Chiếc trực thăng cuối cùng

30/04/2015 09:00 GMT+7

Một chiếc trực thăng UH màu trắng bạc, đậu chênh vênh trên một nóc nhà nhỏ. Một người đứng bên trực thăng cúi xuống kéo từng người một đang rồng rắn leo lên từ một chiếc thang mỏng manh trên sân thượng một tòa nhà.

Một chiếc trực thăng UH màu trắng bạc, đậu chênh vênh trên một nóc nhà nhỏ. Một người đứng bên trực thăng cúi xuống kéo từng người một đang rồng rắn leo lên từ một chiếc thang mỏng manh trên sân thượng một tòa nhà.
Bức ảnh nguyên gốc trực thăng đón và bốc người đi di tảnBức ảnh nguyên gốc trực thăng đón và bốc người đi di tản
Hình ảnh này xuất hiện trên nhiều tờ báo Mỹ và phương Tây đúng ngày 30.4.1975 khi loan tin “The fall of Saigon” - Sài Gòn thất thủ.
Hình ảnh bi hài ấy nhanh chóng trở thành một biểu tượng cay đắng của một đế quốc khổng lồ tháo chạy khỏi một cuộc chiến dai dẳng với một đất nước nhỏ bé. Một ngày đầu tháng 4 năm nay, cùng một nhà báo Thụy Sĩ, tôi tìm đến địa điểm bức ảnh Chiếc trực thăng cuối cùng và câu chuyện phía sau. Năm 1975, cả anh và tôi đều còn nhỏ tuổi, giờ đây càng tò mò muốn biết cuộc chiến đã kết thúc ra sao.
“Chuồng cu” cheo leo ở số 22 Gia Long
Nhiều năm sau chiến tranh, bức ảnh có mặt ở nhiều nơi với dòng chú thích: trực thăng bốc người trên nóc Sứ quán Mỹ tại Sài Gòn. Nhưng sau đó, quyển hồi ký của Frank Snepp - điệp viên CIA mang tên Decent interval (ở VN sách được dịch với tên Cuộc tháo chạy tán loạn) cho biết đây không phải là Sứ quán Mỹ mà là tòa nhà số 22 Gia Long (bây giờ là đường Lý Tự Trọng). Lần theo con số đó, chúng tôi đến một tòa nhà bề thế, hiện là trụ sở của khá nhiều công ty thuộc một tổng công ty hóa chất. Tòa nhà có chiều ngang khoảng 30 m, cao 9 tầng, trông giống một chiếc hộp lớn, hay đúng hơn là một chiếc chuồng bồ câu có những ô cửa vuông vức. Nó nằm bên cạnh Trường Lasan Taberd (nay là Trường Trần Đại Nghĩa), cách ngã tư Đồng Khởi - Lý Tự Trọng mươi bước.
Nếu chỉ nhìn từ dưới vỉa hè lên sẽ không thấy được sân thượng tòa nhà vì nó thụt vào sâu. Nhìn bức ảnh, chúng tôi nghĩ rằng giữa sân thượng có một “ngôi nhà nhỏ” bên trên có một “căn phòng” hay một kiến trúc gì đấy nơi chiếc trực thăng đáp xuống trên nóc. Thế nhưng, thật bất ngờ, khi cửa thang máy tầng 9 mở ra, chúng tôi mới nhận ra đây không phải là “ngôi nhà nhỏ” mà là một sảnh nhỏ có tường bao bọc cùng cửa ra của thang máy và cửa ra của thang bộ. Cái gọi là “căn phòng” phía trên thật ra là cái “chuồng cu” chứa các thiết bị kéo thang máy lên xuống, được xây bít lại và có nóc bằng phẳng. Cái “chuồng cu” chỉ cao khoảng 2,5 m, trong khi đó chiếc nóc bằng vuông vức của nó, mỗi bề cũng chỉ khoảng 2 m. Người ta xây viền quanh dưới chân “chuồng cu” một khoảng ô văng nhỉnh hơn 1 m. Chiếc chuồng cu bé nhỏ ấy đã phải đón một con chim sắt to lớn ngoài sức tiên liệu!
