Chiều nay tòa tuyên án vụ kiện “Thần đồng đất Việt”

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
14/02/2019 11:21 GMT+7

Theo lịch, chiều 14.2 TAND Q.1 (TP.HCM) sẽ tuyên án sơ thẩm về tranh chấp tác quyền bộ Thần đồng đất Việt - một “siêu phẩm” truyện tranh hấp dẫn của VN.

Chủ tọa phiên tòa gay cấn là thẩm phán Nguyễn Quang Huynh cùng hai hội thẩm nhân dân Đinh Thị Ngọc Châu và ông Trần Văn Mẫn. Về phía Viện KSND Q.1 có bà Trần Lệ Thủy.
Luật sư của phía nguyên đơn có bà Trương Thị Thu Hồng và ông Phạm Đại Lợi (thuộc Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh), bên cạnh đó còn có nhiều nhân chứng từng làm việc tại công ty với ông Lê Linh. Về phía công ty Phan Thị, đại diện cho bà Phan Thị Mỹ Hạnh là GS.TS Luật Nguyễn Vân Nam (công ty Tư vấn Luật Nam Hùng).
Trong các ngày xử phiên sơ thẩm, ông Lê Linh luôn có mặt từ sớm
Nguyên đơn thực hiện các thủ tục tại tòa
Bên nguyên đơn và luật sư bị đơn (ảnh dưới) tranh cãi gay gắt tại phiên tòa
Trước đó, tại nhiều phiên xử đã liên tục diễn ra những tranh cãi gay gắt của cả hai bên “bất phân thắng bại”. Phía ông Lê Linh cho rằng mình là tác giả duy nhất, còn bên Phan Thị luôn khẳng định là đồng tác giả.
Vụ việc tranh chấp không thể hàn gắn vì ngoài tiền nhuận bút đã nhận ông Linh còn yêu cầu Công ty Phan Thị phải trả thêm cho ông 10% giá bìa của từng tập nhân với tổng số ấn bản từng tập và 30% giá trị hợp đồng của bất cứ hợp đồng nào mà công ty ký kết với bên thứ ba để khai thác Thần đồng đất Việt (TĐĐV) cũng như các hình tượng nhân vật. Chưa hết, nếu công ty đồng ý như vậy, ông còn phải được truy thu cho tất cả các tập trước đó.
Luật sư bên bị đơn cho rằng: “Theo Luật sở hữu trí tuệ Việt nam (Điều 4, khoản 7 và Điều 14, khoản 3 LSHTT) cũng như tiêu chuẩn quốc tế về quyền tác giả, một tác phẩm để tác giả của nó được hưởng bảo hộ quyền tác giả phải là sản phẩm sáng tạo tinh thần mang dấu ấn cá nhân của tác giả trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học. Điều 14, khỏan 3 LSHTT còn nhấn mạnh rằng, tác phẩm được bảo hộ phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình. Với các điều kiện luật định như vậy, nguyên đơn không thể là tác giả của các tác phẩm hình vẽ 4 nhân vật: “Trạng Tí”, “Sửu Ẹo”, “Dần Béo”, “Cả Mẹo”; đang tranh chấp”.
Vụ án được báo giới đặc biệt quan tâm
Họa sĩ Lê Linh cho biết đã đeo đuổi không biết mệt mỏi  vụ kiện hơn 12 năm nay
Tại tòa, đại diện Viện KSND Q.1 nêu quan điểm, trong đơn yêu cầu Cục bản quyền tác giả cấp bản quyền tác giả cho 4 hình tượng các nhân vật "Trạng Tí", "Sửu Ẹo", "Dần Béo", "Cả Mẹo" thì nội dung chỉ xác nhận ông Linh và bà Hạnh được Phan Thị giao nhiệm vụ thực hiện các tác phẩm: bản vẽ nhân vật các nhân vật nêu trên để in trên bộ truyện tranh toàn bộ quyền sở hữu thuộc về công ty Phan Thị, không có nội dung nào xác nhận ông Lê Linh là đồng tác giả với bà Hạnh. Mặc khác trước khi đăng ký bản quyền tác giả, từ tập 1 đến tập 6, trên sách TĐĐV đều ghi tác giả truyện và tranh là Lê Linh.
Phía bị đơn cho rằng bà Hạnh đã chỉ cho ông Linh vẽ nhưng không đưa ra được chứng cứ chứng minh nên Viện KSND Q.1 cho rằng yêu cầu khởi kiện của ông Linh là có cơ sở chấp nhận, ông Linh là tác giả duy nhất và bà Hạnh không phải là đồng tác giả của 4 hình tượng nhân vật này.
Trao đổi với PV Thanh Niên trước khi tòa tuyên án, ông Lê Linh khẳng định: “Tôi đồng ý theo quan điểm của Viện KSND Q.1 và đang chờ đợi sự công minh của pháp luật để quyền tác giả duy nhất của mình được công nhận". Tuy nhiên, luật sư phía bị đơn tại phiên tòa cho rằng, vụ án vẫn còn trải qua các giai đoạn phúc thẩm và giám đốc thẩm nữa nên sẽ theo đuổi đến cùng để quyền lợi đồng tác giả của bà Mỹ Hạnh được bảo vệ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.