'Chúa đảo' Tuần Châu góp 20 tỉ đồng để bảo tồn di sản

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
19/12/2019 06:09 GMT+7

Chiều 18.12, ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu (Quảng Ninh), đã chuyển 20 tỉ đồng cho Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia để phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa .

Vừa nhận tiền, vừa vui vừa... ân hận

Văn bản thỏa thuận về việc Tập đoàn Tuần Châu tài trợ 20 tỉ đồng cho Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia (VICAS) đã được ký chiều 18.12. Doanh nghiệp nổi tiếng của tỉnh Quảng Ninh cũng đã chuyển số tiền tài trợ cho VICAS ngay trong ngày. Chia sẻ về sự kiện đặc biệt này, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng VICAS, cho biết trong một lần tới thăm VICAS, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi doanh nghiệp ủng hộ bảo tồn di sản. Ngay lập tức, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu Đào Hồng Tuyển nhận lời. Tuy nhiên, thời điểm đó, ông Sơn không tin.
“Anh Tuyển đã hứa với Thủ tướng là tài trợ mấy chục tỉ để thực hiện việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tôi nghe có đôi chút bàng hoàng và tin chắc rằng đó là một câu chuyện đùa vui một tí thôi, trong lúc thăng hoa. Chẳng có doanh nghiệp nào tài trợ cho việc bảo tồn những tư liệu mà chỉ có những người trong nghề mới biết nó quan trọng như thế nào. Từ trước tới giờ, chuyện này chưa từng xảy ra, chưa từng có tiền lệ. Đây chính là sai lầm của tôi. Tôi đã không tin anh Tuyển”, ông Sơn nhớ lại.
Về phần mình, ông Đào Hồng Tuyển cho biết nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11, ông đã tham dự lễ hiến tặng tư liệu văn hóa phi vật thể của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên. Tại đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu về tầm quan trọng của di sản văn hóa đối với sự phát triển của đất nước. “Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh dân tộc nào giữ được bản sắc của mình thì dân tộc đó mãi mãi trường tồn. Mất văn hóa là mất tất cả. Xuất phát từ tâm nguyện của Thủ tướng, Tập đoàn Tuần Châu mong muốn đồng hành cùng di sản trong nhiệm vụ quan trọng này”, ông Tuyển nói.
Ông Tuyển cũng cho biết, là một cựu chiến binh, ông càng thấu hiểu và thấm thía hơn về giá trị văn hóa, bài học lịch sử và di sản của cha ông để lại. Ông Tuyển bày tỏ: “Tôi nhắc lại câu nói của Thủ tướng, văn hóa không phải là thứ sản xuất trong một ngày, nó được kết tụ và bồi lắng như thạch nhũ, hạt ngọc trai trải suốt chiều dài lịch sử của cả dân tộc. Giá trị văn hóa chính là kết tinh những gì tốt đẹp nhất mà ông cha chúng ta để lại. Chính vì vậy, tôi nghĩ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nói chung, mỗi cá nhân nói riêng là chung tay cùng ngành văn hóa gìn giữ những gì tốt đẹp nhất của dân tộc”.

Như một quỹ văn hóa

Theo GS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng VICAS, việc ông Tuyển tài trợ cho nghiên cứu phát huy di sản cũng giống với nhiều tài trợ văn hóa của các quỹ văn hóa nước ngoài. “Hoàn toàn không có điều kiện kèm theo”, ông Bền nói.
Dự kiến, số tiền này cũng sẽ được dùng một phần để ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm số hóa kho dữ liệu văn hóa của VICAS. Việc này không chỉ tạo điều kiện cho các thế hệ tiếp theo khai thác kho dữ liệu của tiền nhân mà còn đưa các giá trị di sản văn hóa của Việt Nam ra với thế giới, khẳng định giá trị di sản văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn cũng chia sẻ, cùng với kinh phí này, VICAS còn được Trung tâm di sản văn hóa phi vật thể Hàn Quốc hỗ trợ để số hóa dữ liệu. “Phía Hàn Quốc sẽ cử chuyên gia sang cùng hợp tác với chúng tôi”, ông Sơn nói.
Ông Sơn chia sẻ: “Bài học về câu chuyện anh Tuyển cho chúng ta thấy rằng cuộc đời còn có rất nhiều tấm lòng tốt. Nhiều người nói đi đôi với làm, có nhiều bài học về sức mạnh của sự tử tế. Câu chuyện của anh Tuyển cũng là một câu chuyện truyền cảm hứng cho mọi người, đặc biệt là doanh nghiệp coi trọng những giá trị văn hóa dân tộc. Không có sự chung tay của doanh nghiệp, sự nghiệp văn hóa của đất nước sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Văn hóa cần doanh nghiệp và doanh nghiệp cần văn hóa”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.