Hubert van Es - tác giả bức ảnhHubert van Es - tác giả bức ảnh
Cảnh vật trên sân thượng hầu như còn nguyên vẹn như trong bức ảnh 40 năm trước. Chiếc sân có hai cột thoát khí được xây như hai cột trang trí ốp gạch nâu. Còn lại, phần lớn để trống, lát gạch xi măng, ngổn ngang một vài chậu cây. Phía mặt sau có một phòng nhỏ bây giờ làm bếp nấu ăn cho căn tin ở tầng bên dưới. Khi xưa, có lẽ sân thượng của tòa nhà là nơi ngắm cảnh rất hữu tình. Từ đây có thể trông thấy xa xa nhà thờ Đức Bà, bưu điện, khách sạn Caravelle... Chung quanh nó hiện giờ vẫn một loạt nhà mái ngói thấp tầng, trừ cao ốc Vincom mới xây gần đây. Quả thật, vào thời điểm năm 1975, tòa nhà 22 Gia Long là một vị trí lý tưởng để trực thăng đáp xuống ngay giữa trung tâm Q.1. Tuy nhiên khoảng sân thượng nhỏ bé và chiếc “chuồng cu” cheo leo ấy đúng là một thử thách lớn cho các phi công trực thăng. Nhìn lên chiếc ô văng phía trước “chuồng cu”, anh bạn Thụy Sĩ chỉ tôi xem có một vết lõm sâu. Phải chăng đó là dấu vết chân đáp nặng nề của chiếc trực thăng năm xưa? Và kia, một chiếc thang nhỏ đặt phía trước “chuồng cu” nhưng không dẫn lên được nóc. Xem lại bức ảnh, tôi nhận ra đó không phải là chiếc thang có hàng người rồng rắn leo lên “chuồng cu” ngày ấy. Một chiếc thang khác dài hơn được đặt thẳng từ nền sân thượng lên đến nóc “chuồng cu” từ phía bên tay phải ở mặt đường nhìn vào tòa nhà. Thử hình dung xem trên chiếc sân thượng khoảng 100 m2, có đến hàng chục và có thể hàng trăm người chen chúc, cuống cuồng thoát ra từ chiếc thang máy và thang bộ và rồi lao nhanh về chiếc thang dẫn lên trực thăng. Mỗi chiếc trực thăng UH chỉ chở được tối đa 8 người nhưng nghe nói họ đã nhồi vào 14 - 15 người vào cái giờ phút khẩn cấp đó.
Tôi bỗng nhớ đến một chi tiết trong sách Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman (1). Theo ông, có hai “hành khách” đặc biệt ngẫu nhiên cùng lúc được trực thăng Mỹ bốc đi tại nóc nhà số 22 Gia Long vào tối 29.4.1975. Cả hai đều là nguồn tin và chỗ quen biết của nhà báo và là nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn. Đó là tướng Trần Văn Đôn, Phó thủ tướng đặc trách quốc phòng trong nội các cuối cùng của Nguyễn Văn Thiệu. Ông cũng là một trong những tướng theo Mỹ lật đổ Ngô Đình Diệm năm 1963. Thế mà giờ chót, tướng Đôn bỏ chạy và suýt “lỡ tàu” vì không chen vào được Sứ quán Mỹ. CIA báo ông biết chỉ còn một địa điểm duy nhất có thể lên được những chiếc trực thăng cuối cùng chính là tòa nhà 22 Gia Long. Khi vào được đây, ông “chạm trán” bác sĩ Trần Kim Tuyến, nguyên trùm tình báo của Ngô Đình Diệm, người giờ chót đến cầu cứu ông Ẩn và được ông Ẩn đích thân đưa đến. Thật may mắn cả hai đã leo đến được tầng 9 và vào được trực thăng. Sau đó tướng Đôn và bác sĩ Tuyến ngồi đối diện nhau nhưng cả hai lặng thinh, không nói câu nào trong suốt thời gian bay ra hạm đội Mỹ. Vâng, họ mãi mãi trở thành “yesterday people” - những nhân vật lùi vào quá khứ.
Sân thượng và nóc chuồng cu tòa nhà 22 Lý Tự Trọng ngày nay - Ảnh: P.TSân thượng và nóc chuồng cu tòa nhà 22 Lý Tự Trọng ngày nay - Ảnh: P.T
Người phóng viên cuối cùng
Bây giờ bạn có thể tra Google tìm thấy tên tác giả của bức ảnh The last helicopter một cách dễ dàng. Đó chính là Hubert van Es, người Hà Lan, cũng là người phóng viên cuối cùng của Hãng thông tấn Mỹ UPI có mặt tại Sài Gòn. Lúc ấy, có khoảng 20 phóng viên nước ngoài “ở lì ” tại đây, không chịu “di tản” để chứng kiến cuộc chiến kết thúc. Trong đó, Hubert là người đã chụp được bức ảnh có một không hai này. Đúng 30 năm sau, trên tờ New York Times, ngày 29.4.2005, tác giả kể lại bức ảnh đã ra đời như thế nào (2).
