Chắp vá, lộn xộn ở di tích quốc gia lăng Ông

08/12/2015 05:59 GMT+7

Lăng tả quân Lê Văn Duyệt (lăng Ông ở khu vực Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1988, nhưng hiện nay nhiều hạng mục bị xâm hại vẫn chưa được trả lại nguyên trạng.

Lăng tả quân Lê Văn Duyệt (lăng Ông ở khu vực Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1988, nhưng hiện nay nhiều hạng mục bị xâm hại vẫn chưa được trả lại nguyên trạng.

Cổng vào lăng Ông lộn xộn - Ảnh: Quỳnh TrânCổng vào lăng Ông lộn xộn - Ảnh: Quỳnh Trân
Không những thế, tình trạng buôn bán tràn lan phía trước khiến chốn tôn nghiêm trở nên xô bồ. Có mặt cùng PV Thanh Niên tại lăng Ông, hai nhà thơ Trương Nam Hương, Lê Ngọc Phái và nhà văn Lý Nhân Phan Thứ Lang đều lấy làm tiếc về sự can thiệp thô bạo vào nhiều hạng mục quý của di tích.
Nhà vệ sinh ở… cổng lăng
Mặt tiền cổng chính và bên hông lăng hiện đang trưng bày ngổn ngang cây kiểng, một số người còn ngang nhiên che bạt để ở, trông rất xập xệ. Lối đi vào lăng biến thành tiệm nail “di động”, nhiều thợ sơn móng tay, móng chân ngồi khom lưng phục vụ khách. Một bãi giữ xe máy ngay cửa chính lấn hết cả lối đi của du khách tham quan chụp ảnh, người ra vào gửi xe, lấy xe tấp nập. Một nhà vệ sinh đã được xây dựng ngay trước cổng chính lăng, nằm gần chợ Bà Chiểu, nơi khách đi chợ và tiểu thương vẫn sử dụng chung. Đã có nhiều ý kiến không đồng tình với sự tồn tại của nhà vệ sinh này. Bà Lâm Thị Hoàng Oanh, Trưởng ban Quản lý di tích lăng Ông Bà Chiểu, cũng thừa nhận theo quan niệm của người Việt thì nhà vệ sinh phải ở phía sau, kín đáo hơn chứ để ở trước là không nên.
Bà Oanh đích thân dẫn chúng tôi đi xem các đoạn hàng rào của di tích lăng Ông. Tương phản với cổng tam quan tôn nghiêm cổ kính, hàng rào bên ngoài di tích có chỗ dùng lưới B40, chỗ thì rào bằng sắt lộn xộn. Bà Oanh cho biết: “Do vẫn tồn tại những hạng mục cũ của nhà thiếu nhi trước đây nên lối đi vào cổng trước của lăng quá hẹp, các loại xe ô tô lớn đưa khách du lịch đến không thể vào được. Các đoạn tường cổ có hoa văn rất đẹp, lại bị xen lẫn với những đoạn xây mới bằng sắt, lưới làm ảnh hưởng đến giá trị công trình. Tuy nhiên, vì đây là di tích cấp quốc gia nên chúng tôi có muốn sửa chữa gì cũng phải chờ ý kiến từ cơ quan bảo tồn di tích và Sở VH-TT TP.HCM”.
Tôi thấy đau lòng khi chốn tôn nghiêm như thế này lại quá xô bồ. Cần trả lại không gian yên tĩnh và những kiến trúc xưa của lăng Ông để nhân dân đến chiêm bái và thu hút khách du lịch tham quan.
Nhà thơ Trương Nam Hương
Về sự “chắp vá” giữa kiến trúc xưa và nay của di tích, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM Huỳnh Văn Mười cho biết: “Lâu nay, lăng tả quân Lê Văn Duyệt vốn là biểu tượng của Gia Định - Sài Gòn và là danh thắng nổi tiếng. Sau năm 1975, địa phương có kế hoạch làm nhà thiếu nhi nên đập bỏ toàn bộ hàng rào để xây mới bằng sắt với những họa tiết trang trí uốn lượn hình chiếc lá búp măng non. Toàn bộ các cột và gạch trang trí nhỏ bằng gốm xanh lưu ly tại hàng rào phía đường Lê Văn Duyệt và Chi Lăng (Đinh Tiên Hoàng và Phan Đăng Lưu hiện nay) đã bị đập nát, riêng con nghê ở đầu cột bị tháo bỏ, xây thêm mái che. Người ta trồng thêm các cột sắt, nối cao thêm các cột có sẵn để đỡ cho giàn mái cổng mới, bằng lối thiết kế xây dựng vô cùng tắc trách”.
Không ăn nhập
Cũng theo ông Mười, sau 1975, Q.Bình Thạnh cho xây dựng thêm cổng ngoài phía đường Vũ Tùng, trên đỉnh trụ cổng có mái trang trí bằng tôn phẳng có mảng cong hình vành khăn, “không ăn nhập gì với kiến trúc của lăng nhưng sau đó mái này bị mục nát, tháo bỏ”. Ông nhận xét ba cổng phụ của lăng hiện tại có hai phong cách khác nhau: Cổng ngoài nhìn ra đường Vũ Tùng thì theo phong cách hiện đại. Hai cổng ở phía đường Đinh Tiên Hoàng và Phan Đăng Lưu thì lại một kiểu khác. Ông đặc biệt lưu ý tới những chi tiết thêm vào gây phản cảm ở di tích: “Mỗi cột gạch cũ có nối cao thêm bằng 3 cột sắt không theo phong cách hay quy chuẩn kiến trúc từ cổ điển cho đến hiện đại. Dùng sắt ấp chiến lược để làm trụ đỡ chính của mái ngói rất phản mỹ thuật và tệ hại hơn là các trang trí đầu mái ngói lưu ly lại làm giả bằng tôn mỏng cắt hình cong, sơn màu xanh giả. Cách làm sao chép rẻ tiền này không phù hợp về trang trí kiến trúc lẫn khảo cổ”.
Trả lời Thanh Niên về tình trạng hiện nay của lăng Ông Bà Chiểu, ông Lê Tôn Thanh, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM cho biết: “Chúng tôi luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp quý báu, chân thành và tình cảm đối với di sản của TP.HCM nói chung và lăng Ông Bà Chiểu nói riêng của các nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu văn hóa. Sắp tới, trong kế hoạch tu bổ thường xuyên sẽ có những chỉnh sửa dần, tuy nhiên vấn đề trùng tu các di tích không phải ngày một ngày hai mà còn phải phụ thuộc vào vấn đề nhân sự, thời gian và kinh phí”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.