Cây sala được Phật tử khắp thế giới tôn sùng vì sao hay bị… nhầm lẫn?

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
19/05/2021 15:13 GMT+7

Cây sala có nguồn gốc từ Ấn Độ, Myanmar, Nepal và Bangladesh, có thể đạt chiều cao 30 - 35 m, hoa chùm màu vàng..., được Phật tử khắp thế giới tôn sùng nhưng thường bị nhầm lẫn với các loài cây khác.

Ở châu Á, cây sala thường bị nhầm với cây đầu lân (Couroupita Guianensis), một loài cây từ vùng nhiệt đới Nam Mỹ được người Anh giới thiệu đến châu Á vào thế kỷ 19.
Cây đầu lân là loại cây thân gỗ, có thể cao tới 30 - 35m. Quả và hoa nằm trải dài quanh thân cây, từ gốc lên trên; chùm hoa có thể dài 3 m; trái lớn, tròn, đường kính 15 - 24 cm. Trong Phạn ngữ, loài cây này được gọi là Nāgaliṅgam (नागलिङ्गम्). Do cây có trái to như viên đạn đại bác nên người Anh gọi là Cannonball tree; Trung Quốc gọi là Pháo đạn thụ (砲彈樹); còn Thái Lan thì gọi là Luukphunyai (ลูกปืนใหญ่). Ở Việt Nam, có lẽ do hình dạng của hoa nên người ta thường gọi cây này là đầu lân, hàm rồng hay ngọc kỳ lân. Riêng cái tên ngọc kỳ lân cũng là tên một loài xương rồng phổ biến ở nước ta...

Chùm hoa cây đầu lân có thể dài 3m

Cây đầu lân là loại cây thân gỗ, có thể cao tới 30-35 m. Quả và hoa nằm trải dài quanh thân

Ảnh: Flickr.com

Cây đầu lân được trồng tại các địa điểm Phật giáo và Ấn Độ giáo ở châu Á với niềm tin rằng đó là cây thánh thư, đặc biệt là ở Sri Lanka, Thái Lan và các quốc gia Phật giáo Nguyên thủy. Ở Ấn Độ, cây đầu lân được trồng tại các đền thờ thần Shiva và được gọi là Shiv Kamal hay Nagalingam vì hoa của nó được cho là giống với mào của một con Nāga (rắn hổ mang thần thánh). Nếu đến Cung điện Hoàng gia ở Phnom Penh (Campuchia), bạn có thể thấy cây đầu lân được chú thích là cây sala. Ở Thái Lan phần lớn người dân đều gọi cây đầu lân và sala bằng cái tên chung là… sala. Tuy nhiên, nhà vườn phân biệt rõ hơn: sala là sala, còn đầu lân là… sala Srilanka.

Trái của cây đầu lân

Ảnh: T.L

Ngoài ra, cây sala cũng thường bị nhầm lẫn với cây vô ưu (Saraca Asoca), thuộc chi vàng anh, phân bố chủ yếu ở Nam Á và phía tây Myanmar, một loài được Trung Quốc gọi là 無憂樹 (vô ưu thụ). Vô ưu rất quan trọng trong truyền thống văn hóa Ấn Độ và các nước theo Phật giáo.
Người ta cũng thường nhầm vô ưu với cây vàng anh lá nhỏ (Saraca Indica), vì cây vô ưu còn có một tên khoa học khác gọi là Saraca Indica, giống như cây vàng anh lá nhỏ. Trong tiếng Anh những loài cây này được gọi tên chung là Ashoka tree, tiếng Phạn gọi là Azoka (अशोक), Azokataru (अशोकतरु) hoặc Ashokavrkshah (अशोकवृक्षः).
Vô ưu là loài cây nhỏ, lá dài hình thuôn, dài khoảng 8-30 cm; cụm hoa hình nón, chồi màu vàng hoặc đỏ thẫm, không có cánh hoa, đài hoa hình ống dài, 4 thùy, giống như cánh hoa.
Nhật Bản gọi là ムユウジュ (Muyuuju); Thái Lan gọi là โสก (Xôôk), โสกน้ำ (Xôôk-nám) hay อโศกน้ำ (Ạ-xôôk-nám)…

Hoa của cây vô ưu (Saraca asoca)

Ảnh: T.L

Cây sala (Shorea robusta)

Ảnh: T.L

Tóm lại, sala, đầu lân và vô ưu là 3 loài cây khác nhau. Ngoài nhầm lẫn về tên gọi, cần tránh sai ở tên khoa học, không thể gọi là sala rồi lại chú thích tên khoa học của cây đầu lân hoặc vô ưu… Vì vậy, cần phải nhìn nhận khoa học về cây sala sao cho đúng để tránh việc “râu ông nọ cắm cằm bà kia” như lâu nay cho loài cây rất linh thiêng này.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.