Chỗ ba nằm - Truyện ngắn của Phát Dương

28/01/2018 07:31 GMT+7

Cố giữ cây lược thật chặt trong cánh tay đang run rẩy từng đợt, Mượn mím môi chải đầu cho ba.

Răng lược khít vậy mà gặp mớ tóc xác xơ cũng thành ra thênh thang và lạc lõng. Mái đầu ba như ngọn đồi sạt lở, lộ ra những mảng da đầu nhờ nhờ nhấp nhô gờ sọ. Mớ tóc đó, chải chỉ để xót xa ngắm đằm vô lòng chứ cần chi thẳng thớm đâu. Vậy mà ba vẫn đòi Mượn chải cho. Cô đành làm theo cho ba vui.
Từ cửa sổ, nắng ấm tràn vào gặp bụi trở thành lấp lánh. Những sợi tóc mỏng, có sợi đã khô quắt màu bạc trắng, có sợi đã già một nửa, có sợi quắt lại như người bệnh gặp lạnh; tất cả như cháy sáng trong nắng. Nắng tràn vô răng lược, như mong lấp khít những kẽ hở. Dòng ánh sáng nóng ấm chảy xuống người Mượn và ba, dừng lại ở chân ba đang xếp hờ.
Mượn khẽ thở dài. Đôi chân cuồn cuộn cơ của một nông dân lực điền chỉ còn da bấu sát vào những đường xương. Đôi bàn chân ba teo tóp lại, như người ta vắt một nắm lá khô kiệt đắp vô. Đôi bàn chân đó, ngày xưa xỏ đôi dép nào cũng chê chật phải choài ngón ra đằng mũi mới thoải mái. Giờ đút vô đôi dép lào màu da lươn trở nên lạc lõng như người ta thả con cá bảy màu vô lu nước. Đôi bàn chân đó, hồi xưa từng đạp đổ mâm cơm khi không vừa ý. Từng đá vô người má trong một cơn say dâng huốt chân tóc. Từng hung hãn là vậy, mà hiện tại nó buông thõng và nằm ngoan hiền như một dây khoai. Kể cả màu da phủ bọc cũng khiến người ta nghĩ tới màu lá.
Mượn dừng tay khi nghe tiếng ba rên khe khẽ. Cô hoảng hốt nghĩ chắc trong lúc lơ đãng cô đã khiến răng lược cào vô da đầu làm ba đau chăng. Nhưng ba hình như không đau. Mượn chồm lên đổi thế ngồi trước mặt ba, coi ý ba muốn gì. Đối mặt với cô là một nụ cười, không, những đường nét nhăn nheo xô vào nhau vẽ nên một vết nhếch trên miệng ba mà cô nghĩ là nụ cười. Ba khẽ đưa tay lên, chạm vào tóc cô. Những ngón tay trơ xương của ba run rẩy như cánh chim bay ngược chiều gió bấc, cố đi tìm mùa xuân muộn màng của mình. Hình như tay ba còn dính dầu cù là, chạm tới đâu là trán Mượn nóng bừng như có lửa. Ngón tay ba mất rất lâu mới tìm được đường lên tới sát chân tóc Mượn.
Những sợi tóc hình như bốc cháy. Nó nóng hổi như thể lửa phả thẳng vô hay ai đó đang gí hòn than rực đỏ lên. Chỗ đó đó, chỗ cái thẹo dài như con rết nằm trốn trong mớ tóc mái lưa thưa của Mượn. Ba mân mê cái thẹo bằng đôi mắt có nước.
Ba nhớ không, hay chỉ là một sự hối hận vô thức ùa về chiếm lấy con người?
***
Mượn thấy mình bị xếp lại thành một con thuyền giấy. Và không gian dường như chảy xiết hóa dòng chảy đẩy cô xuôi về những khoảng xa ngút đã được giấu rất kỹ trong lồng ngực.
Mượn trôi về chỗ xoáy. Cô thấy cả người mình chao đảo khi những ký ức ập về, cuồn cuộn với những đợt sóng xô bất ngờ. Năm mười tuổi, Mượn thấy ba chở một người đàn bà lạ mặt ở sau, chỗ mà lâu lắm rồi má chưa được ngồi.
Năm mười một tuổi, lần đầu tiên Mượn biết là người ta có thể chan nước mắt vô cơm thay vì chan canh. Và người ta có thể lùa những đũa trống không, chén cơm thì còn nguyên mà miệng lại kêu no dữ lắm rồi. Má cô lúc đó như vậy, trong những buổi cơm nguội ngắt vì chờ cho đủ mặt gia đình mà ba hoài không thấy về.
