tra khảo khai hết tên con cháu ra là dở. Sau khi đeo chuỗi ngọc trên tay mẹ, người nhà bắt đầu làm lễ nhập quan. Thuần nhìn mẹ lần cuối, cái ý nghĩ từ giờ mình không còn mẹ nữa ngấm dần tâm trí. Anh thấy cơ thể mình nặng trĩu, gót chân như đang lún sâu xuống đất không cách nào nhấc lên khỏi nỗi buồn này. Nắp quan tài đóng lại, người thân ào vào ôm lấy quan tài gào khóc. Thuần nhìn thấy điều kỳ diệu xảy ra. Ánh sáng của chuỗi ngọc xuyên qua lớp áo quan. Mười bảy hạt ngọc là mười bảy quầng sáng rực rỡ và ấm áp tựa như ánh mặt trời. Kể từ giây phút ấy Thuần luôn lần theo ánh sáng của chuỗi ngọc để tìm mẹ.
- Anh có nghĩ mẹ cũng đã từng lần theo chuỗi ngọc để sống qua những tháng ngày cực nhọc, đau buồn lúc trẻ và cả nỗi cô đơn lúc về già?
- Chẳng phải bất cứ người mẹ nào cũng chỉ cần nghĩ về các con mình cũng đủ nguồn vui sống hay sao?
- Hẳn nhiên là vậy Thuần ạ. Nhưng ngoài con cái ra thì đàn bà cũng cần đến thứ phù phiếm nào đó đúng không? À mà không, chẳng riêng gì đàn bà anh ạ. Cũng chẳng thể gọi tên thứ đó là “phù phiếm”. Nó chính là điều đẹp đẽ mà người ta không có được. Hoặc đã từng có trong đời rồi vuột mất. Nó nằm trong tim nhưng xa tận chân trời. Nó giống một thứ nguồn sáng diệu vợi soi đường, sưởi ấm và nâng đỡ con người ta những lúc mệt mỏi nhất, yếu đuối nhất.
- Vậy điều đẹp đẽ nhất mà em thường nghĩ đến là gì?
- Em tưởng mình đã kể với anh về điều đó rất nhiều lần rồi chứ nhỉ?
- Anh làm sao nhớ được. Mọi thứ cứ cuốn anh đi.
Vân mấp máy môi định hỏi gì đó nhưng chợt nhớ ra mẹ Thuần vừa mất. Đi đến tận cùng mọi lý lẽ lúc này thật chẳng thích hợp chút nào. Suy cho cùng Thuần là người đáng thương. Anh mải miết chạy trốn ký ức nghèo khổ, tủi nhục của mình bằng cách lao đầu kiếm thật nhiều tiền. Mà không biết những đồng tiền lèn chặt hầu bao ấy đã thao túng tuổi trẻ của Thuần. Mà thực ra đời Thuần không có chỗ cho sự phù phiếm bởi tận cùng mọi ý nghĩ anh đều hướng về mẹ của mình. Về những tháng năm cơ cực mà mấy mẹ con đã phải trải qua. Lúc nào Thuần cũng nghĩ sẽ phải kiếm thật nhiều tiền để xây nhà đẹp cho mẹ, để phụng dưỡng tuổi già của mẹ. Thuần đặt mua cho mẹ những loại thuốc bổ đắt tiền, những tour du lịch dài ngày, những tiện nghi hiện đại. Nhưng Thuần lại quên câu “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Có khi vài tháng không về nhà, Thuần đâu biết mẹ cô đơn thế nào trong ngôi nhà to đẹp. Bạn của mẹ là con mèo cụt đuôi, mấy đàn gà con bằng nắm tay và cái ti vi to vật vã nói ầm ĩ suốt ngày. Con mèo thì ham chơi, nó đi tối ngày chẳng biết đường về. Đàn gà thì cứ mất dần mất mòn, không biết do chuột bắt đêm hay chạy lạc sang đàn nhà hàng xóm. Ti vi xem mãi cũng mỏi mắt, nó nói ràn rạt suốt ngày mẹ nghe, nhưng mẹ nói thì nó đâu nghe thấy. Mẹ thường ngủ quên lúc xem mấy bộ phim dài tập. Tỉnh dậy, mở mắt ra cũng vẫn là phim dài tập. Phim này nối phim kia.
