Chữ 'ni' trong 'ni cô' bắt nguồn từ đâu?

13/12/2020 11:10 GMT+7

Chữ ni trong ni cô bắt nguồn ở sa-di-ni hay tỷ-khưu-ni? Chúng tôi xin giải đáp cho câu hỏi này qua những tìm hiểu, phân tích dưới đây.

Phật Quang đại từ điển (PQĐTĐ) do Sa-môn Thích Quảng Độ dịch cho biết: “Tỷ khưu ni “比丘尼 “Phạm: Bhiksunī (Phạm [Phạn], tức Sanskrit - AC).
“Pāli: Bhikkhnī (Bhikkhunī, in thiếu chữ “u” - AC).
“Cũng gọi: Bật sô ni, Tỉ hô ni, Phức sô ni…
“Hán dịch: Khất sĩ nữ, Trừ nữ, Huân nữ.
“Gọi tắt: Ni (Chúng tôi nhấn mạnh - AC).
“Người nữ được độ xuất gia, thụ giới Cụ túc, gồm 348 giới điều”.
Cứ như trên thì hiển nhiên là chữ ni trong ni cô xuất phát từ tỷ khưu ni (Cũng gọi tì-khiêu-ni, tì-kheo-ni,...) vì tỷ khưu ni là người nữ đã “thụ giới Cụ túc” còn sa-di-ni, cũng theo PQĐTĐ, chỉ là “người nữ mới xuất gia thụ trì 10 giới, chưa thụ giới Cụ túc (Chúng tôi nhấn mạnh - AC)”. Huống chi, từ xưa đã có sách nhận xét rằng “sa-di-ni” là một cách dịch không đúng, như Từ điển Phật học Hán Việt (TĐPHHV) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Kim Cương Tử chủ biên cũng đã nêu. Tại mục sa-di-ni 沙彌尼, sách này viết: “Srāmanerika (Thuật ngữ) Cách dịch mới là Thất-la-ma-ni-lí-ca, có nghĩa là sa-di nữ. Câu-xá quang ký, q.14: “Thất-la-ma-ni-lí-ca, tiếng Hán dịch là Cần sách nữ. ‘Lý[sic] (ri) là tiếng chỉ về nữ giới. Trước dịch là Sa-di-ni là sai (Chúng tôi nhấn mạnh - AC)”.
Có lẽ cũng chính vì sự sai này mà quyển The Sanskrit-Chinese Dictionary of Buddhist Technical Terms (Based on the Mahāvyutpatti) by Unrai WOGIHARA (Reprinted by SANKIBO TOKYO 1950) đã đánh dấu chấm than trong ngoặc đơn sau chữ Hán sa-mi [沙彌] tại mục 20 của tr.102, rồi còn ghi thêm hình thức phiên âm được cho là chính xác (là thất la ma noa), như sau: “20. Śramanah 沙彌(!) (室羅摩孥)”
Đúng là sa-di không tương ứng với śramanah mà sa-di-ni cũng không tương ứng với srāmanerika về mặt ngữ âm: Âm tiết thứ hai của hai từ śrāmanahsrāmanerika đều là -ma- chứ không phải -mi- nên không thể ứng với di [彌] trong sa-disa-di-ni, mà âm cổ Hán Việt là mi (Trở xuống, chúng tôi sẽ viết sa-mi sa-mi-ni để biện luận khi cần thiết).
Ở đây, nhà phiên âm (từ xưa bên Trung Quốc) đã nhầm lẫn śrāmanerika của tiếng Sanskrit với svāmini của chính tiếng Sanskrit mà từ tương ứng của tiếng Pali là sāminī. Svāmini sāminī là giống cái của svāminsāmin, có nghĩa là “chủ nhân; chúa tể”. Vậy svāminisāminī là “nữ chủ nhân; nữ chúa tể”.
Sa-mi-ni tương ứng với svāminisāminī chứ không phải với srāmanerika. Việc phiên âm svāminisāminī thành sa-mi-ni [沙彌尼] để chỉ “cần sách nữ” là điều không đúng. Thực ra, liên quan đến khái niệm “cần sách nữ” thì tiếng Pali lại là samanī, chứ không phải sāminī. Samanī có nghĩa là “ni cô, nữ tu sĩ”, nên mới cùng một trường nghĩa với “cần sách nữ”. Đây là nói về ngữ nghĩa. Còn về ngữ âm thì samanī cũng khác sāminī ở hai điểm: ma ≠ mi (về nguyên âm) và nī ≠ nī (về phụ âm).
Rồi sau khi phiên âm sāminī là “nữ chủ nhân” thành sa-mi-ni để chỉ “cần sách nữ” thì nhà phiên âm (hoặc người sử dụng ngôn ngữ) đã lược bỏ âm tiết thứ ba là -ni (do quan niệm rằng ni là yếu tố chỉ giới tính nữ) nên chỉ còn sa-mi để chỉ “cần sách nam”. Trong khi đó, tương ứng với khái niệm “cần sách nam” thì tiếng Sanskrit là śramana còn tiếng Pali là samana, vốn đã được phiên âm thành sa-môn [沙門], mà PQĐTĐ đã ghi rõ là: “SA MÔN
“Phạm: Śramana.
“Pāli: Samana.
“Hán âm: Thất la mạn noa, Xá ra ma noa, Sất ma na noa, Sa ca mãn nang.
“Cũng gọi: Sa môn na, Sa văn na, Tang môn.
“Hán dịch: Cần lao, Công lao, Cù lao, Cần khẩn, Tĩnh chí, Tịnh chí, Tức chỉ, Tức tâm, Tức ác, Cần tức, Tu đạo, Bần đạo, Phạp đạo.
“[…], chỉ chung những người xuất gia, cạo bỏ râu tóc, ngăn dứt các điều ác, siêng tu các việc thiện, điều phục thân tâm, cầu mong đạt đến Niết bàn […]”.
Vậy chỉ có sa-môn mới đích thị là “cần sách nam”, chứ không phải “sa-mi > sa-di”. Chính là căn cứ vào hai tiếng sa-môn mà người ta mới đặt ra cách gọi sa-môn nữ [沙門女] để chỉ ni cô. Còn việc phiên âm sai thành “sa-di-ni” để chỉ cần sách nữ rồi bớt “ni” cho thành “sa-di” để chỉ cần sách nam chỉ là một việc làm tréo ngoe.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.