Sáu tháng sau, những tiếng đổ vỡ trở thành quen thuộc. Cứ vào bữa cơm là sẽ đơm thêm dăm tiếng cằn nhằn, và chúng sẽ nhanh chóng mọc lên xanh rì những cọc cằn trơ trọi trong tiếng chửi thề của ba. Má luôn có bộ mặt đỏ bừng, từng cơ thịt sưng lên với những tiếng la; rồi cuối cùng vỡ ra thành lã chã những giọt nước mắt tròn vo ướt một vùng chiếu lớn. Đó, là lúc đó đó. Đôi chân của ba đang một chống một nằm đã dựng phắt dậy, gom mâm cơm xuống đất chỉ bằng cú đá dễ như người ta đá banh vào lưới. Những miểng chén, đĩa, cơm trắng và thịt thà rau cải trộn chung bụi đất thành một mớ. Đâu có ai nghĩ những thứ đó có thể nằm chung như vậy, mà thật sự chúng đã nằm chung như vậy không phải một hai lần. Con Lu dù tham ăn đến đâu cũng chỉ dám núp sau kẹt tủ run bắn nhìn chứ không dám chồm tới, trong khi nó từng lao ra liếm hết bãi ói của ba.
Ba tháng sau đó nữa, ba cho quần áo vô bị xách đi trong cái giằng níu của hai má con Mượn. Lúc mới cưới, ba kêu má là cành cho con chim mỏi là ba tìm chỗ đậu. Còn khi đó, ba nói má là sợi dây thít chặt chân con chim muốn vỗ cánh lên trời. Cánh tay ba mạnh lắm, từng là chỗ để Mượn câu vô chơi trò xích đu với tiếng cười giòn. Dường như mạnh gấp đôi, gấp ba, cánh tay đó hất Mượn gọn hơ về phía tủ thờ. Khúc sau đó Mượn không nhớ, bởi cô đã lọt hẳn vô một vùng tối tăm và mờ mịt của sự sụp đổ về hình tượng một người ba. Bác sĩ thì la cô ngất vì bị va đập mạnh. Chỉ biết rằng khi mở mắt được và nghe những tiếng ồn ào xốc tới, Mượn mới hay nhà mình giờ chỉ còn hai má con thôi. Và trên đầu, vết thương rỉ máu loang ra đỏ miếng băng. Má xoa đầu an ủi, lớn lên để tóc mái che là không ai thấy đâu. Nhưng Mượn biết là thấy hay không thấy, nó vẫn đã tồn tại và in rành rành ra đó.
***
Ba lên cơn ú ớ. Tiếng la hét nứt ra từ giấc ngủ dang dở giữa trưa, trồi lên khô khốc. Mượn đang may cho xong cái áo của khách hối gấp, giật mình đạp lệch đường chỉ. Cô xô ghế, tốc chạy tới chỗ ba. Tiếng la của ba dồn dập, sát tới mức lồng vô nhau thành một chuỗi âm thanh khó hiểu. Mượn không nghe được gì, nhưng đọc được từ ba sự sợ hãi căng cứng. Người ba cong lên như một con tôm, rồi đột ngột búng thẳng ra như người ta dùng lực muốn xé đôi một mảnh vải. Với mồ hôi tẩm ướt đẫm, ba trông như một con nhái xanh lét bị dính câu đang giãy giụa.
Mượn đưa tay nắm lấy tay ba, tay còn lại vuốt hối hả lồng ngực đang phập phồng thở gấp. Miệng cô không ngừng nói “Có con đây, có con đây”. Hình như ba nghe được. Cơn co giật của ba đột ngột biến mất như người ta nhấn phanh một chiếc xe đang quá tốc độ, khiến cơ thể ba xốc mạnh lần cuối rồi thả mềm ra giường. Nét mặt co quắt của ba giãn ra như một miếng bông gặp nước, hơi thở đã đều đặn trở lại. Không biết ba đã mơ thấy gì mà hoảng sợ tới vậy.
Ba đã đi mấy chục năm trời theo người đàn bà cho mượn tiền góp, rồi ba về bất ngờ như lúc đi. Cũng giống hệt, lúc ba đi mất kiểm soát trong cơn say thì lúc về ba mất nhận thức trong cơn bệnh. Chỉ khác là lúc đi khăn gói hùng dũng, lúc về nằm gọn hơ trong vòng tay của mấy người xe ôm, kèm lời nhắn “Tui trả ổng cho mấy người”.