Mẹ ngồi co ro trong góc phòng nhìn ra ngoài cửa sổ. Nhìn mà như không nhìn gì. Những kỷ niệm ùa về, mẹ thấy các con mình vừa dồn đuổi nhau chạy qua ô cửa. Cơn mưa đầu mùa ập tới, tiếng cười át cả tiếng mưa. Khúc khích nấp trong tàu chuối, bụi cây rồi òa ra giữa sân nhà trơn trượt. Cửa sổ hửng nắng, mẹ thấy mình vừa gánh lúa đi qua. Áo đẫm mồ hôi, tóc xõa xuống mặt, chiếc nón mê mốc đen rách nát. Nhưng mẹ thấy tóc mình còn đen, da trắng hồng, nụ cười của mình đẹp quá. Bố đi ngang qua cửa cầm trên tay vốc hoa bưởi cuối mùa mang ra thả trong thau nước gội đầu của mẹ. Thuần đi dép rách, áo xoăn tít hở cả rốn cúi xuống soi mình trong thau bồ kết nhoẻn cười bảo “con nhìn thấy những đám mây chuẩn bị rơi tõm vào đây”. Rồi ai đó ôm khăn tang đi qua cửa sổ, tiếng khóc than vọng lại, mẹ thấy mình cầm bàn tay bố lần cuối cùng trong đời trước khi làm lễ nhập quan. Rồi mẹ đứng dậy bước ra khỏi phòng, bỏ lại phía sau ô cửa ký ức. Mẹ lại ra phòng khách bật ti vi lên. Bộ phim dài 300 tập đã kết thúc mà Thuần vẫn chưa về…
Vân từng về thăm mẹ Thuần vài lần. Ngồi uống trà với bà dưới tán cây xoài già vào những ngày gió về, hoa rụng đầy dưới gốc. Mẹ vui khi có người tới thăm, dù ở một mình đã lâu bà gần như quên mất cách chuyện trò. Môi mẹ mấp máy như muốn nói điều gì đó, những ngón tay líu ríu đan vào nhau. Vân tưởng như ở trong ngôi nhà ấy không cần đến ngôn ngữ. Chỉ nhìn vào mắt nhau là hiểu được chuyện nhân gian. Vài bông hoa xoài rơi trong cốc trà, mặt nước không xao động. Con mèo ngủ vắt vẻo trên bậu cửa sổ thỉnh thoảng mở một mắt ngó người lạ tới nhà. Gần hết buổi chiều thì mẹ bắt đầu quen khách. Mẹ chỉ khách chỗ đó Thuần hay ngồi đọc sách, thằng bé ham sách đến lạ. Nó đọc đến mức có hôm tôi bước ra thấy hoa xoài phủ trắng đầu. Chỗ kia ngày xưa là bếp, Thuần hay ngồi nấu cơm giúp mẹ. Mặt mũi đen khói bếp củi bạch đàn. Thằng nhỏ nấu ăn ngon lắm, đã lâu rồi tôi không được ăn món cá kho tương, canh rau tập tàng do tự tay nó nấu. Những ngày mưa tầm tã mấy mẹ con ngồi quây quanh bếp lùi lụt ngô khoai. Cái vị ngọt của khoai mật để lâu chắc hẳn đã nuôi sống ký ức ấu thơ của tụi nhỏ trong nhà. Cô có nhìn thấy chỗ mỏm đá xanh rêu kia không? Lần nào về thăm nhà Thuần cũng ngồi ở đó rất lâu để hồi tưởng lại quãng thời gian hạnh phúc khi bố còn sống. Hai bố con thường ngồi làm diều, cắt tóc, đẽo con quay. Bao lâu rồi thằng nhỏ không về thăm nhà ấy à? Ừm… tôi phải đi quét đám hoa xoài, cô thấy đấy chúng rụng nhanh kinh khủng. Ra hoa mà gặp mưa là coi như mất mùa, hoa đen lại rồi rụng sạch…
