Chưa có từ điển học sinh đích thực

25/07/2020 06:23 GMT+7

Theo PGS-TS Phạm Văn Tình (ảnh), Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, rất khó khắc phục hậu quả khi sách đã được in ra. Đáng lo ngại là có những cuốn khi phát hiện sai đã được phát hành cả chục năm.

* Nhìn vào những cuốn từ điển sai, dường như từ điển dành cho học sinh có nhiều sai sót. Theo ông, lý do nào dẫn đến hiện tượng này?
- Ở Pháp, Đức chẳng hạn, từ điển học sinh được làm rất cẩn thận. Nó liên quan đến ngôn ngữ, nó cũng liên quan đến nghiệp vụ sư phạm. Các định nghĩa của từ điển học sinh cũng khác với từ điển thông thường, cần đơn giản ngắn gọn và phục vụ việc học sao cho phù hợp. Từ điển toàn dân, từ điển trung bình, hay từ điển cỡ lớn sẽ có yêu cầu khác.
Ở Việt Nam, có lẽ chưa có cuốn từ điển học sinh đích thực nào, mặc dù có 1 cuốn từ điển học sinh ngày xưa của Nguyễn Lương Ngọc và Lê Khả Kế biên soạn từ những năm 1960. Thực ra, đấy cũng là một từ điển ngắn gọn cho học sinh thôi, đúng theo tinh thần ấy. Chưa nói từ điển học sinh liên quan đến hình ảnh, vì hình ảnh là một nội dung thông tin quan trọng của từ điển. Học trò nhìn thì trực quan hơn. Hiện Viện Từ điển học bách khoa thư đang xúc tiến việc làm thế nào để có quyển từ điển học sinh đích thực, phù hợp với xu hướng hiện nay. Tôi đang thẩm định một số từ điển học sinh nhưng tôi không đồng ý, vì chưa đúng tinh thần cho học sinh.
*Có phải các từ điển kiểu như thành ngữ tục ngữ, từ điển học sinh được làm nhiều vì nhu cầu từ điển học sinh đang rất cao?
- Mỗi năm ta có hai mươi mấy triệu học trò, nếu bố mẹ, gia đình học sinh muốn có từ điển để học, thì từ “học sinh” sẽ khiến họ tin và mua cuốn này, đấy là một cách quảng cáo. Lợi dụng đối tượng đó quảng cáo mà in cuốn sách không phù hợp là một sai lầm rất nghiêm trọng. Đấy là một cách đánh động về tâm lý để làm ăn.

Nên phân loại sách nào khi vi phạm thì chế tài sẽ nặng hơn

*Từ điển cứ tiếp tục sai, nếu bị phát hiện thì đình bản, thu hồi, trong khi đã bán rồi và thu hồi không dễ. Có tình trạng này phải chăng do chế tài quá nhẹ?
- Thường NXB khi thấy có ý kiến phản đối thì tạm thời đình bản. Cục Xuất bản chỉ thu hồi khi xem xét nhiều yếu tố, sách sau đó phải tiêu hủy. Nhưng sách trôi nổi trên thị trường chẳng mấy ai thu hồi, tiêu hủy được đâu. Có những cuốn in từ quá lâu (2013) thì làm sao thu hồi được? Thu hồi ở đây chỉ trong trường hợp sách nằm trong lưu chiểu hoặc thư viện. Còn người ta vẫn dùng, vẫn bán thì khó.
* Với hàng hóa đặc biệt như từ điển, hình phạt liên quan có nên nặng hơn so với các sách khác không, thưa ông?
- Đấy là câu chuyện quản lý. Hiện nay, mọi sách đều bình đẳng như nhau, các loại hình sách: sách tôn giáo, sách giáo khoa, sách từ điển. Mọi người nâng quan điểm từ điển là sách công cụ, là khuôn vàng thước ngọc nên nó sai thì nguy hiểm. Có lẽ cũng nên phân loại sách nào khi vi phạm thì chế tài sẽ nặng hơn, không riêng gì từ điển. Chẳng hạn, sách liên quan đến chính trị hay tôn giáo cũng quan trọng chứ.
Những dòng sách được cho là quan trọng trong xã hội, có tác động lớn tới cộng đồng, sai phạm lớn hơn thì phải có chế tài để nhắc nhở, để thắt chặt việc biên soạn sao cho hợp lý. Nhưng không riêng từ điển, mà có thể là các loại sách khác nữa, chẳng hạn sách giáo khoa, sách chính trị…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.