Mượn đã hớt hải không biết làm sao, cô như cái bong bóng đột ngột bị bơm phồng lên tưởng sắp nổ. Cô đã gọi cho má, nhưng má không về. Dù nghe có tiếng đổ vỡ bên kia đầu dây và những run rẩy tượng hình, cô vẫn không hiểu sao má không chịu về gặp ba. Má có lo không? Chắc là có. Má sẽ thấy thế nào: Hả hê, xót xa, chua chát, mủi lòng hay một thứ cảm xúc hỗn độn nào đó? Không biết chắc được. Lâu rồi Mượn có gặp má đủ lâu để hiểu hết mà đoán cho rõ ràng đâu.
Không biết bên kia có kêu má về không. Ngày Mượn đủ lớn, má có chồng khác. Bên đó cũng thương Mượn lắm, kêu cô về ở chung hoài. Nhưng cô muốn ở lại căn nhà cũ, vừa để coi sóc những kỷ niệm còn sót lại của một gia đình sóng gió, vừa để lòng lắng lại những ngầu đục xúc cảm đang lồng lên dưới bộ mặt lúc nào cũng mỉm cười. Cô đâu có trách ai, chỉ là dù gật đầu nói “ổn” thì trái tim vẫn thú thiệt gần nó còn nổi cộm những điều chưa thể thấu xong. Dù gì, cô cũng muốn má có hạnh phúc mới. Người đàn bà yêu thương của cô đã chịu khổ nhiều rồi. Cô chỉ ở lại, để coi khi thời gian ùa qua cuốn hết những cành lá ngoài sân, cái cây vú sữa già cỗi sẽ còn lại gì. Má thấy cô kiên quyết cũng xuôi, cô biết ý nên siêng qua lại cho má yên lòng.
Giờ, căn nhà thêm một người. Không, là trở về mới đúng. Ba chỉ rời đi thôi, và giờ ba đã quay lại. Mượn thấy lòng rợn một đợt cảm xúc khó tả, như lòng cô đang vào đợt giao của mùa ghét mùa thương. Cô vẫn chăm sóc cho ba, đúng bổn phận một người con đã làm tròn, dù cho người ta có nói ra nói vô rằng tiếng ba cô gọi có phần méo mó.
Mượn tập quen với chuyện ba đã không còn nhận ra cô là ai. Cô cũng dần hiểu rằng giờ ba như một đứa trẻ, mà quá khứ là ông kẹ vô cùng đáng sợ. Mượn được người chở ba đi khám bệnh, cô cũng từ từ biết được từng cái tên đang hành hạ cơ thể ba. Và cô học cách đọc tên thuốc, nhớ cách dùng, biết cách tiêm và chăm sóc như một điều dưỡng thành thạo.
Mượn cố gắng lấp đầy căn nhà bằng những tiếng nhạc ra rả từ băng cát sét. Nhưng chúng chỉ khiến cô trơ ra và bị hút vào một kẽ nứt bấp bênh. Máy cát sét bị cất trở lại tủ. Mượn để mặc căn nhà thênh thang. Cô nhận ra trong không gian im lìm, thỉnh thoảng vang lên tiếng hức hức của ba làm nảy mầm trong cô một vài điều gì đó. Điều gì? Chính cô cũng chưa rõ nữa. Mà lá trên cây vú sữa gặp hạn bà chằn đã trút hết rồi.
***
Ba từng đi nát cái xóm này. Cả xóm trên xóm dưới, hay cả cái tỉnh này cũng đâu thiếu dấu chân ba. Mà hiện tại, nhích người để tránh nắng hắt vô mặt cũng làm ba thở phì phò như người ta leo núi.
Chỗ ba nằm là cả một thế giới. Có đầy đủ quần áo, khăn lau cần dùng là có. Có thuốc men, sữa, bánh treo lủng lẳng muốn lấy chỉ thò tay là được. Có cả số điện thoại bác sĩ và chú xe ôm ghi sẵn trên tường, để có chuyện là gọi liền. Tất cả gom lại vây quanh ba, như ba là cả thế giới. Tất cả vì ba.
