Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn hy sinh trong ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên

22/09/2021 06:11 GMT+7

Năm 1945, để chiếm lại Nam bộ và cả nước Việt Nam, Pháp chiếm Sài Gòn làm bàn đạp. Trước đó gần thế kỷ, năm 1859, Pháp đã chiếm Sài Gòn, từ đó chiếm Nam kỳ rồi toàn bộ Việt Nam.

Sự lặp lại của lịch sử nói lên tầm quan trọng của chiến lược vốn có ở vùng đất này. Nhưng lần này, nhân dân Sài Gòn nói riêng, nhân dân Nam bộ nói chung đã viết nên những trang sử kháng chiến vẻ vang.
Ngay trong đêm 22.9.1945, tiếng súng Nam bộ kháng chiến vang lên đầu tiên ở Sài Gòn, mở đầu cho trang sử chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc trong cuộc kháng chiến trường kỳ (1945 - 1975).
Tối 24, sáng 25.8.1945, khi cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thành công tại thành phố Sài Gòn, đại tá Cédile - sĩ quan tình báo Pháp - người 3 ngày trước đó nhảy dù xuống Tây Ninh, bị thanh niên bắt, rồi được quân Nhật đưa về Sài Gòn, đã chứng kiến tất cả. Đại tá Cédile có mặt tại Sài Gòn lúc này với sứ mệnh chiếm lại Đông Dương theo tuyên bố ngày 24.3.1945 của tướng De Gaulle: một liên bang Đông Dương gồm 5 xứ (Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ, Lào, Miên) đứng đầu là một viên Toàn quyền Pháp chủ tọa Hội đồng Chánh phủ mà các bộ trưởng đều do Toàn quyền chỉ định, thêm một Viện Dân biểu chỉ có quyền biểu quyết về ngân sách.
Ngày 27.8, Cédile được đại biểu Lâm ủy hành chánh Nam bộ tiếp. Ông ta đưa ra tuyên bố của tướng De Gaulle. Đại biểu của Lâm ủy không thảo luận bản tuyên bố của De Gaulle, mà trả lời thẳng thắn: “Dân tộc Việt Nam đã tự sức mình giành được độc lập thống nhất rồi, điều kiện để thương lượng có kết quả giữa Việt Nam và Pháp là Pháp phải công nhận độc lập và thống nhất của nước Việt Nam”.

Mở đầu trang sử chống xâm lược

Cả hai bên đều hiểu rằng Pháp muốn lập lại bộ máy cai trị thực dân bằng vũ lực, nhưng bây giờ lực lượng chưa đủ mạnh nên phải núp bóng quân Anh. Sau ngày 2.9.1945, liên quân Anh - Pháp vào Sài Gòn ngày càng đông do thiếu tướng Gracey chỉ huy. Ngày 21.9, tướng Gracey tuyên bố thiết quân luật, cấm người Việt Nam mang vũ khí gậy gộc đi ngoài đường Sài Gòn. Pháp thấy đủ sức dùng bạo lực đánh đổ chính quyền nhân dân; họ hứa với quân Anh là chỉ cần 48 giờ thì làm chủ Sài Gòn. “Người Việt Nam nhát gan lắm. Chỉ cần tỏ ra cứng rắn và rút cây gậy ra thì họ sẽ chạy trốn như vịt”, nhà sử học Pháp Philippe Devillers đã dẫn lại câu cửa miệng thường kháo nhau của thực dân Pháp như vậy. Trước sự tự tin của phía người Pháp, thiếu tướng Gracey đồng ý để Pháp tiến hành một cuộc đảo chính (coup d’État).
Xế chiều 22.9.1945, đại tá Cédile gửi lời mời 2 ông Trần Văn Giàu và Phạm Ngọc Thạch sang dinh Toàn quyền cũ “ăn tối để đàm phán”. Biết rằng đây là thủ đoạn gài bẫy nhằm bắt sống 2 nhân vật chủ chốt của Nam bộ, cả hai ông đều vờ nhận lời nhưng không sang, đồng thời chỉ thị cho các cơ quan cảnh giác, đề phòng thực dân đánh úp. Quả nhiên, tối hôm đó, thực dân Pháp chiếm trụ sở Ủy ban Nhân dân Nam bộ, chiếm trụ sở Quốc gia tự vệ cuộc... Nhân dân Sài Gòn đánh trả tức khắc ngay trong đêm 22.9.1945. Tiếng súng Nam bộ kháng chiến vang lên đầu tiên ở Sài Gòn mở đầu cho trang sử chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc trong cuộc kháng chiến trường kỳ (1945 - 1975).
Cuộc kháng chiến bắt đầu!
Nhà báo Trần Tấn Quốc kể trong sách Saigon Septembre 1945: Dân quân Việt Nam dùng chiến thuật du kích mà đánh, khi ẩn, khi hiện, đột nhập thình lình để phá hoại rồi rút đi. Chẳng những thường dân Pháp kinh hoàng vì không biết du kích sẽ xuất hiện lúc nào, ở đâu, mà đến cả quân lính Pháp, Anh - Ấn cũng không làm sao biết trước để ngăn ngừa.
Xung quanh Sài Gòn đã thành lập 4 mặt trận bao vây thực dân Pháp. Mặt trận nội thành cũng được lập ra để chiến đấu. Phối hợp với lực lượng vũ trang Sài Gòn, các tỉnh đều trích trong số quân ít ỏi của mình gửi lên mặt trận Sài Gòn, trong đó có cả đồng bào Thượng ở Biên Hòa - Thủ Dầu Một với ná, tên tẩm thuốc xuống chiến đấu ở mặt trận Thị Nghè - Cầu Bông.

Những lá phiếu thấm máu

Không chỉ đấu tranh vũ trang, Sài Gòn kiên cường đấu tranh chính trị. Đầu năm 1946 ở Sài Gòn đã tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Không có phòng bỏ phiếu cố định cho mỗi khu phố, nhưng khu phố nào, kể cả các khu phố trung tâm, cũng đều có cán bộ, chiến sĩ đem thùng phiếu tới nhà, tới ngõ cho đồng bào bỏ phiếu. Cả Sài Gòn - Chợ Lớn có hàng trăm thùng phiếu lưu động như vậy. Trong cuộc bầu cử này, không ít lá phiếu nhuốm máu cả người đi bầu và người tổ chức bầu cử. Khoảng 40 cán bộ hy sinh. Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Tư - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn, đã ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ tổ chức bầu cử.
Các nhà sử học sau này đã đánh giá: Bằng cách can đảm bỏ phiếu bầu cử đại biểu của mình vào Quốc hội, đồng bào Sài Gòn khẳng định lòng tin vào Chính phủ Cụ Hồ, vào đường lối đấu tranh kiên quyết cho độc lập và thống nhất.
Năm 1948, kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến chống Pháp, để tỏ lòng biết ơn 6 vị liệt sĩ người Nam bộ đã hy sinh vì Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Bảng vàng Danh dự truy phong hàm đại tá cho ông Nguyễn Văn Tư.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.