Hôm đó là thứ ba 29.4.1975, vào lúc 11 giờ trưa, các phóng viên nước ngoài có mặt ở Sài Gòn được Sứ quán Mỹ thông báo khẩn phải đến ngay địa điểm tập trung đối diện Bệnh viện Grall (Nhi đồng 2 ngày nay) trên đường Gia Long (Lý Tự Trọng) để ra sân bay. Khi tiễn các phóng viên ra xe, Hubert đã thấy cảnh thủy quân lục chiến Mỹ gạt bỏ phũ phàng những người VN muốn bám theo. Và rồi, một loạt cảnh náo loạn diễn ra ngay trên đường Tự Do (Đồng Khởi) - con đường số 1 của Sài Gòn. Suốt từ sáng đến tối hôm đó, trên bầu trời Sài Gòn lúc nào cũng thấy có một loạt trực thăng ngược xuôi rầm rộ.
Hubert trở về Văn phòng UPI ở tầng chót một khách sạn trên đường Tự Do cách không xa khách sạn Caravelle để làm ảnh. Khoảng 2 giờ 30 trưa, ông nghe nói có một chiếc trực thăng đang đáp trên nóc một tòa nhà chỉ cách 4 - 5 block. Lập tức, Hubert vội lấy máy ảnh, không quên mang theo ống kính tele 300 duy nhất ở văn phòng để chạy ra ban công săn hình. Qua ống kính, Hubert thấy trên tầng thượng tòa nhà có một chiếc trực thăng nhỏ bé đậu chênh vênh vì diện tích hạ cánh quá hẹp. Một nhân viên mặc thường phục đứng ngay cửa máy bay, cúi người kéo từng người lên và nhồi họ vào trực thăng. Thế rồi, chiếc trực thăng cất cánh, hàng người bên dưới nhốn nháo, tiếp tục trụ lại trên nóc tòa nhà. Cùng lúc Hubert chụp liên tục 10 kiểu ảnh từ lúc chiếc trực thăng bốc người cho đến lúc nó cất cánh bay đi.
Hubert trở lại ngay buồng tối để làm ảnh cho kịp việc truyền ảnh đi Nhật theo quy ước sẽ thực hiện vào 5 giờ chiều mỗi ngày. Ảnh sẽ truyền qua đường vô tuyến tại Nhà bưu điện trung tâm Sài Gòn. Mỗi ảnh có kèm chú thích, thời gian truyền một ảnh hồi ấy là 12 phút. Văn phòng UPI Tokyo đã nhận được 10 bức ảnh của Hubert nhưng không hiểu vì sao đã hiểu sai chú thích ảnh của ông. Thay vì ghi lại theo chú thích của Hubert là cảnh trực thăng bốc người di tản trên nóc một tòa nhà trung tâm Sài Gòn thì họ lại ghi là trực thăng bốc người ở nóc Sứ quán Mỹ! Có lẽ vào thời điểm đầy kịch tính đó, người ta đã liên tưởng ngay một hình ảnh rất tiêu biểu là người Mỹ sẽ tháo chạy từ chính sứ quán - lãnh thổ của họ. Đúng ra, chiếc trực thăng cuối cùng là chiếc trực thăng chở tiểu đội thủy quân lục chiến Mỹ lặng lẽ cất cánh khỏi nóc Sứ quán Mỹ vào rạng sáng 30.4 nhưng lúc ấy không ai chụp ảnh hay quay phim được.
Sáng 30.4, Hubert còn in thêm nhiều ảnh mới chụp của mình và các cộng tác viên. Trong đó theo ông ý nghĩa nhất là bức ảnh một cao ốc gần Sứ quán Mỹ bốc cháy. Những bức ảnh cuối cùng ấy đã được một nhân viên VN của UPI mang ra Nhà bưu điện để truyền đi song đến 12 giờ 20, anh điện thoại cho Hubert nói rằng bộ đội đã ở ngoài cửa phòng truyền ảnh. Hubert bảo anh ráng truyền thêm 5 phút nữa. Tuy nhiên, sau đấy, các máy truyền ảnh cũng như điện thoại ra nước ngoài đã bị cắt. Bức ảnh cao ốc bốc cháy chỉ truyền được phân nửa. Dẫu sao, những bức ảnh cuối cùng của Hubert đã không thay thế được bức ảnh Chiếc trực thăng cuối cùng bất hủ!
Anh bạn Thụy Sĩ và tôi đi một vòng sân thượng tòa nhà, hình dung hình ảnh những chiếc trực thăng cuống cuồng chở người di tản ngày ấy. Bỗng dưng, anh nói với tôi: “Sao không làm ở đây một quán cà phê, một nhà hàng nhỉ. Độc đáo lắm!”. Tôi cười, đúng là máu du lịch Thụy Sĩ! Chao ơi, lịch sử đã đi qua, 40 năm rồi, nhìn lại càng thấy nhiều điều đáng kinh ngạc nhưng không thể cứ nghĩ mãi về thương đau. Phải nghĩ và làm những điều vui hơn để nỗi thương đau vơi dần. Có cách nào hơn?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.