Lần khác Vân về thăm bà bằng chuyến tàu đêm. Không hiểu sao Vân luôn muốn trở về căn nhà ấy, gặp người đàn bà ấy. Phải chăng vì cả hai đều có chung mối quan tâm là Thuần. Hay là vì Vân bắt gặp ở mẹ Thuần hình ảnh của chính mình. Căn nhà rộng quá, Thuần nói đã dồn toàn bộ tiền kiếm được trong nhiều năm làm việc cật lực để xây cho mẹ căn nhà. Thậm chí còn phải vay mượn thêm bạn bè chút ít. Nhà rất nhiều phòng, Thuần làm cho mỗi người một phòng. Nhưng mẹ Thuần nói “mấy anh em nó thường chẳng bao giờ trở về nhà cùng nhau. Đứa này về thì đứa kia đi. Những căn phòng luôn bám bụi dù tôi thường xuyên quét dọn”. Những căn phòng thường được đóng kín, bà rất sợ mở chúng ra. Căn phòng không người ở thường rất lạnh lẽo. Bà ước gì được sống trong căn nhà bé nhỏ thôi nhưng đầy ắp tiếng người. Giống như lúc các con còn thơ bé, khoai sắn nuôi nhau nhà tranh vách đất. Nhà không có người ở, càng rộng thì càng giống một ngôi mộ gió. Vân ngậm ngùi nhận ra nỗi cô đơn của bà qua bã trà mốc meo trong ấm. Bà phân bua “lâu lắm nhà không có khách”. Rồi bà chìm sâu trong im lặng cho đến khi giật mình nhớ ra có chuyện vui chưa khoe với khách. Con mèo cụt đuôi mờ sáng nay ung dung cạy cửa dẫn về nhà một đàn con nhỏ. Kỳ ghê…
* * *
- Tụi mình cưới nhau đi?
- Em cố gắng chờ anh thêm một thời gian nữa.
- Để làm gì chứ? Tại sao hạnh phúc lại cứ phải đợi chờ?
- Anh muốn kiếm tiền mua cho em một căn nhà thật đẹp. Anh không muốn tụi mình cưới nhau mà phải ở trọ chật chội đâu. Nó khiến anh nhớ đến tuổi thơ cơ cực của mình. Nhà quanh năm dột nát.
- Anh từng đọc Túp lều bác Tom của nữ văn sĩ Harriet Beecher Stowe rồi chứ? Nhân vật bác Tom - một nô lệ da đen phải lìa bỏ vợ con, bị bán từ nơi này sang nơi khác, bị đánh đập tàn nhẫn cho đến chết. Những lúc buồn khổ hoặc vui sướng nhất người nô lệ ấy luôn nghĩ đến túp lều của mình ở bang Kentucky. Bởi vì trong túp lều ấy có vợ con của bác với những điều bình dị. Túp lều nhỏ của người nô lệ tràn ngập tiếng cười, tình yêu thương, sự ấm áp. Đó là một căn nhà nhỏ dựng bằng những cành củi khô ghép lại. “Phía trước túp lều là một mảnh vườn, nơi mà mùa hè nào cũng đầy ắp dâu tây, phúc bồn tử và vô số những hoa quả khác, nhờ vào bàn tay chăm sóc cẩn thận của bác. Ngay gần túp lều, cây tử uy đỏ chói và cây hồng leo màu sắc sặc sỡ quấn quýt, phủ gần kín bức vách thô kệch. Mùa hè, những bông hopa bốn giờ, hoa cúc vàng, dã yêu thảo và dạ hương cùng đua nhau khoe sắc tỏa hương lộng lẫy. Đó là niềm vui và niềm kiêu hãnh của bác Choloe (Vợ bác Tom)”. Anh có bao giờ nghĩ mẹ sống trong ngôi nhà to đẹp thế nhưng vẫn cô đơn?
- Nhưng anh đã làm tất cả để mẹ có thể an nhàn lúc về già.
- Mẹ chỉ thèm được nghe thấy tiếng các con mỗi ngày, ngồi ăn chung với nhau những bữa cơm dù là đạm bạc. Sáng mở mắt ra nghe thấy tiếng nhau, đêm nhắm mắt vào vẫn còn thấy tiếng cười của nhau vọng lại. Nhà to đẹp thế lúc nhắm mắt xuôi tay mẹ cũng đâu có mang theo được. Em cũng giống như mẹ, chỉ muốn sống một cuộc đời bình dị, ấm cúng.
