Chưa tìm thấy di tích kiến trúc tại 4 hố khai quật ở đàn Xã Tắc

22/10/2013 22:20 GMT+7

(TNO) Tại cả 4 hố khai quật ở khu vực đàn Xã Tắc, các nhà khảo cổ vẫn chưa tìm thấy di tích kiến trúc.

Chưa tìm thấy di tích kiến trúc tại 4 hố khai quật ở đàn Xã Tắc 1
Một hố khai quật

Sáng 22.10, Viện Khảo cổ học đã mời các nhà nghiên cứu khảo cổ, lịch sử tới tận mắt khảo sát các hố khai quật tại khu vực Ô Chợ Dừa (Hà Nội). Có tất cả 4 hố khai quật, với tổng diện tích hơn 80 m2.

Theo kết quả khai quật, tại hố PR1 trên đường Khâm Thiên, dưới lớp mặt đường, các nhà khảo cổ đã tìm thấy các lớp văn hóa liên tục. Lớp thứ nhất là phù sa sông màu xám đen, hiện vật chủ yếu có niên đại thời Lê. Lớp thứ hai chứa nhiều hiện vật như đồ sành, bát hoa lam mang đặc trưng của thời Lê, thế kỷ XV - XVI. Lớp thứ ba có nhiều hiện vật mang đặc trưng thời Trần như ngói phẳng màu đỏ, gốm men... Cùng lớp này cũng có một số hiện vật thời Lý.

Tuy nhiên, diện tích đào ở hố này quá nhỏ nên chưa thể xác định chính xác quan hệ giữa hố với các di tích đàn Xã Tắc và La Thành gần đó.

Chưa tìm thấy di tích kiến trúc tại 4 hố khai quật ở đàn Xã Tắc 2
Một số hiện vật khai quật được

Tại hố PR2, các nhà khảo cổ tìm thấy đất dạng phù sa sông màu xám đen. Hiện vật khá nhiều và bị xáo trộn tự nhiên. Gốm ở đây đều bị ố men do ngâm trong nước lâu ngày. Các nhà khảo cổ phỏng đoán hố này nằm trong khu vực gần dòng chảy cổ.

Tại hố PR3, ở độ sâu 2,5 m so với bề mặt hố bắt đầu xuất hiện phù sa sét màu nâu đỏ. Trong đó có xuất hiện ngói phẳng thời Lê, mảnh vỡ đồ sành thời Trần và Lê.

Hố đào cuối cùng, dưới lớp vật liệu xây dựng hiện đại dày trên 2 m là lớp đất sét màu nâu đỏ, không có hiện vật.

Theo PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ, về sơ bộ có thể nhận định ngoài hố PR4 hoàn toàn không có di tích, di vật, 3 hố còn lại đều phát hiện dấu tích di tích, di vật thuộc các thời đại khác nhau. Đã phát hiện một số vết tích bếp đun nấu, nền đất đắp… nhưng không phải là những di tích tiêu biểu kiểu kiến trúc gạch, đá… Di vật thu được cũng không nhiều, tuyệt đại đa số là mảnh vỡ gạch ngói, sành, sứ.

Viện Khảo cổ đề xuất, sau khi kết thúc công tác thám sát, hiện trường công tác sẽ được bàn giao lại cho Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội để thực hiện dự án xây dựng cầu vượt Ô Chợ Dừa.

Tuy nhiên, Viện Khảo cổ cũng đề nghị rằng công việc thám sát, khai quật khảo cổ mới được tiến hành trên một diện tích khá nhỏ so với yêu cầu nghiên cứu khảo cổ học lịch sử ở khu vực này.

Do vậy, theo Viện Khảo cổ, nếu có thay đổi thiết kế và xây dựng tại đây, phía dự án xây dựng cần thông báo cho cơ quan quản lý văn hóa, cơ quan chuyên môn khảo cổ và các cơ quan liên quan để cùng phối hợp giải quyết.

Trinh Nguyễn
Ảnh: Phương Thúy

>> Cầu vượt qua đàn Xã Tắc: Bài học lắng nghe dân
>> Đề nghị dịch cầu vượt qua đàn Xã Tắc
>> Xây cầu vượt qua đàn Xã Tắc: Đe dọa nhiều di sản khác
>> Thiêng liêng Lễ tế Đàn Xã Tắc
>> Mưa giông làm chậm lễ tế đàn Xã Tắc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.