Mà cái giường đúng là cả thế giới của ba thật. Trong những cơn mê sảng mà thi thoảng Mượn nghe rõ được tiếng ba, nó có khi là cánh đồng. Hình như bữa hôm ba mơ thấy mùa lúa thất, môi ba quặp vào nhau thành hình vỏ trấu bị bóp lại. Có khi, cái giường là con sông, khi ba ú ớ la “nước nước”. Phải ba mơ thấy chết đuối không mà ba quơ quào như thể đang bơi giữa dòng chảy xiết? Đôi lúc, cái giường lại là con đường đầy xe. Khi ba vẫy vẫy tay như xin đường, tay còn lại co nắm như giữ một thứ vô cùng giá trị. Và rất nhiều lúc khác nữa, một số ít Mượn đoán hờ được.
Từ từ Mượn cũng cắt nghĩa được những nơi mà cái giường hóa thành trong giấc mơ xanh mét và co rúm của ba. Cánh đồng đó, ba từng đổ mồ hôi xuống bón cho từng ngọn lúa. Đợt mất mùa, ba má ôm bụng đói nhường mấy củ khoai cho Mượn ăn, cô nhớ mà. Cũng cánh đồng đó, ba mạnh khỏe là vậy lại trúng nắng ngã ngang. Má gầy xọp là vậy mà mím môi xốc được lên lưng cõng ba chạy kịp về nhà cạo gió.
Con sông đó, có lẽ là con sông vắt ngang qua bờ dừa cuối xóm. Chỗ ba thường hay dẫn Mượn ra tập lội. Ba kéo bập bè cho Mượn ôm đạp nước, hay chọc cô lội gì y chang con chó con. Cũng chính ở dòng sông đó, ba đã chống xuồng đưa má ẵm Mượn đang chìm lỉm trong cơn sốt ra trạm xá. Xuồng lủng, nước tràn vô nên chìm. Ba đã chới với trong làn nước dồn dập, kêu gào tên má và Mượn.
Con đường mà ba mơ chắc là con đường lên thành phố. Lúc đó, Mượn nhớ cô được trường cho đi thi vẽ. Ba tự hào lắm, soạn đồ tự mình đưa cô đi. Mượn thấy tay mình còn nguyên hơi ấm từ bàn tay vững chãi của ba, khi ba đưa tay xin đường dẫn cô qua bên kia. Đường thành phố đông xe cộ lắm, để vuột tay nhau là lạc cái một. Ba nắm cô chắc lắm, cẩn thận lắm. Sao ba không nắm tay Mượn đi hoài, đi hoài? Ba buông chi, để Mượn lạc ba mấy chục năm trời…
Ba lại đang mơ. Không biết trong từng đợt lắc mạnh của tay chân, ba đang lạc trong chỗ ngoặt nào của ký ức. Cái giường đã biến thành chỗ nào rồi, lúc ba còn bên má con Mượn hay lúc đã bên người ta?
Dù là ở đâu, dù ba mơ điều gì, Mượn vẫn nhẫn nại vuốt vuốt lồng ngực ba để gọi lại những hơi thở bình thường. Và tay cô giữ lấy tay ba, y như hồi xưa ba từng dìu cô tập đi trở lại khi đôi chân trật đã được tháo băng.
Khi ba đã chìm sâu lại vô giấc ngủ, Mượn nghe có tiếng bước chân. Cô khẽ khàng quay sang, và từ trong cô hiện rõ một cơn chấn động.
Má, má về. Má đưa ngón tay ra hiệu cho cô giữ im lặng. Chắc má muốn ba ngủ thêm. Má hình như ốm đi, và trong mắt má có cái gì lạ lắm.
Nắng từ cửa sổ hắt xuống, kéo bóng những thứ nó chạm tới dài ra. Bóng cái giường có ba nằm ở trên. Bóng Mượn ngồi bên mép giường vỗ về giấc ba. Bóng má đứng ở sau đang lặng lẽ nhìn. Cả ba thứ thấy xa là vậy, mà những cái bóng kéo dài lại sát rạt nhau. Chưa hòa chung, vẫn còn một khoảng hở nhỏ như ngón áp út. Nắng có còn đủ để kéo ba cái bóng lại không, hay mặt trời sẽ buông tay rớt xuống tắt ngúm?
Và ngoài sân, cây vú sữa khô queo vẫn đứng trầm tư. Chú Mượn đã hăm cưa nó làm củi, nhưng Mượn cản kêu để ngó chơi. Để ngó nó trầm tư, coi thử nó có chịu ra lá non không. Bóng của cây vú sữa đó hình gì, sao mà đôi mắt cay xè của Mượn ngó hoài vẫn không nhìn ra được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.