Thuần bo đầu ngồi im lặng trong bóng tối. Anh đang rơi xuống một hố sâu thăm thẳm. Mọi thứ bỗng trở nên rối loạn. Lần đầu tiên Thuần thấy kiệt sức khi không biết mình đang cố gắng vì ai? Để làm gì? Thuần đã làm gì sai chứ? Cố gắng kiếm từng đồng tiền chân chính để lo cho mẹ và đỡ đần các em thật chẳng dễ dàng gì. Rõ ràng là cuộc sống của Thuần không có nhiều chọn lựa. Ai đã từng trải qua những năm tháng ấu thơ cơ cực như Thuần hẳn mới hiểu giá trị của đồng tiền.
- Em cũng đã từng ăn cơm độn sắn, ở trong căn nhà lợp lá cọ mưa dột ướt cả giường chiếu lẫn bàn thờ. Em cũng sợ cái nghèo hệt như anh vậy. Nhưng em không muốn để nỗi sợ ấy ám ảnh và chi phối đời mình. Bởi nếu lúc nào cũng nghĩ đến cái nghèo thì anh sẽ chẳng bao giờ thoát ra khỏi nó ngay cả khi anh có rất nhiều tiền.
- Bố anh mất sớm. Anh từng chứng kiến nhiều lần mẹ chịu đựng những cơn đau ốm mà không có tiền đi viện. Từng thấy mẹ nhiều lần gạt nước mắt đi vay nặng lãi. Những ngày cuối năm ảm đạm, chỉ thấy người đến nhà đòi nợ. Mẹ ngồi cúi mặt khất nợ người ta. Anh không bao giờ quên được hình ảnh ấy. Anh sợ vợ con mình phải khổ.
Vân nắm chặt bàn tay đang run lên của Thuần. Kể từ khi mất mẹ, Thuần bị sang chấn tâm lý nhiều lúc không kiểm soát được cảm xúc của mình. Vân cảm thấy có lỗi khi dồn đuổi cảm xúc của Thuần. Nhưng nếu không phải là lúc này thì sẽ chẳng bao giờ có thể khiến Thuần tỉnh ngộ. Vân sẽ vỗ về Thuần bằng những đứa con ngoan, những bữa cơm đủ đầy chồng vợ. Sẽ bù đắp cho Thuần khoảng thời gian bình yên cần có trong cuộc đời mỗi con người.
- Điều đẹp đẽ nhất mà em thường nghĩ đến là gì?
- Em thích có một cái lò nướng bánh nho nhỏ. Sáng nào cũng dậy sớm nướng bánh và uống trà cùng anh. Những chiếc bánh nhỏ xinh thơm trên môi miệng các con. Chúng mình sẽ vui đùa cùng nhau trước khi bước ra ngoài thế giới ồn ào kia. Em cứ vịn vào mường tượng đó để níu lấy anh suốt năm dài tháng rộng. Mà một ấm trà, một lò nướng bánh có gì khó đâu anh nhỉ?
- Ừm… Lần gần đây nhất em uống trà cùng ai?
- Lần gần đây nhất em uống một mình. Đó là hôm nghe tin mẹ anh mất.
- Người gần đây nhất uống trà cùng em là ai?
- Đó là mẹ anh. Em và bà đã ngồi uống trà dưới gốc cây xoài già mùa hoa rụng.
Thuần im lặng. Những hạt ngọc lại lấp lánh sáng trong tâm trí của Thuần. Kể từ hôm đưa mẹ về thế giới bên kia Thuần luôn nghĩ về chuỗi ngọc. Nó lấp lánh sáng trong giấc mơ của Thuần dù không khi nào anh có thể chạm tay vào. Hôm ra thăm mộ mẹ Thuần cũng bắt gặp nguồn sáng ấy bừng lên xuyên qua lòng đất. Và mỗi khi ngẩng lên bầu trời Thuần đều nghĩ trong đám mây trắng kia có linh hồn của mẹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.